image banner
ĐẢNG BỘ,CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NAM TRỰC QUYẾT TÂM XÂY DỰNG HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO


image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đền Giáp Tư, thị trấn Nam Giang
Lượt xem: 3230

Đền Giáp Tư, thị trấn Nam Giang thờ Ngọc Hoa công chúa, người có công giúp Lý Thường Kiệt đánh đuổi giặc Chiêm Thành bảo vệ nền độc, tự do của dân tộc. Căn cứ vào cuốn “Thần tích Việt Nam” của tác giả Lê Xuân Quang – Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, nội dung sắc phong, câu đối tại di tích và truyền thuyết địa phương thì:

 Vào thời Lý Nhân Tông (1072 - 1127) , ở xã Phúc Lâm, châu Ái có một người họ Trần tên là Huấn ra trại Đại Yên thuộc kinh thành Thăng Long dạy học rồi lấy vợ ở đó. Vợ của ông Huấn làm  nghề buôn bán nên thường ngày qua lại chợ An Bản thuộc trại Đại Yên. Một lần đến chợ bà nhặt được một tay nải đầy lụa là, châu báu. Vốn là người không tham của, bà đã hỏi thăm và trả lại cho người mất. Đêm hôm đó bà nằm mơ thấy một ông tiên đến trao cho hòn ngọc rồi bảo rằng: “Thấy nhà ngươi là người nhân nghĩa nên Vương Mẫu sẽ cho Ngọc tinh nữ đầu thai làm con”, Bà giật mình tỉnh giấc, thấy trong mình chuyển động và từ đó có mang. Ngày 8 tháng 2 năm  Giáp Tuất (1094) bà sinh ra một bé gái mặt hoa, da phấn, hai vợ chồng ông Huấn vô cùng mừng rỡ bèn thắp hương cảm tạ trời đất. Nhân giấc mộng được ngọc, ông bà đặt tên cho con là Ngọc Tường.

Khám thờ Ngọc Hoa Công chúa

Niên hiệu Long Phù thứ 3 (1103), có giặc Lý Giác chiêu tập những kẻ vô lại chiếm cứ châu Diễn nổi dậy chống lại triều đình. Vua Lý Nhân Tông cử tướng Lý Thường Kiệt đem quân đi đánh dẹp. Vì không chống cự nổi quân triều đình, Lý Giác liền chạy sang Chiêm Thành kể hết tình hình hư thực của nước ta, đồng thời cầu xin viện binh để đánh báo thù. Năm 1104, vua Chiêm Thành là Chế Ma - Na mang đại quân sang xâm lược Đại Việt, đánh chiếm lại 3 châu ( thuộc Quảng Bình, Quảng Trị ngày nay). Trước họa xâm lăng của đất nước, Lý Thường Kiệt được triều đình giao trọng trách cầm quân dẹp giặc. Để tăng cường sức mạnh cho đoàn quân Nam tiến, trước lúc lên đường Lý Thường Kiệt đã cho tuyển thêm binh lính. Nhân dân khắp kinh thành nghe tin đều hăng hái ra đầu quân giết giặc. Trong số những người ứng mộ có cả ông Trần Huấn. Khi bà Huấn dẫn con gái tiễn chồng trẩy quân thì Ngọc Tường liền nắm chặt áo cha nằng nặc đòi đi theo. Trước tấm lòng tha thiết của Ngọc Tường, chủ tướng Lý Thường Kiệt cho nàng cùng đi. Tới nơi địch chiếm đóng, quân ta hạ trại rồi cùng địch giao tranh vài trận nhưng chưa phân được thắng bại. Trước sự canh phòng cẩn mật của quân Chiêm Thành, quân do thám của ta không thể vào được trận của địch để do thám tình hình. Trong khi chủ tướng Lý Thường Kiệt chưa tìm ra kế sách để đối phó, thì Ngọc Tường đã cải trang thành em bé bán trầu cau và thuốc lào trà trộn vào nơi giặc đóng quân. Quân giặc thấy Ngọc Tường còn nhỏ nên không nghi ngờ, phòng bị gì, nhờ vậy mà Ngọc Tường đã thu thập được nhiều tin tức, tình hình của chúng. Gánh trầu thuốc của Ngọc Tường còn len lỏi vào gần những vị trí đồn trại để tìm hiểu cách xây dựng, phương pháp bố phòng trận địa của địch. Nhờ nắm bắt được tình hình cụ thể của quân Chiêm Thành, chủ tướng Lý Thường Kiệt liền hạ lệnh tấn công. Sau một số lần giao chiến, quân ta đã toàn thắng thu hồi lại được ba châu mà địch đã cướp. Khi đoàn quân ca khúc khải hoàn về triều, Lý Thường Kiệt đã làm biểu tâu công lao của Ngọc Tường, Vua Lý vui mừng, phong cho Ngọc Tường là Ngọc Hoa công chúa.

