image banner
ĐẢNG BỘ,CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NAM TRỰC QUYẾT TÂM XÂY DỰNG HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO


image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đền Đá Nam Hà - Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật
Lượt xem: 7314

 Đền Đá còn gọi là Đình Đá nằm trên địa bàn xóm 6 thôn Nam Hà, xã Tân Thịnh, cách thành phố Nam Định 12km về phía Đông Nam. Đền Đá là công trình kiến trúc có quy mô lớn, và bảo lưu gần như trọn vẹn kiến trúc nghệ thuật thời Lê – Nguyễn. Đền được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1992. 

Toàn cảnh Đền Đá

Đền Đá, là nơi thờ tự và tri ân công đức của nhân dân địa phương đối với ba anh em nhà họ Vũ, những vị tướng thời Hùng Vương đó là Vũ Uy, Chính Ngọ và Gia Sửu và 12 vị tổ “Thập nhị gia tiên tổ” của 12 dòng họ sớm về đây lập làng.

Căn cứ vào các tư liệu Hán Nôm tại di tích như sắc phong, bài vị, câu đối… Đặc biệt là cuốn “ Kim Âu Ngọc phả” ghi lịch sử Vũ Uy, Chàng Ngọ đại vương và Gia Sửu đại vương với vùng đất Kim Âu xưa, nay là các thôn Nam Hà, Vũ Lao Thượng ( thôn Tân Thành), Vũ Lao Hạ (thôn Vũ Lao) thuộc xã Tân Thịnh, huyện Nam Trực. Ngọc phả do Quốc triều lễ bộ Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính viết và Quán giám bách thần chi điện, hùng lĩnh thiếu khanh Nguyễn Hiền phụng sao, đã nói rõ lai lịch ba anh em nhà họ Vũ như sau:

Vào thời vua Hùng Duệ Vương thứ 18, ở vùng Ái Châu ( Hoàng Hóa, Thanh Hóa), có ông Vũ Công tiếp nối nghề làm thuốc và dạy học của tổ tiên, nhưng gia cảnh vẫn túng thiếu nên ông đã quyết định ra đi tìm vùng đất mới để sinh cơ lập nghiệp. Từ vùng đất Hoàng Hóa ra đi, mấy ngày đường người đã thấm mệt ông đành vào nghỉ tại ngôi chùa cổ bên đường. Đêm ấy, ông mơ thấy có người mách bảo nên ở tại đất Kim Âu sẽ gặp mọi sự tốt lành. Sáng dậy, ông lại tiếp tục lên đường. Khi đến một vùng phong cảnh hữu tình, thế đất đẹp đẽ như lời thơ thần nhân mách bảo, ông bèn hỏi người làng về địa danh này, thì hay đây chính là đất Kim Âu. Do đó ông quyết định ở lại làm ăn. Dân thôn tỏ rõ thiện chí, nên ông đã dựng nhà và mở trường dạy học ở địa phương.

Ở Kim Âu một thời gian, Vũ Công được dân làng yêu quý, vun đắp cho ông lấy người con gái họ Hoàng tên Loan. Vài năm sau vào ngày mồng ba tháng tám bà Loan sinh được một bọc hai con trai. Người anh đặt tên là Gia Sửu vì khi bà có mang nằm mơ thấy trâu xanh, còn người em đặt tên là Chính Ngọ bởi bà Loan mơ thấy bắt được ngựa nhảy vào trong sân. Một năm sau, khi Gia Sửu, Chính Ngọ còn nhỏ dại thì bà Hoàng Thị Loan qua đời. Trong tình thế khó khăn, Vũ Công kết hôn với bà Trần Thị Thịnh, để lấy người nuôi dạy hai con.

Một hôm, bà Thịnh ra tắm ở bến sông gần đó, thấy một quả trứng to trôi tới, bà có ý không vớt, liền đẩy trứng ra xa, nhưng nó lại trôi vào. Bà cho đây là điềm lành, liền vớt về luộc ăn, từ đó mà có thai. Tới ngày mồng một tháng bảy năm Bính Dần bà Thịnh sinh được một con trai, trên trán có chữ “Vũ Uy”, sau lưng có hàng vây cá. Thấy thế Vũ Công liền đặt tên là Vũ Uy.

