image banner
ĐẢNG BỘ,CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NAM TRỰC QUYẾT TÂM XÂY DỰNG HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO


image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đền Am - Lịch sử và kiến trúc nghệ thuật
Lượt xem: 8342

 Đền Am là nơi thờ tự và tri ân công đức của nhân dân địa phương đối với Đức Thánh tổ, thiền sư Bùi Huệ Tộ (1566-1641) một vị chân tu đã suốt đời vì đạo pháp dân tộc, vì cuộc sống bình yên, no ấm của nhân dân.

Căn cứ vào cuốn Kệ hiện lưu giữ tại chùa Cổ Gia (Nam Hùng, Nam Trực), sách Từ điển Phật học và đặc biệt là tác phẩm Thánh tổ thực lục do Đốc học trấn Sơn Nam Đoàn Khiết Phủ soạn vào niên hiệu Minh mệnh thứ nhất (1820) lưu giữ tại Đền Am thì Thiền sư Bùi Huệ Tộ sinh ngày 10 tháng Giêng năm 1566, đời vua Lê Anh Tông, tại thôn Tô, xã Chân Đàm, nay là thôn Nhất, thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.

Ông sinh ra trong một gia đình nề nếp, giàu truyền thống hiếu học. Thân phụ ông là Bùi Nhất Lang, hiệu là Phúc An và thân mẫu là Nguyễn Nhất Nương, hiệu là Thục Tiết. Đã hai lần lập gia đình nhưng cả hai bà vợ đều qua đời sớm do lâm bệnh hiểm nghèo. Trước xã hội rối ren bởi quyền lực của các tập đoàn phong kiến, thấy cuộc đời nhiều nỗi éo le, trắc trở, năm 32 tuổi, Bùi Huệ Tộ đã chọn con đường xuất gia tu hành. Qua nhiều năm tu hành, ông đã giác ngộ và tìm thấy chân lý của đạo Phật là cứu nhân độ thế.

Nguồn tư liệu lịch sử cùng truyền thuyết lưu truyền trong dân gian còn cho biết, trong quá trình tu hành, tìm hiểu và giác ngộ đạo Phật, Thiền sư Bùi Huệ Tộ kế thừa và phát triển tác phẩm Khóa hư lụccủa Vua Trần Thái Tông (1218-1276) thành Kế hư lục. Đây là bộ sách khá đồ sộ, gồm 40 chương, nội dung sách nhằm tuyên truyền những tư tưởng tích cực của đạo phật về độc lập, thống nhất, sắc thái riêng của Phật giáo Thiền Tông Việt Nam. Tiếp thu những tư tưởng tiến bộ đó, Thiền sư Bùi Huệ Tộ đã hướng con người tu hành và truyền đạo của mình theo con đường dân tộc gắn với đạo pháp.

Cùng với việc truyền đạo, Thiền sư Bùi Huệ Tộ còn có công xây dựng và trụ trì 18 ngôi chùa thuộc khu vực huyện Nam Trực như chùa Tiên Độ (Đồng Côi, thị trấn Nam Giang), chùa Sùng Đức (Bái Trạch, Nghĩa An), chùa Hinh Lan (Thanh Khê, Nam Cường), chùa Già Độ (Cổ Ra, Nam Hùng), chùa Thiên Trúc (Cổ Nông, Bình Minh), chùa Thiên Bảo (Thọ Tung, Nam Hùng), chùa Thùy Hồng (thôn Đầm, Nam Dương)… và xa hơn nữa là chùa Đông Hồ, Non Nước (thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình). Ở những nơi này, Thiền sư đã giành nhiều tâm huyết để vận động nhân dân địa phương và thập phương tín đạo sửa sang chùa cảnh; bỏ tiền để mua ruộng, chuộc nhà và đồ đạc cho dân nghèo đã bán trước đó, giúp họ làm ăn, sinh sống. Tại Đền Am còn nhiều câu đối khẳng định công lao của ông, lòng biết ơn của nhân dân trong vùng đối với một nhà sư suốt đời vì đạo, vì dân.

"Thần thông quýnh xuất tam thiên giới

Linh sảng nhưng truyền thập bát am"

Nghĩa là: "Thần thánh hơn cả các vị trong ba ngàn thế giới, sự linh thiêng của ngài còn truyền lại ở mười tám am".

"Lê triều tam bách tài chí kim đán Việt Phương Lưu Tô trừ Bắc,

Cổ Xát thập bát phương phụng sự từ vân phổ biếu cõi giang Nam"

Nghĩa là:    Ba trăm năm trước thời Lê, cho đến nay, đức thánh che chở, tiếng thơm để lại thắm nhuần sông Tô nơi đất Bắc.

Xây dựng 18 chùa cổ, dân làng phụng thờ thần mấy làng phủ khắp, cỏ cây tươi tốt nhờ được nước bể Nam.