Sau này khi công chúa qua đời, nhân dân trại Đại Yên đã xây dựng đền bên lăng mộ, tạc tượng tôn thờ công chúa làm Đương cảnh Thành hoàng, quanh năm hương khói thờ phụng. Đền thờ Ngọc Hoa công chúa là nơi linh thiêng, nhân dân cầu xin đều linh ứng. Vì vậy các triều đại phong kiến sau này đều có sắc phong thêm mỹ tự. Đạo sắc phong năm Cảnh Hưng 44 (1783) ngày 26 tháng 7 có những câu văn tán dương công chúa như sau:

 Dịch nghĩa:

“Sắc ban cho Thánh tiên Ngọc tinh không hoàng đại đạo Vạn phúc phu nhân đại vương, hương trời yểu điệu, sắc nước thanh kỳ. Thật vĩ đại ở trên mà trừ tai ban phúc, ôn hòa thêm phong độ anh hùng, gặp thời kỳ ra tay mà giữ nước, giúp dân, chính trực khoan nhân khôn nói hết. Công đã rõ ràng trong sách vở, vậy nên xem xét để ban phong.

Nay nhân vì vị Vương nối ngôi được tới dự nơi chính phủ, nên có lễ gia phong tước trật, vậy phong chữ đẹp là Thánh tiên Ngọc tinh không hoàng đại đạo. Vạn phúc dụ khánh địch hỗ phu nhân đại vương.

Ngày 16 tháng 7 niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 44 (1783) ban ra sắc lệnh này.”

Đền giáp Tư, thị Trấn Nam Giang thờ Ngọc Hoa công chúa là do: Vào cuối thời Lý đầu thời Trần có một số người của 8 dòng họ Dương, Lê, Đoàn, Nguyễn, Trần, Phạm, Bùi, Hoàng làm nghề buôn bán di cư từ thành Thăng Long về đây lánh nạn, rồi lập thành làng, xóm. Trong kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2, để giúp triều đình đánh đuổi quân xâm lược, nhân dân Giáp Tư đã tổ chức vận chuyển lương thực từ quê nhà lên Thăng Long phục vụ quân đội. Một lần, khi thuyền chở lương thực qua cửa đền Đại Yên thì bị mắc cạn, mọi người trên thuyền đang cầu khẩn xin thần phù hộ, bỗng thấy một con cá chép nổi lên trước mũi thuyền, sau đó thuyền đi thông suốt, an toàn. Sau nhiều chuyến vận tải lương thực của nhân dân địa phương thành công, góp phần vào thắng lợi của quân dân nhà Trần chống giặc Nguyên Mông. Nhân dân Giáp Tư đã đến đền Đại Yên xin rước thần hiệu, lập đền thờ tại quê hương tôn làm Đương cảnh phúc thần. Cũng từ đó mọi người làm ăn phát đạt, cuộc sống ấm no, sung túc. Để muôn đời nghi nhớ công lao của Ngọc Hoa công chúa, tại tòa trung đường còn đôi câu đối có nội dung:      

                “Vạn cổ Đại An lưu thánh tích,

                 Thiên thu Tứ Giáp lại thần hưu”

Nghĩa là:

                  Muôn thuở Đại An nêu dấu thánh,

                  Ngàn thu Tứ Giáp đội ơn thần.

Đền giáp Tư tọa lạc trên một khu đất rộng ở giữa làng, sát với tỉnh lộ 485 (đường Vàng), mặt quay về hướng Nam. Đền có 3 tòa chính với 10 gian làm theo kiểu chữ “công”, hai bên có 2 dải vũ, mỗi bên có 5 gian tạo thành kết cấu “nội công ngoại quốc” hài hòa, kín đáo cho di tích.

Tòa tiền đường 

Về tổng thể công trình thì tòa tiền đường là công trình kiến trúc có qui mô lớn hơn cả. Tiền đường có 5 gian, mái lợp ngói nam, trên nóc mái xây đại bờ, hai bên hồi có hệ thống bờ bảng mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn, ba gian giữa lắp bộ cánh cửa bằng gỗ lim đóng kiểu bức bàn vừa đẹp, vừa chắc chắn. Bên trong tiền đường được thiết kế 4 vì kèo theo kiểu chồng rường, bẩy tiền, ở đây được các nghệ nhân địa phương đục chạm các họa tiết trang trí như lá lập cách điệu, xà lòng, xà lách được soi chỉ kép, tạo ống tơ đem lại sự mềm mại thanh thoát cho công trình. Đỡ hệ thống vì kèo là 4 hàng cột gỗ lim, trong đó 2 hàng cột đầu mỗi hàng có 4 cột, hai hàng cột giữa mỗi hàng có 3 cột. Với thiết kế sáng tạo này của những người thợ địa phương đã tạo cho tiền đường vừa cao, rộng vừa thoáng đãng và làm tăng diện tích sử dụng cho công trình.

