image banner
ĐẢNG BỘ,CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NAM TRỰC QUYẾT TÂM XÂY DỰNG HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO


image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Cầu Ngói và Phủ Bà Thôn Thượng Nông, xã Bình Minh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định
Lượt xem: 9135

Vào thời vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng (1740 - 1786), ở xã Thượng Nông, huyện Nam Chân, trấn Sơn Nam (nay là thôn Thượng Nông, xã Bình Minh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) có ông Nguyễn Thọ Hoằng rất tài giỏi, được vời vào làm quan trong triều. Ông được nhà vua bổ nhiệm giữ chức: Phấn lực tướng quân, tước hầu nên còn được gọi là Hoằng Thanh Hầu. Tại di tích còn có đôi câu đối ghi nhận điều này:

“ Ngũ hầu thanh giá lưu kim cổ

Vạn dị chưng thường ngưng hải sơn”

Dịch nghĩa:

 “ Danh giá của ngũ hầu xưa nay lưu truyền mãi

Chưng thường muôn sự lạ đọng lại với núi sông”

Tướng quân có người con gái lớn tên là Nguyễn Thị Ngọc Xuân rất xinh đẹp. Ngay từ khi còn nhỏ, Ngọc Xuân tỏ ra thông minh nhanh nhẹn và tinh thông: cầm, kỳ, thi, họa. Một hôm, Ngọc Xuân theo cha vào chầu ở phủ chúa. Chúa Trịnh Sâm chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nàng thì đem lòng yêu mến rồi tìm cách tuyển nàng vào phủ làm cung phi. Ngọc Xuân vào phủ, được chúa Trịnh Sâm hết mực yêu chiều, sống một cuộc sống an nhàn.

 

                                                Tượng bà chúa Nguyễn Thị Ngọc Xuân

Tháng 10 năm 1782, Dự Vũ người thân tín của Trịnh Khải súi kiêu binh (lính tam phủ) nổi loạn phế truất ngôi chúa của Trịnh Cán lập Trịnh Khải lên ngôi chúa, tiến phong là Đoan Nam vương.

Nhận thấy đất nước xảy ra biến loạn, Ngọc Xuân rời bỏ phủ chúa về quê hương Thượng Nông sinh sống. Về quê, thấy cảnh quê hương còn nhiều khó khăn, Ngọc Xuân bỏ tiền mua 36 mẫu ruộng cấp cho 6 giáp trong làng chia đều cho các cụ từ 60 tuổi trở lên. Làng Thượng Nông nằm dọc hai bên bờ của sông Ngọc. Khu trung tâm của làng nằm ở phía bên hữu dòng sông. Liền kề với khu trung tâm còn có chợ và các công trình tín ngưỡng như đền, chùa, miếu… nhân dân thường phải qua lại trên một cây cầu chênh vênh được ghép gỗ bắc qua sông Ngọc. Để phục vụ cho việc đi lại lao động sản xuất và giao lưu buôn bán của dân trong vùng được thuận lợi, bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân quyết định bỏ tiền ra mua nguyên vật liệu và vận động nhân dân góp công sức xây dựng một cây cầu mới rộng rãi, chắc chắn thay thế cho cây cầu cũ. Từ đó, nhân dân hai bên bờ sông có điều kiện qua lại dễ dàng, kinh tế ngày càng phát triển.

Sau khi bà chúa Nguyễn Thị Ngọc Xuân mất, dân làng Thượng Nông vô cùng thương xót. Nhớ đến ơn đức to lớn của bà, các thế hệ con cháu trong dòng họ Nguyễn và dân làng Thượng Nông lập phủ thờ bà làm phúc thần. Bà chúa Nguyễn Thị Ngọc Xuân không chỉ được dân làng thờ phụng ở phủ mà còn phối thờ ở chùa Thượng Nông.