Ngày 10 tháng giêng năm Tân Tỵ (1641), niên hiệu Dương Hòa, đời vua Lê Thần Tông, khi ông đã 76 tuổi, ngài cho xếp củi đầu làng Cổ Tung rồi tự thiêu trước sự chứng kiến của người dân địa phương đối với một vị chân tu. Chỗ Thiền sư tự thiêu, tục gọi là gò Thánh hóa.

Sách Nam Trực huyện thông chí do Huấn đạo huyện Nam Trực Dương Tự Phan soạn vào thời vua Khải Định (1916-1925) đặc biệt là Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược của Tiến sĩ Đốc học Nam Định, Tế tửu Quốc Tử Giám Khiếu Năng Tĩnh soạn vào thời vua Thành Thái (1896) đã chép về thân thế và sự việc Thiền sư Bùi Huệ Tộ lên hóa đàn hóa Thánh (dịch) như sau "Huệ Tộ đại thánh Thiền sư quê ở thôn Nhất, xã Trực Chính (tên cổ là Thanh Đàm, thời Trần đổi là Chân Đàm, sau đổi là Trực Chính)... Sư đi tu đắc đạo ở Tây Thiên, lội nước chèo non ví như chim bay. Sư từng tu ở nhiều chùa, dựng quán Thừa Lương, Viết kế đăng lục, đúc ấn kim cương được vua Lê Thần Tông tôn danh Hòa Thượng. Niên hiệu Dương Hòa, sư lên hóa đàn tự thiêu, tại chỗ Cổ Tung, Trực Chính giáp nhau có một cồn đất, sở tại gọi là gò Thánh hóa. Thời Cảnh Hưng (1740- 1786), ngài được phong là Đại Thiền sư. Trực Chính, Cổ Tung đều có đền thờ, nhiều lần được phong tặng”. Sau khi "Hóa trung hóa phật", Thiền sư Bùi Huệ Tộ được Phật giáo suy tôn là Bồ tát, Đạo giáo suy tôn là Thánh tổ và những nơi ngài đến trụ trì đều được nhân dân tôn làm phúc thần. Tập Kệ chép lại thân thế, sự nghiệp của Thiền sư, trong đó có đoạn viết:

"Uy đức cao siêu pháp giới tôn

Viên dang phổ chiếu mãn càn khôn

Chứng minh công đức chuân cần ý

Già độ nghiêm nghiêm vạn cổ tồn"

Nghĩa là:

  Uy đức hơn cả các vị tôn kính trong hàng ngũ các sư

            Ngài trở thành con người tròn trặn nhất trong khoảng trời đất

    Công đức thể hiện rõ rệt ra ở việc cần, kiệm thường ngày

Nơi cảnh chùa trang nghiêm tiếng tăm còn mãi

Sau khi Thiền sư hóa đàn tại Cổ Tung, để ghi nhớ công đức, nhân dân địa phương đã lập đền thờ phụng. Ngôi đền được xây dựng ngay trên nền đất thảo am mà trước đây ngài đã dựng.

Tòa tiền đường đền Am

Đền Am tọa lạc trên một khu đất rộng 2.685m2, mặt quay mặt về hướng Tây Nam, xung quanh đền có nhiều cây lưu niên tạo không khí mát mẻ, trong lành. Nhìn trên mặt tổng thể, đền Am gồm các hạng mục kiến trúc như: hồ nước, cổng, nghi môn, sân, nhà khách, công trình đền chính và hai dãy giải vũ môn. Đền chính có kiến trúc theo kiểu chữ "Công" gồm các hạng mục: Tiền đường, Trung đường, Cung cấm. Tòa Tiền đường 3 gian 2 chái có kích thước dài 13,60m, rộng 7m (hiên rộng 1m). Bộ cánh cửa Tiền đường được gia công theo kiểu bức bàn chạy suốt 5 gian, toàn bộ được làm bằng gỗ Lim. Mặt bằng tiền đường được bố trí… đối nhau, bộ khung được tạo dựng bởi sự liên kết của 6 bộ vì. Hai bộ vì gian giữa được thiết kế kiểu Thượng cồn vành mai, hạ kẻ bẩy, bộ phận chủ lực chính của 2 bộ vì này là hệ thống cột tạo dáng Búp đòng… Phần chân cột được kê các chân tảng đá xanh hình cổ bồng. Trên các bức mê của các bộ vì được chạm họa tiết mặt hổ phủ lớn, mê nách chạm họa tiết triện tàu, tùng, cúc, chữ "thọ". Mái của tiền đường là bộ mái cong phẳng, gồm các cấu kiệu: Hoành, rui làm bằng gỗ Lim, lợp ngói nam, bờ nóc trang trí họa tiết Rồng chầu, hai hồi đốc đắp họa tiết mặt Hổ phù với kích thước khá lớn. Trên các cây xà dài, có chạm để tài rồng chầu mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê, thế kỷ XVII-XVIII với thân hình chắc mập, đao mác tua tủa.

