Đền, chùa Ba Xã tọa lạc trên địa bàn xóm Hồng Đoàn, thôn Thứ
Nhất, xã Nam Hồng. Đền thờ Đức thánh Linh Lang đại vương, chùa thờ Phật, thờ Đệ
nhất Thánh Mẫu Liễu Hạnh; Quỳnh Cung Duy Tiên phu nhân; Quảng Cung Quế Anh phu
nhân, là những vị Thánh trong hệ thống thờ Tam phủ, Tứ phủ của người Việt.
Căn cứ vào nguồn tư liệu Hán Nôm như: Sắc phong, câu đối, đại
tự và đặc biệt là nội dung bản Ngọc phả: “Linh thần đại vương” được sao lại vào
ngày 15 tháng 12 năm Tân Tỵ, triều vua Bảo Đại (1941) hiện đang lưu giữ tại di
tích thì thân thế, sự nghiệp của Đức thành Linh Lang thờ tại đền được ghi chép
như sau:
Vào thời vua Lý Thánh Tông (1054-1072), ở giáp Đông Đoàn, xã
Bồng Lai, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, xử Sơn Tây (Hà Nội) có một gia đình, ông
họ Nguyễn, tên húy là Thực lấy người cùng làng là Lê Thị, tên húy là Năng. Vợ
chồng ông Nguyễn Thực tính tình chất phác, đôn hậu, gia cảnh giàu có, tấm lòng
lương thiện nhưng lại hiếm muộn con cái. Năm 40 tuổi, một hôm Thái bà nằm ở
trong phòng mơ màng ngủ thiếp đi, bỗng thấy đám mây hình con rắn đuổi sao Thái
Âm, khi bà đang xem thì đột nhiên sao Thái Âm rơi vào miệng, thấy kinh sợ giật
mình tỉnh dậy, liền kể hết với Thái Công những điềm báo trong mộng. Sau khi
nghe bà kể lại giấc mộng lạ, Thái Công nói: Quả như mộng báo, trời ban quý tử
nhưng đạo trời huyền diệu nhiệm màu, họa phúc khó lường, trong mộng thực hư về
sau mới chứng nghiệm được. Được 100 ngày, Thái bà quả nhiên mang thai, sau 9
tháng 10 ngày sinh hạ được một bé gái, dung nhan xinh đẹp, mắt phượng mày ngài,
đặt tên là Hạo Nương. Khi Hạo Nương lên 3 tuổi, cha nàng lâm bệnh qua đời. Ba
năm sau, nàng cùng mẹ chuyển đến ở nhà một người dì ở phường Thị Trại, thành
Đình Long (tại địa giới huyện Vĩnh Thuận, sau đổi là trại Thủ Lệ) cùng sinh
sống bằng nghề buôn bán tơ lụa. Qua khoảng 10 năm, khi Hạo Nương 17 tuổi, rực
rỡ như đóa hoa đào, phơi phới mười phần xuân sắc, có dung nhan chim sa cá lặn,
diện mạo nguyệt thẹn hoa hờn, công dung ngôn hạnh, tứ đức vẹn toàn. Một hôm,
vua Lý Thánh Tông ra ngự chơi ở ngoài Kinh thành, trông thấy Hạo Nương đã đem
lòng yêu mến, liền cho quan đến thăm hỏi và mang 100 dật ( dật một phép cân
thời xưa, tương đương bằng 1,2kg ngày nay) vàng làm sính lễ rước nàng vào triều
lập làm Cung phi thứ chín. Theo đó, nhà vua còn xây một cung riêng cho Hạo
Nương ở phường Thị Trại, ven bờ Hồ Tây. Sau bốn năm vào cung, mẹ của Hạo Nương
lâm bệnh qua đời, nàng xin vua cho về quê chịu tang. Mãn tang mẹ, Hạo Nương trở
lại kinh thành. Khi qua Hồ Tây tắm gội để vào yết kiến vua, bỗng nhiên trời đất
tối sầm, nước hồ cuộn sóng, nàng thấy một con giao long dài hai trượng, đầu đội
mũ hoa, mình đầy vẩy cá hiện lên quấn một vòng quanh nàng. Từ đó Cung phi có
thai, sau 14 tháng, đến ngày 13 tháng 12 năm Giáp Thìn (1064) sinh được bé trai
khôi ngô tuấn tú, sau lưng có 28 vết hằn trông như vẩy rồng và trên ngực có bảy
hàng chấm, óng ánh như hạt ngọc. Vua thấy con mình dung mạo khác thường, nghĩ
đây đúng là “Long hầu giáng thế” nên đặt tên con là Hoàng Lang và cho mở yến
tiệc lớn khao mừng.