 

Phủ thờ bà chúa Nguyễn Thị Ngọc Xuân

Tại phủ Bà hiện còn lưu giữ nhiều câu đối, đại tự có nội dung ghi nhận công đức của bà chúa Nguyễn Thị Ngọc Xuân đối với nhân dân trong vùng, trong đó có câu:

“ Như tồn công đức truyền ra miếu

Bất hủ tinh linh tại ấp từ”

Dịch là: “ Miếu nhà đó mãi truyền công đức

Đến ấp đây không dức linh thiêng”

Công lao của bà chúa Nguyễn Thị Ngọc Xuân trong việc làm cầu, mở chợ phục vụ cho công việc làm ăn của nhân dân không chỉ được địa phương trân trọng mà các triều đại phong kiến đó ban tặng nhiều sắc phong để khẳng định công ơn của bà. Sắc phong vào ngày 25/7 niên hiệu Khải Định 9 (1924) có đoạn chép (dịch) như sau: “ Sắc xã Thượng Nông, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, phụng thờ tôn thần Thủy tinh đệ nhất Lê triều Nguyễn tính Từ phu nhân linh thần, giúp nước cứu dân linh thiêng ứng nghiệm rõ rệt. Nay gặp dịp Trẫm mừng thọ 40 tuổi, long trọng làm lễ lớn, ban tặng chiếu quý, tặng thưởng phẩm trật, phong tặng rõ ràng là thần thượng đẳng phò giúp nền thịnh trị, trang nghiêm, tốt đẹp, chuẩn cho phụng thờ như cũ, thần sẽ che chở và bảo vệ cho dân”.

Cầu Ngói Thượng Nông xã Bình Minh có lịch sử xây dựng từ sớm, đến nay vẫn là cây cầu có giá trị về kiến trúc nghệ thuật. Trải qua bao thời gian, cầu Ngói Thượng Nông đã được nhân dân địa phương trùng tu tôn tạo nhiều lần, trên thượng lương của cầu còn ghi dòng chữ Hán: “Giáp Dần quý xuân, Hương mục Vũ trùng tu, cựu Lý trưởng Nguyễn Phiếu khuyến trợ ngân nhất bách ngũ thập nguyên đồng tu lý ”. Nghĩa là tháng 3 năm Giáp Dần (1914), Hương mục họ Vũ tu sửa, cựu Lý trưởng Nguyễn Phiếu quyên góp tiền bạc được 150 đồng tham gia vào việc tu sửa cầu.

Cầu ngói Thượng Nông có kết cấu kiểu: “Thượng gia,  hạ kiều” được liên kết chủ yếu gồm hai thành phần: phần cầu ở dưới, phần kết cấu khung gỗ và hệ mái bên trên. Bố cục mặt bằng của công trình có kết cấu kiểu: “chữ nhất” hai đầu cầu nối hai bờ sông Ngọc.

 

Mặt đứng cầu Ngói lối vào phía Nam

Đường lên cầu nằm ở vị trí phía bắc và phía nam của cầu. Chúng được thiết kế  kiểu hình thang cân. Điểm phía dưới nối với trục đường giao thông có chiều rộng: 4,50m, điểm phía trên tiếp giáp với tường xây của cầu ngói có kích thước rộng: 3,10m. Toàn bộ đường dẫn lên cầu phía nam được xây bậc và bó thềm bằng gạch chỉ, mỗi bậc có chiều cao trung bình 0,10m, rộng bản 0,45m. Nằm giữa các bậc lên xuống là dốc trượt xây bằng gạch vữa tạo độ cao vừa phải, đây là lối đi chính dành cho các phương tiện xe đạp, xe máy mỗi khi lên cầu. Đường dẫn lên cầu phía bắc có chiều dài 3,10m, rộng 2,10m được lát bằng các phiến đá xanh và láng vữa xi măng.

Phần thượng gia được cấu thành bởi bộ khung bằng gỗ tạo thành một mái nhà ở trên, vừa tạo điều kiện cho nhân dân đi lại tránh mưa, nắng và có thể nghỉ ngơi, hóng mát vừa có tác dụng bảo vệ cho các cấu kiện kiến trúc gỗ của cầu.