Lớn lên Vũ Uy cùng hai anh là Sửu lang và Ngọ lang theo thầy học đạo, ba ông đều thông minh, am hiểu thiên văn địa lý, giỏi võ nghệ.

Khi cha mẹ mất, ba ông làm tròn chữ hiếu, sau đó vào kinh ứng mộ được Hùng Duệ Vương yêu quý mến, phong Sửu Công là Đô hộ  trấn Sơn Nam, Ngọ Công là Đương đô đại tướng quân, cai quản Tả vệ quân, Uy Công là Vũ Uy đại tướng quân, cai quản Hữu vệ quân, đốc lĩnh thủy tào chư sự. Ba anh em Uy Công ở triều đình phò vua giúp nước tới 20 năm.

Khi Thục Chúa tiến đánh Duệ Vương, triều đình đã giao cho Sửu Công dẫn 3 vạn quân, Chính Ngọ dẫn 3 vạn quân, Vũ Uy dẫn 2 vạn quân thủy cùng ba trăm thuyền chiến tiến đánh quân Thục. Khi ba ông, tiến quân về qua quê hương Kim Âu dân làng đến chúc mừng và tình nguyện đi theo rất đông. Ba ông đã chọn đinh tráng trong ba họ Hoàng, Trần, Lưu cả thảy 66 người, cùng lên đường đánh quân Thục.

Chiến thắng trở về, ông Sửu được cử làm chỉ huy sứ Châu Hoan, ông Ngọ được phong Tả đô đài đại phu, ông Vũ Uy làm Thủy tào phán sự.

Về sau, Hùng Duệ Vương nhường ngôi cho Thục Chúa. Thấy vậy, ba anh em Sửu Công, Ngọ Công, Uy Công buồn phiền, không thuần phục chủ mới, quay về làng cũ Kim Âu. Ba ông đã phân vùng đất Kim Âu làm ba thôn: Vũ Lao hạ do Sửu Công ở; Đoài Thôn, tức Vũ Lao Thượng Ngọ Công ở; còn thôn Nam tức thôn Nam Hà thì Vũ Uy ở.

Sống ở Kim Âu, ba ông đã khuyên dân làng chăm lo việc nông tang, lấy việc cấy lúa làm cơ bản, lại còn dựng nhà dạy học cho con em nhân dân trong vùng, nên được mọi người kính trọng.

Một lần ba ông về quê cũ Ái Châu, làm lễ cáo yết gia tiên, xong việc lại tới Châu Hoan thăm phong cảnh. Khi tới núi Kim Nhan, Sửu Công, Ngọ Công đều hóa, lúc ấy là ngày rằm tháng chạp. Thấy vậy Uy Công sợ hãi cùng mọi người thu thập mũ áo của Sửu Công, Ngọ Công đem về đất Kim Âu chôn cất. Hiện nay, ở gần đền Đá Nam Hà còn khu đất gọi là “ Khả Lạc lăng” với truyền thuyết nơi chôn mũ áo của Sửu Công, Ngọ Công.

Một thời gian sau, vào ngày ba tháng ba, ông Vũ Uy qua đời để lại bao sự luyến tiếc trong nhân dân. Nhân dân Kim Âu đã thiết lập đền thờ Vũ Uy Công ở thôn Nam Hà, còn ở Đông thôn, Đoài thôn, tức Vũ Lao hạ, Vũ Lao thượng thiết lập đền thờ Sửu Công, Ngọ Công vì đó là mảnh đất có liên quan đến lúc sinh thời của các ông. Nhưng do quan hệ gia đình nên ngoài việc thờ thần có liên quan đến địa phương, còn có sự phối thờ anh em của thần cho vẹn toàn tình nghĩa. Cụ thể, việc sắp xếp thờ tự ở các làng Nam Hà, Vũ Lao hạ, Vũ Lao thượng như sau:

Làng Nam Hà là nơi ở của Vũ Uy Công, nên thờ ông là chính, còn Sửu Công, Ngọ Công tuy là anh cũng chỉ phối thờ hai bên. Làng Vũ Lao thượng thờ Ngọ Công, làng Vũ Lao hạ thờ Sửu Công là những nhân vật có liên quan đến địa phương, đồng thời cũng có sự phối hợp thờ anh em như thôn Nam Hà.

Khám và Ngai thờ Uy Công, Ngọ Công và Sửu Công

 Ngoài Ngọc phả, sắc phong, đình Đá thôn Nam Hà còn giữ gìn được nhiều câu đối, đại tự ca ngợi công lao giúp nước, giúp dân của cả ba ông.