Ngọc phả Linh thần đại vương (sao lại) vào năm Tân Tỵ (1941),
triều vua Bảo Đại
Khi Hoàng Lang được hơn 1 tháng, đất nước có biến loạn, giặc
Vĩnh Trinh từ phương Bắc sang xâm lược nước ta với thế trận rất mạnh. Nhà vua lo
lắng sai sứ thần lên đường chiêu mộ người tài trong thiên hạ ra giúp nước, nếu
ai bình được giặc, nhà Vua sẽ trọng thưởng. Sau khi nghe mẹ thuật lại mọi
chuyện, Hoàng Lang xin mẹ ra mời sứ thần vào nói rằng: “Ngươi về tâu lại với nhà vua
chuẩn bị cho ta một con voi chiến, một lá cờ
đại, một cây quyền dài 10 thước, ta
sẽ lên đường đánh giặc”. Sứ thần nghe xong, liền quay về triều tâu lại toàn bộ sự
việc với nhà vua, vua vui mừng lệnh cho quan quân chuẩn bị đúng những gì mà
Hoàng Lang yêu cầu. Ngày hôm sau sai người mang đến đủ cùng với 5000 binh lính
chiêu mộ được, cho làm gia thần. Hoàng Lang nghiêng mình đột nhiên đứng dậy,
thân hình cao lớn chừng chín thước, tay cầm cờ lệnh, chân đập vào voi, voi tự
quỳ rạp xuống. Hoàng Lang nhảy lên lưng voi thét lớn: “Ta là thiên tướng”, con
voi lồng lên chạy như bay, lao thẳng đến đồn giặc. Tướng giặc hoảng sợ ngã lăn
xuống ngựa mà chết, quân giặc thấy thế cũng buông giáp quy hàng. Hoàng Lang
cưỡi voi chiến và cầm lá cờ đại về triều đình, nhà vua biết tin thắng trận vui
mừng mở tiệc khoản đãi và phong thưởng cho các tướng sỹ. Sau khi lập công lớn,
vua Thánh Tông tỏ ý muốn nhường ngôi nhưng Hoàng Lang đã từ chối không nhận và
xin trở về vùng đất cũ Thị Trại để sinh sống. Vài ngày sau, Hoàng Lang bỗng
phát chứng bệnh nan y, không có phương thuốc nào cứu chữa. Nhà vua biết tin, xa
giá đến Thị Trại thăm hỏi, vua cầm tay Hoàng Lang nói rằng: “Khanh là người mà Trẫm yêu quý nhất, nay bị
chứng bệnh hoành hành không có thuốc nào chữa trị, Trẫm lấy làm buồn lắm”. Hoàng Lang nói rằng: “Muôn tâu bệ hạ, con thuộc dòng dõi của Lạc
Long Quân, là một trong số 50 người con theo cha xuống biển, phụng mệnh Ngọc
Hoàng thác sinh vào cung son gác tía. Nay giặc đã quét sạch, muôn dân được no ấm,
con phải trở lại chốn thuỷ cung. Nếu nhà vua thương xin cho dựng cờ ở ngoài,
sau khi con thác tung cờ lên trời, nếu thấy lá cờ bay về đâu thì thờ tự con ở
đó ”. Nói xong Hoàng Lang biến thành con Giao Long trườn mình ngoi thẳng ra
Hồ Tây rồi biến mất, khi đó là ngày 10 tháng 2 năm Ất Tỵ. Tương truyền sau khi
Hoàng Lang mất, cờ bay lên không trung rơi xuống 269 nơi rồi lại quay về dựng
trước cửa ngọ môn của kinh thành như cũ. Nhà vua lấy làm lạ, truyền bách quan
làm lễ phong vương tước, ban tặng mỹ tự cho Hoàng Lang là: “Linh Lang đại vương thượng đẳng phúc thần”.