Kết cấu vì giữa tòa tiền đường

Sau tiền đường là tòa trung đường, tòa trung đường được trùng tu vào niên hiệu Thành Thái thứ 9 (1897). Tòa này có hai gian, mái lợp ngói nam, hệ thống vì kèo làm theo kiểu kẻ truyền. Ngăn cách giữa tòa tiền đường với tòa trung đường là bộ cửa bức bàn được làm bằng gỗ lim, trên lắp song tiện, dưới bưng ván.

Tòa hậu cung có 3 gian, mái lợp ngói nam, thiết kế 2 vì kèo kiểu mê cốn cùng với bộ hoành và hệ thống rui được làm bằng gỗ lim. Mặc dù thiết kế đơn giản, các cấu kiện được bào trơn đóng bén, nhưng với những đường nét phong cách truyền thống nên công trình đã góp phần tạo cho di tích một qui mô bề thế mang đậm bản sắc dân tộc.

 Hàng năm tại di tích diễn ra nhiều ngày lễ, trong đó có hai ngày lễ chính: Tổ chức lễ khai điện vào ngày mồng 4 tháng giêng và Kỷ niệm ngày sinh của Thánh vào ngày mồng 8 tháng 2 với các nghi thức tế, lễ, rước kiệu quanh làng; các lễ vật dâng Thánh có bánh chưng, bánh gai, bánh mật, các loại hoa quả, xôi, thịt, rượu. Đặc biệt, 14 giáp trong thôn còn chuẩn bị mỗi giáp một con lợn đã làm thịt, cạo lông để cả con rước ra đền tế Thánh. Sau khi tế Thánh xong làng tổ chức chấm thi, lợn của giáp nào to, béo sẽ được làng trao thưởng. Bên cạnh các nghi lễ, trong những ngày diễn ra lễ hội ban tổ chức còn tổ chức các trò chơi dân gian như: chọi gà, cờ tướng, thi võ, đấu vật, thi chim hót, trưng bày cây cảnh... buổi tối có hát chèo, hát văn, hát ca trù và một số các môn thể thao hiện đại như: bóng chuyền, bóng đá, cầu lông...tất cả đã góp phần làm cho không khí ngày hội thêm tưng bừng, nhộn nhịp, đem đến sự vui tươi phấn khởi cho mỗi người dân và du khách đến tham dự lễ hội.

    Bộ Bát bửu

Đền Giáp Tư, thị trấn Nam Giang thờ tự và tri ân công đức của nhân dân địa phương đối với Ngọc Hoa công chúa người có công giúp Lý Thường Kiệt đánh đuổi giặc Chiêm Thành bảo vệ nền độc, tự do của dân tộc. Trong phong trào cách mạng và kháng chiến, đền Giáp Tư là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc.

Đền Giáp Tư, là công trình kiến trúc có giá trị. Trải qua thời gian và chiến tranh tàn phḠsong các hạng mục công trình bằng gỗ lim được xây dựng trước đây và trùng tu vào thế kỷ 19 hiện vẫn được bảo quản tương đối nguyên vẹn. Bên cạnh đó, tại di tích còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật và đồ thờ tự có giá trị, thể hiện sự nâng niu, trân trọng của nhân dân địa phương đối với những di sản văn hoá qúy báu mà cha ông để lại.

Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, Đền Giáp Tư, thị trấn Nam Giang đã được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh năm 1997.

                                         Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo huyện Nam Trực

image advertisement

anh tin bai

anh tin bai



image advertisement
image advertisement


anh tin bai
anh tin bai







image advertisement
image advertisement

 anh tin bai

image advertisement



Video Sự Kiện
  • Tuần lễ Văn Hoá - Giáo Dục huyện Nam Trực - Nam Định lần thứ XII - Năm 2023
  • Các điển hình Dân vận khéo năm 2023 huyện Nam Trực
  • Hạ nhiệt mùa hè cùng ngành điện
  • Nam Trực - Điểm sáng trong phát triển sự nghiệp Thể dục - Thể thao
1 2 3