Cử nhân triều Lê là Nguyễn Cung có bài thơ “ Cảm hoài” nói về mảnh đất Kim Âu và công lao to lớn của ba anh em Vũ Uy công.

    Tạm dịch như sau:

Nhớ đất Kim Âu xưa bãi biển,

Vốn nhà ông Vũ ở nơi đây

Quyết trừ giặc Thục công danh vẹn

Thề giúp vua Hùng kế sách hay

Ba vị anh em tài giỏi cả,

Ngàn năm thôn xóm ngóng trông mây

Gặp đời vua, thánh dân  yên ổn,

Gọi mấy vần thơ nói dạ này.

Ngoài việc thờ các tướng thời kỳ Hùng Vương, đền Đá Nam Hà còn thờ các tổ khai sáng và các đại khoa là những người con quê hương. Tại tòa trung đường có hai ban thờ  hai bên thờ 12 vị tổ, mà nhân dân địa phương gọi là “ Thập nhị gia tiên tổ”. Đó là các tổ của 12 dòng họ Tống, Nguyễn, Đỗ, Đoàn, Hoàng, Trần, Lưu, Lê, Vũ, Phạm, Bùi, Đặng sớm về đất Kim Âu lập nghiệp và hai ban thờ hai vị đại khoa là Hoàng Thiện Quy và Lưu Đại Lý.

Xưa kia ,mảnh đất bãi bồi này các tổ về đây phải tốn nhiều công lao khai phá, từ vượt thổ làm nhà đến cải tạo ruộng đất, dẫn thủy nhập điền. Các vị tổ đã không ngừng làm cho vùng quê này ngày thêm trù mật.

 

           

Ban thờ “Thập nhị gia tiên tổ”,

những vị tổ đầu tiên về khai hoang lập ấp Kim Âu xưa – Nam Hà ngày nay

 Trong số 12 dòng họ đến đây khai hoang lập ấp, hiện có một số dòng họ còn lưu giữ được nhiều tư liệu quí như : gia phả, thư tịch... nói lên sự nghiệp, truyền thống dựng quê hương. Câu đối ở từ đường họ Tống có ghi :

“ Nom giảm hương nồng, tư duy cơ thủy kế thừa bản chi bách thế

Hà Nguyên phái dẫn, hợp thử khoa danh hào hữu phiệt duyệt nhất môn”

Nghĩa là:

Dòng nước phương Nam hương thơm nồng đượm, nghĩ đến nguồn gốc và nối tiếp của chi phái hàng muôn đời

Dòng họ có chi phái đạt khoa danh, tỏ rõ anh hào mở đường cử lớn lao.

           Câu đối ở từ đường họ Nguyễn cũng đề cập đến truyền thống của dòng họ:

“ Nam quận phương danh suy Nguyễn tính

Tôn diệu khoa phả tố Lê Triều”

Nghĩa là:

Nổi tiếng phương Nam có họ Nguyễn

Việc tôn thờ theo khoa phả có từ triều Lê.

 

          

Ban thờ 2 vị Đại khoa Hoàng Thiện Quy và Lưu Đại Lý

 Việc thờ hai vị đại khoa họ Hoàng, Họ Lưu tại đền Đá thôn Nam Hà ở một vùng quê có truyền thống hiếu học và khoa bảng  có ý nghĩa sâu sắc, không chỉ làm rõ thêm truyền thống của thôn Nam Hà, mà đã bổ sung tô đậm thêm truyền thống văn hiến của xã Tân Thịnh nói riêng, huyện Nam Trực nói chung.

Đền Đá thôn Nam Hà xã Tân Thịnh là một công trình kiến trúc khá lớn, nằm trên khu đất cao ráo, rộng gần hai mẫu. Di tích đứng biệt lập, xa làng xóm, xung quanh có nhiều cây lưu niên, nhiều cây cổ thụ, đã hòa nhập với cấu trúc của công trình thành một tổng thể hài hòa, hoàn chỉnh.

Đền Đá thôn Nam Hà đã qua nhiều lần tu sửa và tôn tạo. Tổng thể công trình hiện nay có 4 tòa nhà chính và một dãy giải vũ ở về phía Bắc.