Tháng 3 xuống chiếu cấp tiền kho cho
trại Thủ Lệ (phường Thị Trại) dựng đền thờ tự, lệnh cho các xứ, nhân dân các xã
có cờ lệnh bay đến nơi nào đầu chuẩn cho lập đền thờ phụng. Tổng cộng có 269
nơi được lập đền thờ phụng. Như Thị Trại là đất chính nơi thần hóa, Bồng Bai
(đất quê mẹ), mỗi nơi đều được 30 hốt vàng, nhà vua cho mua phẩm vật, đồ cúng
tế, 36 mẫu ruộng thờ để hai kỳ xuân thu cúng tế. Như vậy, ngoài thờ chính ở
phường Thị Trại, Linh Lang đại vương còn được thờ ở 269 làng trại trên cả nước.
Đền Đông, xóm Hồng Đoàn, thôn Thứ Nhất, xã Nam Hồng, huyện Nam Trực là một
trong 269 nơi thờ tự Đức thành Linh Lang.

Ngai,
bài vị thờ Linh Lang đại vương thời Hậu Lê, thế kỷ 18
Hiện nay, tại đền còn lưu giữ được 3 đạo sắc phong thời
Nguyễn, đạo sắc sớm nhất được ban phong vào niên hiệu Tự Đức 10 (1857) và muộn
nhất vào niên hiệu Khải Định 9 (1924). Nội dung các đạo sắc phong ban tặng cho
Linh Lang đại vương đều ghi như sau: “Thượng
đẳng thần, biến hóa huyền diệu, linh thiêng trợ giúp, thuận lợi chính đáng, tin
thực rõ ràng, hòa hợp rộng khắp, chuẩn cho phụng thờ thần, sẽ che chở bảo vệ
dân ta”. Bên cạnh đó, theo một số nguồn tư liệu, đặc biệt là tư liệu được
nhà nghiên cứu Dương Bá Cung chép lại trong tác phẩm “Hà Nội địa dư" (soạn
năm Tự Đức 2 (1849) thì Linh Lang Đại vương còn là một vị thần có công trạng
làm mưa chống hạn. Như vậy, từ vị thần trị thủy ở vùng đất Hà Nội, quyền năng
thiêng liêng của Đức thành Linh Lang trong tâm thức dân gian ngày càng được mở
rộng theo bước chân những người khai phá vùng châu thổ sông Hồng, để rồi trở
thành vị thần trị thủy phổ biến ở vùng đất này. Chính vì vậy, đền thờ ngài luôn
được xây dựng ở nơi gần nhánh những con sông, với chức năng tiêu thoát nước.
Đền, chùa Ba Xã có vị trí địa lý gần sông Hồng nên có thể khẳng định tín ngưỡng
thờ Đức thánh Linh Lang đại vương tại đây không chỉ mang ý nghĩa tôn thờ vị
thần có công đánh đuổi giặc ngoại xâm mà còn trở thành vị thủy thần bảo trợ cho
công cuộc làm ăn của cư dân vùng ven sông nước.