Hai đầu phía nam và phía bắc của cầu Ngói xây tường gạch, mở cửa cuốn với kích thước rộng 1,70m, cao 2m, hai bên cửa cuốn trổ cửa giả, tạo dáng cuốn vành mai.

Phía trên đầu hồi phía nam tiếp giáp với đường liên xã và chợ Thượng đắp đại tự với 3 chữ Hán: “Thượng gia kiều” (cầu Thượng gia). Trên nóc hồi của cầu xây đấu trụ, soi gờ chỉ mềm mại.

Phần kiến trúc phía trên mặt cầu được kết cấu như những gian nhà, tạo thành bộ khung bốn hàng chân cột và các bộ vì “kèo cầu, cánh ác”.

Bộ khung của công trình lắp dựng bằng gỗ lim chia thành 11 gian, mỗi gian có kích thước dài trung bình từ 1,45m đến 1,65m tạo nên một tổng thể kết cấu dài 17,35m.

Hệ thống cột cái gồm 10 cột đặt nằm dọc hai bên lòng cầu, mỗi cột có chiều cao 2m, cạnh vuông 0,2m. Các cột quân lại được làm hình tròn đường kính 0,17m, cao 1,65m đặt trên các dầm ngang ở hai bên hông cầu. Cấu kiện liên kết giữa các cột cái với nhau theo chiều dọc là hệ thống xà thượng và xà hạ. Mỗi gian với  4 xà được liên kết theo kiểu “mộng én” giúp cho các cây cột liên kết chặt chẽ với nhau. Cấu kiện liên kết theo chiều ngang là 10 bộ vì, các bộ vì đều được gia công kiểu “kèo cầu cánh ác”.

Phía trên các bộ vì còn có hệ thống các hoành mái nối mộng với nhau để tạo nên một khoảng trống tối đa cho lòng cầu. Các bộ vì tạo thành những cánh tay đòn vươn qua cột cái, cột quân đến tận riềm mái.

Thành lan can, nằm ở hai bên thành cầu ở giữa sông có kích thước dài 5,80m, rộng bản 0,75m được xây bằng gạch vữa, cao lên hơn mặt sàn cầu 0,40m. Trên thành lan can được gia công kiểu “chấn song con tiện” bằng gỗ. Lan can của cầu đã trở thành chỗ ngồi nghỉ ngơi, ngắm cảnh sông nước lý tưởng cho nhân dân địa phương.

 

Cột cầu, vì kèo và mái cầu

Phần hạ kiều có kết cấu gồm 3 thành phần chính: mố cầu, dầm cầu và mặt cầu. Mố cầu gồm hai mố được xây dựng hoàn toàn bằng đá tảng nằm chắc chắn hai bên bờ sông Ngọc. Các tảng đá to nhỏ khác nhau, tảng lớn cỡ 1,70m x 0,60m x 0,40m; tảng nhỏ kích thước 0,50m x 0,40m x 0,20m được xếp khéo léo theo thứ tự lớn dưới, nhỏ trên. Nếu tính từ mặt nước trung bình thì mố cầu rộng 3,70m, được xây vuốt lên theo hình thang cân với cạnh trên là 2,84m, chiều dài là 2,50m. Mố cầu dài 6,50m, hai mố cách nhau 4,50m tạo khoảng trống cho dòng nước lưu thông và thuyền bè qua lại.

 Dầm cầu: bắc qua hai đầu mố cầu là hai thanh dầm được làm bằng hai cây gỗ lim đường kính 0,40m. Bên trên hai thanh dầm dọc này là bốn dầm ngang bằng gỗ lim đường kính 0,20m, có đầu nhô ra ngoài (phần nhô ra của các dầm ngang này dùng làm đầu đỡ chân cột quân bên trên). Các dầm cầu được gác lên trên hàng trụ và nhô ra ngoài 0,25m để làm chỗ đặt cho các hàng cột quân ở phía hai bên thành cầu. Trên các dầm ngang trước đây lát ván gỗ cho nhân dân đi lại. Đến năm 1993, khi tu sửa cầu, sàn gỗ được thay bằng sàn đá tảng cùng với sự gia cố thêm hai thanh dầm dọc bằng bê tông cốt thép tạo sự bền vững cho cầu.