Tòa bái đường có 5 gian, xây dựng từ đầu thế kỷ 19, toàn bộ được làm bằng đá. Tuy vậy, các cấu kiện như cột, xà, hệ thống cửa võng đến các thanh đấu, trụ to... vẫn giữ được phong cách kiến trúc cổ truyền của dân tộc. Mặt tiền tòa bái đường, ở ngay vị trí trung tâm là hình ảnh ba con rồng rất to, khỏe, râu tóc uy nghi, thân, vây uyển chuyển, bố cục theo tư thế chầu cân đối, như đang ôm, giữ ba chữ “Tam long giáng”, nổi bật trong ba vòng tròn hài hòa, nghệ thuật tạo hình này là một dạng đại tự đặc biệt, làm tăng sự tôn nghiêm, sự hiển vinh của ba vị tướng thời Hùng Vương, ba người con của quê hương.

 

Chạm khắc đá hình tượng Rồng tại tòa Tiền Đường

Cũng ở mặt tiền tòa bái đường, các cột trụ đầu hồi bằng đá, đứng trên chân cổ bồng có trang trí lá sòi, cánh sen đẹp mắt. Chân trụ có nẹp nổi, đai nổi, phía trên có đấu, có lồng đèn làm công phu, tỷ lệ cân xứng, trên cùng là nghê chầu cũng bằng đá làm theo phong cách cổ truyền.

Hai hàng cột đá ở bái đường có đường kính 40 cm, chân cột đặt trên trụ tảng quả bồng, cũng có họa tiết chỉ nổi, lá sòi chạy quanh được làm công phu, có giá trị thẩm mĩ. Đặc biệt, 8 cột đá là 8 bức phù điêu, nổi bật là hình ảnh những con rồng trong tư thế bay lên, ẩn hiện trong các đám mây mềm mại. Lại có những con rồng đang bay xuống hút nước dưới hồ sen, cuốn theo cả những con cá chép có thân hình mập mạp, sinh động.

          

 Cột Đá tòa Tiền đường

Mỗi gian của bái đường, đều có một bộ cửa võng bằng đá. Đây là một mảng đá liền  khối, ngoài nhiệm vụ là hàng xà, nó giữ và tạo sự liên kết giữa các hàng cột, cửa võng còn là những bức phù điêu chạm khắc công phu. Những họa tiết “Hổ phù” chạm nổi oai nghiêm, những băng triện tàu, lá dắt làm rất hài hòa và cách tạo dáng của cửa võng rất hợp cảnh với các phù điêu long thăng, long cuốn thủy ở cột. Ở thân cột trụ vuông đầu hồi là các đề tài chạm khắc cành mai con chim (mai điểu), cây tùng con hạc, hoa cúc con bướm (cúc điệp), cành trúc con chim ...

Phía trên hệ thống cửa võng và hàng cột ngoài của tòa bái đường, còn có hàng dậu mặt tiền, cũng hoàn toàn bằng đá. Ngoài mô típ song tiện hình lộc bình, các băng trang trí những cánh sen uyển chuyển, ở thân xà của hàng dậu, còn đục chạm rất tài nghệ các đề tài bầu rượu túi thơ, những con Phượng hàm thư, những phong thư cài lá trông quyến rũ, nghệ thuật....

Phía ngoài tòa bái đường được gia công nghệ thuật công phu, điêu luyện bao nhiêu, thì bên trong cũng được đầu tư trí tuệ vào nghệ thuật điêu khắc kỳ công bấy nhiêu. Trên thân các xà, trên các tòa cửa võng.... nghệ nhân đã đua tài, thể hiện các cây trúc hóa long thật tài nghệ, mô tả cảnh sư tử vờn cầu thật sinh động cùng các cảnh rùa bơi lội trong ao sen, hoặc đề tài quen thuộc “tùng lộc”....

Phía trong tòa Bái đường là tòa Tiền đường 5 gian. Công trình này nguyên xưa làm kiểu bốn mái cong (địa phương thường gọi là mái sấn), theo lối thượng bò, hạ kẻ. Hệ thống cột ở đây tuy đường kính cột 30cm, không lớn lắm nhưng đều đặt trên hàng chân tảng cổ bồng, có chạm khắc đường sòi, chỉ nổi rất công phu. Điều đáng chú ý là mặt trước tòa Tiền đường này, ở ba gian giữa cũng được thiết kế bằng đá. Từ cột đỏ chạm nổi câu đối, có chỉ nổi, nẹp nổi đến hệ thống ngạch ngưỡng cửa, đục chạm triện tàu, lá giắt.... cũng thật công phu, nghệ thuật.