Nhanh án đá thời Hậu Lê, thế kỷ 18 tại đền
Chùa Ba Xã ngoài thờ
Phật còn thờ Đệ nhất Thánh Mẫu Liễu Hạnh; Quỳnh Cung Duy Tiên phu nhân; Quảng
Cung Quế Anh phu nhân, là những vị Thánh trong hệ thống thờ Tam phủ, Tứ phủ của
người Việt. Trong đó, Thánh Mẫu Liễu Hạnh là người đứng đầu hệ thống, được thờ
khắp trên cả nước và tập trung chủ yếu ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Hiện tại phủ
Mẫu của chùa còn lưu giữ được 7 đạo sắc phong, trong đó sắc sớm nhất được ban
dưới triều vua Nguyễn, niên hiệu Thành Thái năm thứ nhất (1889), đạo sắc muộn
nhất ban vào niên hiệu Khải Định (9 - 1924). Nội dung các đạo sắc phong cho
Thánh Mẫu Liễu Hạnh là Thượng đẳng thần; Quỳnh Cung Duy Tiên phu nhân; Quảng Cung
Quế Anh phu nhân là Trung đẳng thần.

Sắc
phong ban cho Công chúa Liễu Hạnh Thượng đẳng thần,
niên hiệu Thành Thái 1 ( 1889)
Di tích, đền, chùa Ba Xã là công trình tôn giáo, tín ngưỡng
có lịch sử lâu đời, được dựng xây trên vùng đất có bề dầy truyền thống văn hoá
và cách mạng. Đây là nơi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân thôn Thứ
Nhất từ bao đời nay. Hàng năm, ngoài các ngày Sóc (mồng 1), Vọng (15), lễ Mẫu
(ngày 15 tháng 3), lễ Phật Đản, lễ Vu Lan, được các tăng ni, phật tử tổ chức
tại chùa, dân làng còn tổ chức hai kỳ lễ vào ngày sinh (ngày 13 tháng Chạp) và
ngày hóa của Đức thánh Linh Lang (mồng 10 tháng 2). Trong số các kỳ lễ đó thì
kỳ lễ ngày 10 tháng 2 và 15 tháng 3 âm lịch là được tổ chức long trọng hơn cả.
Kỳ lễ ngày mồng 10 tháng 2: Để chuẩn bị cho ngày lễ hội, trước đó dân làng tiến
hành bao sái đồ thờ tự, bài trí, sắp đặt nơi hành lễ thật trang nghiêm. Buổi
chiều ngày mồng 9, con cháu các dòng họ và các xóm tiến hành kéo cờ, bắc rạp,
hoàn tất công việc chuẩn bị cho chính kỵ. Sáng ngày mồng 10, dân làng cùng các
dòng họ tổ chức tế cáo, rước lễ vật
vào đền dâng lên đức thánh, cầu mong sức khoẻ, phúc lộc bình an, mưa thuận gió
hoà, mùa màng tốt tươi. Buổi chiều dân làng tổ chức lễ tạ và các trò chơi dân
gian truyền thống như: Cờ tướng, bắt vịt, chọi gà, biểu diễn võ thuật. Kỳ lễ
ngày 15 tháng 3 âm lịch, diễn ra bắt đầu từ ngày 13 đến ngày 15. Để chuẩn bị
cho ngày lễ hội, trước đó các tăng ni phật tử cùng dân làng tiến hành bao sái
đồ thờ tự, bài trí, sắp đặt nơi hành lễ thật trang nghiêm. Buổi chiều ngày 13,
con cháu các dòng họ và các xóm tiến hành kéo cờ, bắc rạp, hoàn tất công việc
chuẩn bị cho ngày lễ chính. Sáng ngày 14, nhà chùa cùng các tín đồ phật tử và
nhân dân tổ chức tế cáo, rước lễ vật vào phủ dâng lên Mẫu, cầu mong sức khoẻ,
phúc lộc bình an, mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi. Buổi chiều, tổ chức lễ
dâng hương và tiến hành tế nữ quan tại phủ Mẫu. Đội tế nữ quan gồm 24 người,
đều là con em trong thôn, được dân làng tín nhiệm cử ra hàng năm. Ngày 15 là ngày
lễ chính, buổi sáng dân làng tổ chức tế nam quan và rước kiệu. Đi đầu đoàn rước
là đội múa cờ, tiếp đến là phường bát âm, đội tế, chấp kích, bát biểu, đội rước
kiệu Mẫu, kiệu Bác Hồ, kiệu Thánh và kiệu Phật, sau cùng là dân làng và du
khách.

