image banner
ĐẢNG BỘ,CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NAM TRỰC QUYẾT TÂM XÂY DỰNG HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO


image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
ĐÌNH XÁM
Lượt xem: 7811

Đình Xám hay còn gọi là Đình Hát ở thôn Lạc Đạo xã Hồng Quang huyện Nam Trực là di tích thờ Phụ dực quốc chính Thượng tướng quân Trần Minh Công, tức Trần Lãm. Ông có công lớn giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 Sứ quân, lên ngôi Hoàng đế, sau khi lên ngôi Đinh Tiên Hoàng đã phong cho Sứ quân Trần Lãm chức Phụ dực quốc chính Thượng tướng quân.

 

Toàn cảnh Đình Xám 

Trần Minh Công sinh ngày 18 tháng 8 (không rõ năm), cha là Trần Đức, mẹ là Lâm Thị. Quê gốc của ông vốn ở Quảng Đông (Trung Quốc), dời về phương nam vào thời Ngô Vương Quyền (939-944) cùng gia đình làm nghề đánh cá tại cửa biển Bố Hải Khẩu (Thái Bình). Trần Lãm vốn có tư chất thông minh lại có lòng nhân hậu nên rất có uy tín trong vùng.

 

Tượng thờ Trần Minh Công 

Giai đoạn này tình hình đất nước đang có biến loạn. Từ năm 944 khi Ngô Quyền mất, Dương Tam Kha cướp ngôi nhà Ngô, các nơi không chịu thần phục. Nhân đó các thế lực địa phương nổi dậy cát cứ, đánh chiếm lẫn nhau làm triều đình ngày càng suy yếu. Khi ấy ở Bố Hải Khẩu (Kỳ Bố - Thái Bình) Trần Lãm chiêu binh mãi mã, đào hào đắp thành xây dựng căn cứ tại vùng đất Thái Bình, Nam Định ngày nay, hình thành nên một trong 12 sứ quân.

 

Cung thờ tại Trung đường  

Tại động Hoa Lư (Ninh Bình) có Đinh Bộ Lĩnh là con của Thứ sử Châu Hoan Đinh Công Trứ. Với trí thông minh, có khí phách và tài thao lược quân sự, thấy cảnh nhân dân khổ cực vì loạn sứ quân cắt cứ, ông đã dựng cờ khởi nghĩa mong lập nghiệp lớn. Song buổi đầu lực lượng của Đinh Bộ Lĩnh còn nhiều thiếu thốn, hành động tự phát, thường phải ẩn náu trong rừng sâu. Một hôm Đinh Bộ Lĩnh nghe nói ở Bố Hải Khẩu có ông Trần Lãm là người nhân đức khoan hòa bèn đem con trai là Đinh Liễn đến nương tựa. Minh Công thấy Đinh Bộ Lĩnh dáng mạo khôi ngô lạ thường, lại có khí lượng, mới nhận làm con nuôi, sau đó trao lại toàn bộ binh quyền. Năm Mậu Thìn (968) Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong loạn 12 sứ quân, lên ngôi Hoàng đế, đặt Quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô tại Hoa Lư. Sau khi lên ngôi Đinh Tiên Hoàng đã phong cho sứ quân Trần Lãm chức Phụ dực quốc chính Thượng tướng quân.   

          

Ngai thờ Thế kỷ 18 

Cuốn ngọc phả: “Sứ quân ở Bố Hải Khẩu Trần Minh Công” do tiến sĩ Lê Tung viết ngày 2 tháng 10 niên hiệu Hồng Đức thứ 18 (1487) hiện còn lưu giữ tại đình có ghi lại sự kiện lúc sinh thời Trần Minh Công có qua xứ Lạc Đạo, thấy nơi đây phong cảnh hữu tình, dân cư thuần phác bèn lập sinh từ, giúp địa phương khơi ngòi, đắp đập, tạo dựng làng xã. Ông mất vào ngày 10 tháng 10 tại thôn Lạc Đạo. Đinh Bộ Lĩnh sai dân sở tại phụng thờ, hàng năm mở hội tế lễ và phong mỹ tự “Quốc đô Thành hoàng”.

        Công trình kiến trúc Đình Xám được xây dựng trên cương vực ngôi sinh từ do Trần Minh Công xây dựng vào thế kỷ 10. Tổng thể khu di tích gồm có đình chính ở giữa; 2 nhà giải vũ xây theo phong cách “quá giang kèo cầu” hai bên là ngôi đình dành cho các cuộc thi hát ở phía trước.

 

Đình hát 

Đình chính được xây theo hình chữ công. Tiền đường 5 gian với 6 bộ vì được làm theo kiểu “thượng chồng rường giá chiêng, hạ bẩy kẻ”. Gánh đỡ bộ mái tiền đường là 12 cột quân với 6 cột cái đặt trên chân tảng bằng đá. Trên các đầu bẩy, xà, con rường được chạm khắc họa tiết rồng, lá lật… tạo nên những nét chấm phá sự hoàn chỉnh của không gian bên trong.