Tòa tiền đường tuy tu sửa vào năm 1877 dưới triều Tự Đức, nhưng nhìn chung đường nét dáng dấp kiến trúc cổ truyền còn được bảo lưu khá nhiều.

Bên trong tòa Tiền đường là tòa Trung đường, cũng có 5gian, hai bên còn có lâu các với đao, guột mềm mại, đường nét cổ kính.

Trung đường được trùng tu dưới thời Thành Thái thứ tư (1892), tuy không còn nguyên vẹn kiểu dáng xa xưa, nhưng qua hoạ tiết để lại trên các con giường, trên các hàng trụ,… cũng thấy rõ tài năng của những người thợ cổ truyền quê hương. Các nghệ nhân đã chạm rất thành công hình ảnh “Hổ phù”, hai bên có nghê chầu sinh động. Ở thành câu đầu, hoạ tiết những con dơi ngậm tiền (phúc hàm tiền) dưới đó là ba chữ “Nam chi thọ” trong vòng trang trí tinh tế, nghệ thuật. Đây là ước vọng về phúc, về lộc, và mong muốn cho dân làng Nam Hà được sống lâu, tồn tại mãi mãi.

Dưới đại tự “Nam chi thọ” là những mảng chạm nhỏ với đề tài hổ phù, mặt nguyệt, chim vờn hoa cúc, long chầu, phượng múa, mây tản,… rất công phu.

Tiêu biểu hơn cả, có niên đại lâu hơn cả là bộ cửa gồm bốn cánh: hai cánh ở giữa, và hai cánh ở bên được chạm nổi hoạ tiết lưỡng long chầu (ở bộ cửa giữa), long chầu (cửa nách). Con rồng ở đây thân hình mập khỏe râu tóc uy nghi, đuôi thì mềm mại hoà nhập với hoa lá trang trí với các đám mây đan xen hoà nhập với các đao mác cứng rắn, đanh thép…mang phong cách thời Hậu Lê (thế kỷ 17 - 18) là di vật quý giá ở di tích. Liền với chính tẩm còn có gác lâu 3 tầng, làm kiểu “Chồng diêm - cổ đẳng” khá công phu, nghệ thuật. Gác lâu có bộ mái cong, có đao, guột với đường vân rỗng. Ngói ống, riềm ngói, riềm mái rất hài hoà.

  

Bộ cánh cửa Hậu cung Thế kỷ 17 - 18

 Tại cổ lâu còn được trang trí câu đối nhấn thân trụ, cùng các khuông tạo cửa thông thoáng, các hình chữ thọ, các đường triện, hoa lá cách điệu cũng thật là công phu, đẹp mắt. Tầng dưới của gác lâu cũng được trang trí không kém tầng trên. Bốn mái với đao guột, thân gác lâu với 8 cột tròn nhấn câu đối trong khuôn, các hoạ tiết đắp nổi theo đề tài “Ngũ phúc hàm thọ” (5 con dơi ngậm chữ thọ), các đường triện tàu lá dắt. Vành bao loan với hình ảnh lưỡng long hí cầu, cửa võng… đã chứng minh bản lĩnh nghề nghiệp của hội thợ nề, thợ chạm người địa phương.

Ngoài những giá trị về lịch sử kiến trúc nghệ thuật Đền Đá Nam Hà còn là nơi diễn ra lễ hội truyền thống và sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân địa phương trong đó ngày mùng 6 tháng giêng có tục tế hạ điền, sân làng chuẩn bị một cây nêu bằng tre, cao 1m50, một cây khoai nước thật to. Ban tổ chức chọn một đám ruộng đã được cày bừa chu đáo. Khi tế thần nông ở đền xong, chủ tế được rước ra ruộng, khi rước có lọng,  trống, phách, có cả người gánh hai đóm mạ tượng trưng như đi cấy. Đến ruộng, chủ tế xuống ruộng cấy, nhân dân xúm lại xung quanh ruộng, hò reo té nước làm cho chủ tế bị ướt, bị lấm để cầu may mong cho mưa thuận gió hoà.