 Mặt cầu là phần đường đi trên cầu được tạo bởi đường giữa cầu và hai hành lang. Đường đi ở giữa cầu rộng 1,74m lát đá tảng xen kẽ nhau. Hai bên hành lang cũng lát đá tảng tạo phần gờ cao hơn phần mặt cầu là 0,15m.

Phần trang trí kiến trúc của cầu ngói Thượng Nông được tập trung ở phía 2 bên đầu cầu. ở hai bên đầu cầu, xây cửa cuốn vòm, vật liệu xây dựng chủ yếu làm bằng gạch, vôi vữa. Đầu cầu phía đông tiếp giáp với chợ Thượng đắp 3 chữ Hán: Thượng gia kiều, phía trên trang trí đấu trụ cùng với các cấu kiện kiến trúc của cầu cũng được soi chỉ, tạo dáng má chai theo phong cách thời Nguyễn, thế kỷ 20.

 

Toàn cảnh cầu Ngói

  Sự xuất hiện và tồn tại của cầu Ngói cùng di tích phủ Bà gắn liền với một nhân vật lịch sử là bà chúa Nguyễn Thị Ngọc Xuân. Qua các nguồn tư liệu như  Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược cùng gia phả họ Trịnhhọ Nguyễn hiện lưu giữ tại địa phương thì bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân có nhiều đóng góp cho quê hương: Công đức tiền của làm “cầu Thượng Gia”, mua ruộng cấp cho người dân trong làng cày cấy, khuyên dân làm điều phúc, trừ việc hại.

Sau khi bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân mất, các thế hệ con cháu và nhân dân Thượng Nông đã lập phủ thờ phụng. Trải qua bao thời gian, phủ thờ còn được nhân dân địa phương trân trọng gọi là “Phủ Bà” hay “Phủ Bà chúa” (ý nói: nơi thờ bà vợ chúa Trịnh) để tri ân công đức. Ngôi phủ được xây dựng gần khu vực cây cầu Ngói, đó là công trình còn bảo lưu được nhiều giá trị văn hóa truyền thống đồng thời thể hiện sâu sắc đạo lý: “Uống nước nhớ nguồn” của các thế hệ con cháu dòng họ Nguyễn nói riêng và nhân dân thôn Thượng Nông xã Bình Minh nói chung.

Cầu Ngói là một công trình độc đáo với lối kiến trúc “thượng gia hạ kiều”, bên dưới xây bằng đá, trên làm nhà khung gỗ có mái ngói nam. Kỹ thuật xử lý nền móng ghép đá, ráp mái tạo cho cây cầu bền vững tồn tại trở thành một di sản thắng tích quý giá của địa phương, đánh dấu một bước phát triển của nền kiến trúc cổ Việt Nam vào thế kỷ 18.

Kể từ khi cầu Ngói được xây dựng, giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân ngày thêm thuận lợi, qua đó đời sống của nhân dân Thượng Nông nói riêng và nhân dân trong vùng nói chung đã dần được phát triển. Không những thế, cây cầu còn là nơi hội họp, vui chơi, học tập ghi dấu những nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa của bao thế hệ ngươi dân quê hương.

Di tích Cầu Ngói – Phủ Bà thôn Thượng Nông, xã Bình Minh được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 2012./.

                                                          TRUNG TÂM VĂN HÓA – THỂ THAO HUYỆN    

image advertisement

anh tin bai

anh tin bai



image advertisement
image advertisement


anh tin bai
anh tin bai







image advertisement
image advertisement

 anh tin bai

image advertisement



Video Sự Kiện
  • Tuần lễ Văn Hoá - Giáo Dục huyện Nam Trực - Nam Định lần thứ XII - Năm 2023
  • Các điển hình Dân vận khéo năm 2023 huyện Nam Trực
  • Hạ nhiệt mùa hè cùng ngành điện
  • Nam Trực - Điểm sáng trong phát triển sự nghiệp Thể dục - Thể thao
1 2 3