 

Chạm khắc thế kỷ 17 

Điểm nổi bật, nghệ thuật tập trung sự chú ý nhất là những mảng chạm khắc phía ngoài 6 cây cột quân và 5 ô cửa tiền đường. Ở ô cửa giữa có chạm đôi rồng chầu khá lớn ở trung tâm, bao quanh có rất nhiều rồng con, nghê đang quấn quýt, mỗi con một tư thế. Thấp thoáng trong đao mác, lá hỏa là hình tượng các con vật dân gian như nai, khỉ… phần dưới cùng của ô cửa là họa tiết trúc hóa long, vân ám…

 

Chạm khắc thế kỷ 17 ở tòa Tiền đường  

Tại hai ô cửa hai bên, hình tượng chạm khắc chủ yếu là ổ rồng với những đao mác, lá hỏa giật cấp, đan xen những con thú như khỉ, nai, chim, rắn… nhỏ nhắn, ngộ nghĩnh.  

Hai ô cửa ngoài cùng được làm thành các khoang nhỏ bao bọc xung quanh, giữa là chấn song con tiện. Trong các khoang chạm khắc hình tượng phượng, rồng chầu, trúc hóa long… Toàn bộ các hình tượng trên được chạm khắc nổi, bong kênh tạo thành các bức phù điêu hoàn chỉnh. Tại 6 cây cột quân cũng được chạm theo lối chạm tỉa, công phu, cầu kỳ và giàu ý tưởng với họa tiết chủ đạo là rồng, trúc hóa long… Đây là phong cách nghệ thuật truyền thống độc đáo của thế kỷ 17.

 

 Cánh cửa tòa Tiền đường

 Nối tiếp tiền đường là trung đường được xây dọc, tường chịu lực và chính tẩm ba gian, bộ vì kiểu thượng mê hạ cốn. Tại đây những đường uốn lượn, những cụm vân mây, hoa lá cách điệu những đường uốn lượn, những cụm vân mây, hoa lá cách điệu được điểm xuyết ở các góc, các đầu xà đã dung hòa sự đơn điệu của những đường ngang dọc trong kiến trúc.

  

Chạm khắc thế kỷ 17 ở hậu cung 

Lễ hội Đình Xám được tổ chức vào các ngày 17 và 19 tháng 8 âm lịch hàng năm. Hội đình Xám ngoài những màn rước kiệu, tế lễ long trọng còn có các cuộc thi đấu vật, bắt vịt, chọi gà, múa rối nước, bơi chải… Trong những ngày hội sôi nổi đặc biệt nhất là bơi chải và những đêm biểu diễn chiếu chèo và thi hát. Ngoài hai đêm hát nhập tịch (vào đám) và lạc hành (giã đám), các cuộc thi hát tại đình Xám còn diễn ra hàng chục đêm với các tiết mục chầu văn, hát chèo, ca trù… nội dung ca ngợi công đức của Trần Minh Công. Không chỉ thi hát, lễ hội còn diễn ra các cuộc thi múa với những điệu truyền thống như: Tứ tiên, tứ linh vũ, bồ đề tam túc vũ… Hiện nay tại đình Xám còn lưu giữ 10 bài ca trù do Hương cống, Giám sinh Quốc tử giám thời Lê do Nguyễn Xuân Vinh biên soạn theo các điệu “cung, thương, dốc, trăng, vũ” và 10 khúc hát do Tiến sĩ Đặng Phi Hiển (1603-1678) người xã Thụy Thỏ, Giao Thủy chú thích. Truyền thống thi hát, múa tại Đình Xám diễn ra từ lâu. Nơi biểu diễn lúc đầu mang đúng phong cách sân đình như bắc sàn gỗ, dựng cột tre. Đến triều vua Khải Định năm thứ 8 (1916), nhân dân đã xây dựng một công trình phía trước theo kiểu bổ trụ bốn góc, các mặt thông phong để tiện cho các cuộc thi hát, múa không bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Từ khi xây dựng công trình mới, các cuộc thi hát múa được tổ chức long trọng với một quy mô rộng lớn hơn. Tên gọi đình Hát ra đời không chỉ gắn với công trình mới mà đã trở thành tên gọi quen thuộc cả khu di tích.

 

Bơi chải ở lễ hội Đình Xám  

       Đình Xám là một trong những di tích Lịch sử - Văn hóa có nhiều giá trị ở Nam Định. Ngôi đình là sản phẩm thể hiện công sức sáng tạo của một tập thể nhân dân lao động, là một chứng tích lịch sử mang dấu ấn dân tộc. Tại đây chúng ta không chỉ được tham gia vào những lễ hội mang đậm sắc thái dân gian truyền thống của dân tộc mà còn cảm nhận được những thành tựu nghệ thuật, phong cách tạo hình của một thời kỳ lịch sử.

      Với những giá trị tiêu biểu về Lịch sử - Văn hóa ngày 13/01/1964 Bộ Văn hóa đã ra quyết định số 29/QĐ – VH  ngày 13/01/1964, xếp hạng di tích Đình Xám là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia.                                

image advertisement

anh tin bai

anh tin bai



image advertisement
image advertisement


anh tin bai
anh tin bai







image advertisement
image advertisement

 anh tin bai

image advertisement



Video Sự Kiện
  • Tuần lễ Văn Hoá - Giáo Dục huyện Nam Trực - Nam Định lần thứ XII - Năm 2023
  • Các điển hình Dân vận khéo năm 2023 huyện Nam Trực
  • Hạ nhiệt mùa hè cùng ngành điện
  • Nam Trực - Điểm sáng trong phát triển sự nghiệp Thể dục - Thể thao
1 2 3