Tòa trung đường dài 5m, rộng 4m kiến trúc vòm cuốn, cột gạch chồng lâu 2 tầng 8 mái, công trình này được tôn tạo lại vào năm Kỷ Tỵ (1989)… Trung đường là nơi đặt ban thờ công đồng và bài trí nhiều đồ thờ có giá trị, đặc biệt là cỗ ngai mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê, thế kỷ XVII-XVIII. Nối liền sau trung đường là tòa Cung cấm với 3 gian. Hầu hết các cấu kiện gỗ tại Cung cấm đều được gia công lắp dựng theo kiểu bào trơn, đóng bén. Đặc biệt là các mảng chạm khắc họa tiết lá hỏa mặt trời, vân mây mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê, thế kỷ XVII-XVIII.

Lễ hội truyền thống Đền Am diễn ra trong 2 ngày mùng 9 và mùng 10 tháng Giêng âm lịch. Lễ hội truyền thống và những sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng diễn ra tại di tích Đền Am mang ý nghĩa tưởng nhớ công lao của Thiền sư Bùi Huệ Tộ và là sự biểu hiện những nét văn hóa dân gian đặc sắc ở một làng quê vùng đồng bằng sông Hồng. Lễ hội thu hút cả cộng đồng dân làng cùng các quý khách thập phương về tham gia sinh hoạt tín ngưỡng lành mạnh với các nghi thức tế lễ, rước kiệu... Trong những ngày diễn ra lễ hội, ngoài các nghi thức tế lễ còn có nhiều sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, các trò chơi dân gian như đánh cờ, tổ tôm điếm, đánh đu, hát chèo, hát văn, bóng đá, bóng chuyền và đặc biệt là biểu diễn múa rối nước. Múa rối nước ở Giáp Nhất, Nam Giang, Nam Trực xuất hiện từ rất sớm. Tương truyền vào thời Lý, Quốc sư Từ Đạo Hạnh có lần lánh nạn về xã Châu Đàm, dựng chùa Đại Bi để tu hành đã dạy nghề múa rối cạn cho các thôn Vân Chàng, thôn Tư, thôn Ba và dạy múa rối nước cho thôn Nhất. Trong múa rối nước thôn Nhất cho nhiều tích trò như: Trần Hưng Đạo bình Nguyên, Tứ Linh, câu cá, đánh đu, tiễu, rúc ống, bắt vịt, mở cờ, đốt pháo... Đặc biệt trong múa rối nước tại hồ trước cửa đền Am không thể thiếu tiết mục nhà sư đi truyền bát nhã khuyên giáo thập phương công đức vào việc đúc Chuông, tô Tượng, sửa chùa liên quan đến Đức Thánh Tổ. Đây là trò vui cổ truyền phục vụ lễ hội kỵ Thánh và cả những lễ hội trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, múa rối nước tại lễ hội Đền Am vẫn được bảo tồn.

Việc thờ tự Thiền sư Bùi Huệ Tộ tại đền Am ngoài mang ý nghĩa thờ một vị chân tu, một vị phúc thần còn mang ý nghĩa riêng khác, bởi đây chính là quê hương của Ngài. Bởi vậy mặc dù qua nhiều thế kỷ nhưng việc thờ tự của nhân dân ở vùng quê Nam Trực nói chung, thôn Nhất nói riêng với Thiền sư Bùi Huệ Tộ vẫn không hề thay đổi. Điều đó đã thể hiện sự tri ân, niềm tôn kính sâu sắc của người dân địa phương đối với công lao của Ngài, một vị chân tu suốt đời vì đạo pháp dân tộc, vì cuộc sống bình yên, no ấm của nhân dân.

Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, ngày 14 tháng 12 năm 2012 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra Quyết định số 4898/QĐ-BVHTTDL xếp hạng Đền Am, thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định là di tích cấp quốc gia./.

Trần Duy Huyền - Phó giám đốc Trung tâm văn hóa thể thao huyện Nam Trực

image advertisement

anh tin bai

anh tin bai



image advertisement
image advertisement


anh tin bai
anh tin bai







image advertisement
image advertisement

 anh tin bai

image advertisement



Video Sự Kiện
  • Tuần lễ Văn Hoá - Giáo Dục huyện Nam Trực - Nam Định lần thứ XII - Năm 2023
  • Các điển hình Dân vận khéo năm 2023 huyện Nam Trực
  • Hạ nhiệt mùa hè cùng ngành điện
  • Nam Trực - Điểm sáng trong phát triển sự nghiệp Thể dục - Thể thao
1 2 3