Kiệu bát
cống
Đền, chùa Ba Xã được xây dựng và quy hoạch trong một khuôn
viên rộng 7.881m2, mặt quay hướng Nam. Trên mặt bằng tổng thể đền,
chùa bao gồm các hạng mục kiến trúc sau: đền, gác chuông (kiêm cổng chùa),
chùa, phủ Mẫu và nhà Tổ. Bao quanh các hạng mục là hệ thống tường bao xây khép
kín bảo vệ công trình.
Đền là hạng mục công
trình nằm ở vị trí đầu tiên của khu di tích, thiết kế theo kiểu chữ “nhất”, được xây dựng hoàn toàn bằng chất
liệu bê tông cốt thép, mái cuốn vòm thiết kế theo kiểu chồng diêm, lợp ngói nam, phần cổ đẳng nối giữa mái trên và mái
dưới nhấn nối 3 chữ Hán: “Trạc quyết linh
” (Linh thiêng rõ rệt). Cửa đền gồm 3 khoang, xây kiểu cuốn vành mai, ngăn cách giữa mỗi khoang cửa
là hệ thống cột trụ vuông, giữa mỗi cột trụ được nhấn câu đối bằng chữ Hán, nội
dung ca ngợi công lao của vị thần được thờ tại di tích.
Gác chuông nằm vuông góc với đền, xây theo kiểu cổ đẳng 2
tầng 8 mái. Tầng trên xung quanh xây gạch, trổ 4 cửa cuốn vành mai và bốn đầu
đao uốn cong mềm mại. Tầng dưới là cổng chính xây cuốn vành mai với những đường nét uốn lượn hài hoà. Bao loan ngăn cách
tầng trên, tầng dưới là dãy lan can có ô thoáng. Tại đây có treo quả chuông
đồng.
Chùa Ba X ã xây quay mặt
theo hướng Nam, kiến trúc theo kiểu tiền
đao hậu đốc, mái lợp ngói nam với các góc đao uốn cong mềm mại, mang giá
trị kiến trúc nghệ thuật thời Hậu Lê. Bộ cửa công trình làm bằng gỗ, chia thành
3 khoang, mỗi khoang cửa được ngăn cách nhau bởi cột quân (kiêm cột hiên). Toàn
bộ cánh cửa được gia công theo kiểu bức bàn,
lắp dựng chân quay thuận lợi cho việc đóng mở. Bộ khung công trình được tạo
dựng bởi sự liên kết của 6 bộ vì thiết kế theo kiểu thượng chồng rường, hạ kẻ bẩy. Gánh đỡ 6 bộ vì này là hệ thống cột
gồm: 10 cột cái, 4 cột quân được tạo dáng thượng
thư hạ thách, đặt trên các chân tảng đá cổ bồng. Tại đây có 3 dạng vì liên
kết chủ yếu: vì nóc, vì nách và liên kết hiên (hồi).