 Lễ hội đền Đá được tổ chức với qui mô lớn, 3 năm một lần vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu. Lễ hội diễn ra từ ngày 02/3 đến ngày 05/3 âm lịch với nhiều nghi thức tế, lễ, rước và nhiều trò chơi dân gian mang đậm bản sắc của vùng văn minh lúa nước. Trong lễ hội, có tục lễ hội giao hiếu giữa ba làng Nam Hà, Võ Lao Hạ, Võ Lao Thượng. Việc lễ hội này có quy định để 3 làng không bị trùng lặp. Cụ thể như sau: Thôn Nam Hà mở hội vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, hai làng Võ Lao có rước sang phối hợp tế lễ, sáng hôm sau lại rước về đình làng yên vị. Còn các năm khác để cho làng Võ Lao chủ trì, thôn Nam Hà chỉ tham gia phối hợp tế lễ như đã quy định. Lệ này vừa thể hiện quan hệ anh em của ba vị thần, vừa tăng tình đoàn kết giữa ba thôn.

 

Lễ rước Kiệu Giao hiếu 3 thôn

Đền Đá, di tích thờ Vũ Uy Công và hai người anh của ông những người con ưu tú của quê hương Nam Trực, có công giúp vua Hùng đánh giặc giữ nước, lập nhiều công lớn. Tại đây còn thờ “ Thập nhị gia tiên tổ” của các dòng họ đến đây khai hoang, lập ấp, cải tạo đồng ruộng, tạo lập kỷ cương, khuyến khích việc học hành, thi cử và thờ hai vị Đại khoa  là Hoàng Thiện Quy và Lưu Đại Lý là hai vị Tiến sĩ triều Lê, là minh chứng làm sáng tỏ và rạng rỡ cho truyền thống hiếu học của quê hương.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Đền Đá là địa điểm ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc.

Đền Đá là một công trình kiến trúc có quy mô lớn, mang đậm bản sắc dân tộc. Tòa Bái đường hoàn toàn bằng đá, với nghệ thuật thiết kế và trạm khắc vô cùng tinh xảo và độc đáo. Cùng với một số tác phẩm điêu khắc nghệ thuật như: kiệu, ngai, khám, bát bửu…và hệ thống sắc phong, câu đối, đại tự...Đặc biệt là bộ cánh cửa chạm khắc rồng chầu, có từ thế kỷ 17-18 còn lại ở đền, là một minh chứng về quá trình xây dựng đền rất sớm và làm tăng thêm giá trị độc đáo của di tích. Thể hiện bàn tay lao động tài hoa và khối óc sáng tạo của người dân Nam Trực.

Những giá trị Lịch sử - Kiến trúc nghệ thuật đền Đá Nam Hà khẳng định quá trình hình thành và phát triển từ hàng nghìn năm trước của vùng đất Nam Hà nói riêng, Nam Trực nói chung. Truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm, những đóng góp của nhân dân Nam Trực trong quá trình lịch sử nghìn năm dựng nước và giữ nước. Truyền thống hiếu học và khoa bảng, những tài năng sáng tạo, bàn tay khéo léo của nhân dân Nam Trực đã tạo ra những công trình mang giá trị nghệ thuật cao.

Đền Đá nằm trên địa bàn có cảnh quan hấp dẫn, cách khu du lịch sinh thái làng hoa cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá và đền thờ Trạng Nguyên Nguyễn Hiền, xã Nam Thắng không xa và nằm sát với đê hữu sông Hồng nối Quốc lộ 10 với Quốc lộ 21. Vì vậy, đây là một điểm tham quan trong tua du lịch sinh thái và tâm linh của mỗi du khách khi về với Nam Định nói chung và Nam Trực nói riêng./.

Sưu tầm và biên soạn: Trần Duy Huyền

 

Ảnh: Phạm Ngọc Thịnh

image advertisement

 anh tin bai



image advertisement
image advertisement


anh tin bai
anh tin bai







image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement



Video Sự Kiện
  • Tuần lễ Văn Hoá - Giáo Dục huyện Nam Trực - Nam Định lần thứ XII - Năm 2023
  • Các điển hình Dân vận khéo năm 2023 huyện Nam Trực
  • Hạ nhiệt mùa hè cùng ngành điện
  • Nam Trực - Điểm sáng trong phát triển sự nghiệp Thể dục - Thể thao
1 2 3