Chạm khắc trên bộ vì tòa tam bảo
Phần trang trí mĩ thuật được tập trung thể hiện trên nhiều
cấu kiện, song tiêu biểu nhất ở các cấu kiện sau: Bẩy gồm 6 cây (4 cây bẩy hiến
và 2 cây bẩy hai bên): thân bẩy được chạm khắc các đề tài: lá lật, vân xoắn, đầu bẩy chạm chữ “thọ” triện. Hệ thống
bẩy tại di tích có niên đại thời Nguyễn, thế kỷ 19. Trên thân các con rường,
câu đầu, xà thượng, xà hạ được chạm khắc rất tỉ mỉ, sinh động các đề tài long hóa, lưỡng long chầu nhật, đan xen
hoạ tiết lá lật, vân xoắn và đao mác, lá
hỏa. Đặc biệt trên vì nóc và vì nách gian mái đao vẫn còn lưu giữ được
nhiều mảng chạm khắc với các đề tài: lưỡng
long chầu nhật, cửu long tranh châu, đan xen các họa tiết đao mác lá hỏa, vân
xoắn. Đường nét chạm khắc trên các cấu kiện gỗ tại đây mang phong cách nghệ
thuật thời Hậu Lê, với bố cục chặt chẽ, tinh xảo đã làm tăng thêm giá trị nghệ
thuật cho công trình kiến trúc.

Chạm khắc trên bộ vì nách tòa tam bảo
Phủ Mẫu, nằm phía sau
chùa, công trình kiến trúc theo kiểu chữ “tam
” gồm 3 tòa: Tòa tiền đường 3 gian, hai chái, bộ khung bằng gỗ lim, liên kết
với nhau bởi 4 bộ vì kết cấu theo kiểu chồng
rường giả chiêng. Gánh đỡ 4 bộ vì này là hệ thống 12 cây cột gồm 4 cột và 8
cột quân. Toàn bộ hệ thống cột được làm theo thế thượng thu hạ thách, đặt trên chân tảng đá vuông tạc nổi gờ tròn.
Trung đường có kích thước và kết cấu giống tòa tiền đường tại đây đặt nhang án
và tượng thờ Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu và Ngũ vị tôn ông. Tòa hậu cung có 3
gian, bộ khung bằng gỗ kết hợp với hệ thống tường chịu lực. Tại đây đặt khám và
tượng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh; Quỳnh Cung Duy Tiên phu nhân và Quảng Cung Quế
Anh phu nhân.
Đền, chùa Ba Xã là nơi thờ Phật; phụng thờ Đức thánh Linh
Lang đại vương, thờ Phật và Thánh Mẫu Liễu Hạnh cùng Quỳnh Cung Duy Tiên phu
nhân và Quảng Cung Quế Anh phu nhân.
Trong các phong trào
cách mạng và kháng chiến, đền, chùa Ba Xã trở thành địa điểm ghi dấu nhiều sự
kiện lịch sử quan trọng của địa phương góp phần vào thắng lợi chung của dân
tộc.
Trải qua thời gian và chiến tranh tàn phá, đến nay công trình
kiến trúc đền, chùa Ba Xã vẫn bảo lưu được những giá trị kiến trúc truyền thống.
Bên cạnh đó, tại di tích còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật có giá trị như;
ngọc phả, sắc phong, ngai, nhang án... thể hiện sự trân trọng và quyết tâm bảo
tồn những di sản văn hóa quý báu mà cha ông xưa để lại. Bên cạnh những giá trị
về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, di tích đền, chùa Ba Xã còn là nơi bảo tồn,
lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng, tiêu biểu là
lễ hội truyền thống tưởng nhớ công lao của Đức thánh Linh Lang đại vương diễn
ra vào ngày mồng 10 tháng 2 hàng năm. Trong lễ hội không chỉ các nghi lễ được
thực hành mà nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa và trò chơi dân gian truyền
thống được tái hiện, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Đây chính
là môi trường để lưu giữ, bảo tồn phát huy những giá trị văn hóa trong xu hướng
hội nhập, phát triển hiện nay.
Từ những giá trị tiêu biểu về lịch sử
và văn hóa, Đền chùa Ba Xã, thôn
Thứ Nhất, xã Nam Hồng đã được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp
tỉnh năm 2019.