image banner
ĐẢNG BỘ,CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NAM TRỰC QUYẾT TÂM XÂY DỰNG HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO


image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đền, chùa thôn Ngọc Tỉnh, xã Nam Lợi
Lượt xem: 2683
Đền, chùa thôn Ngọc Tỉnh thờ Linh Lang Đại vương, Thục Phán An Dương vương (Duệ hiệu là Nam Hải Đại vương), thờ Phật và Mẫu Liễu Hạnh.
Theo các nguồn tư liệu tại di tích như câu đối, đại tự, sắc phong, đặc biệt là nội dung cuốn ngọc phả “Hoàng tử Linh Lang vương”  hiện đang lưu giữ tại Viện Hán Nôm thì thân thế, sự nghiệp Đức thánh thờ tại đền Ngọc Tỉnh như sau: Triều Lý, dưới thời vua Lý Thái Tông (1028-1054), ở trang Bồng Lai, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, đạo Sơn Tây có một gia đình, chồng tên là Dương Đạo, vợ là Nguyễn Thị Từ làm nghề buôn bán tơ lụa. Năm 60 tuổi, một hôm bà Từ nằm mộng thấy ánh sáng đỏ bay vào nhà, ngay lúc đó xuất hiện một cụ già trên tay bế đứa trẻ xưng là Thiếu Âm tinh sẽ đầu thai vào nhà mình. Từ đó bà có thai, sau 9 tháng 10 ngày sinh hạ được một bé gái, đặt tên là Phượng Nương. Năm Phượng Nương lên 6 tuổi thì thân phụ qua đời, nàng được cậu ruột là Nguyễn Công Hoằng làm quan trong triều đưa về nuôi dạy như con đẻ. Năm 18 tuổi, Phượng Nương có nhan sắc tuyệt trần, đức tài đều trọn vẹn. Một hôm vua Lý Thái Tông ngự chơi ngoài kinh thành, trông thấy Phượng Nương, nhà vua động lòng thương mến, bèn triệu nàng về triều lập làm Đệ nhị cung phi. Nhà vua còn lập cho nàng một cung riêng ở trại Thị Lệ ven bờ Hồ Tây. Sau thời gian ba, bốn năm vào triều, cậu ruột của Phượng Nương bị bệnh mất, nàng xin vua cho về chịu tang. Vua đã ban cho nàng vàng bạc, gấm vóc để về quê phúng viếng. Sau khi mãn tang cậu, Phượng Nương trở về kinh thành. Trước khi vào triều yết kiến nhà vua, nàng qua Hồ Tây tắm gội. Trong khi tắm, nàng nhìn thấy một con Giao Long dài 2 trượng, đầu đội mũ hoa, mình đầy vây cá hiện lên cuốn một vòng quanh mình, từ đó nàng có thai. Sau 12 tháng, đến ngày 4 tháng Giêng, mùa xuân năm Giáp Thìn nàng sinh được bé trai, mặt mũi lạ thường, mình đầy vẩy cá. Ba tháng sau khi sinh, Phượng Nương bế con vào ra mắt Hoàng đế Thái Tông. Vua thấy con mình hình dáng khác thường, nghĩ đây đúng là “Long hầu giáng thế" nên đặt tên là Hoàng Lang, và cho mở tiệc lớn khao mừng. 

Khám, ngai thờ Linh Lang thượng đẳng thần, Nam Hải trung đẳng thần mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn
Khi Hoàng Lang được 7 tuổi, đất nước có biến loạn, quân giặc từ phương Bắc sang xâm lược nước ta, với thế trận rất mạnh. Nhà vua lo lắng sai sứ thần lên đường chiêu mộ người tài trong thiên hạ ra giúp nước, nếu ai bình được giặc, vua sẽ trọng thưởng. Sứ thần phụng mệnh vua lên đường chiêu mộ người tài. Một hôm sứ thần qua vùng Thị Lệ, Hoàng Lang đang nằm nghỉ, nghe thấy sứ thần loan tin cấp báo, chàng bèn ngồi dậy hỏi Cung phi. Cung phi thuật lại mọi chuyện, Hoàng Lang xin mẹ ra mời sứ thần vào nói rằng: “Ngươi về nói lại với Phụ Hoàng chuẩn bị cho ta một con voi chiến, một lá cờ đại, ta sẽ lên đường đánh giặc”. Đến trước trại giặc, Hoàng Lang thét lớn: “Ta là thuỷ thần đại tướng đây". Tướng giặc hoảng sợ ngã lăn xuống ngựa mà chết, quân giặc thấy thế cũng buông giáp quy hàng. Hoàng Lang cưỡi voi chiến và cầm lá cờ đại về triều đình. Nhà vua biết tin thắng trận vui mừng mở tiệc khoản đãi. Đánh tan quân giặc, Hoàng Lang trở về vùng đất Thị Lệ. Vài ngày sau, Hoàng Lang bỗng dưng mắc phải chứng bệnh hiểm nghèo. Vua Lý Thái Tông biết tin, xa giá đến trại Thị Lệ thăm hỏi, Hoàng Lang nói rằng: “Muôn tâu bệ hạ, con thuộc dòng dõi của Lạc Long Quân, là một trong số 50 người con theo cha xuống biển, phụng mệnh Ngọc Hoàng thác sinh vào cung son gác tía. Nay giặc đã quét sạch, muôn dân được ấm no, con phải trở lại chốn thuỷ cung”. Nói xong Hoàng Lang biến thành Giao Long trườn mình ra Hồ Tây rồi biến mất, khi đó là ngày 10 tháng 10. Ghi nhận sự kiện này, hiện nay tại hậu đường đền Ngọc Tỉnh còn vế câu đối: 
Giao hoá hồ ngưng vân ảnh bích
(Tây hồ Giao Long biến hoá khí thiêng lắng đọng trong mây biếc).
Sau khi Hoàng Lang mất, vua Lý Thái Tông vô cùng thương tiếc, ban cho làm Phúc Thần làng Thị Lệ (nay là khu vực Thủ Lệ, quận Ba Đình, Hà Nội) và cấp cho 36 mẫu ruộng tế tự. Nhà vua còn phong mỹ tự cho thần là “Linh Lang đại vương”.
Để khẳng định công lao của Hoàng Lang đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước thời nhà Lý, tại toà tiền đường đền Ngọc Tỉnh hiện nay còn vế câu đối ca ngợi công đức của thánh Linh Lang Đại vương như sau: 
“Hùng tượng dương uy Tống khấu trấn thanh quan trại Bắc”
(Cưỡi voi tỏ rõ khí phách đánh giặc Tống sạch bóng nơi cửa Bắc).
Nội dung các đạo sắc phong lưu giữ tại đền niên hiệu Tự Đức 33 (1880), Đồng Khánh 2 (1887), Duy Tân 3 (1909), Khải Định 9 (1924) ban tặng cho Linh Lang Đại vương là “Thượng đẳng thần, biến hoá huyền diệu, linh thiêng phù trợ, giữ gìn thuận lợi, giúp đỡ lẽ phải, tin tưởng rõ rệt, phù giúp nền chính trị, chuẩn cho được phụng thờ”. Bên cạnh đó, theo một số nguồn tư liệu, đặc biệt là tài liệu được nhà nghiên cứu Dương Bá Cung chép lại trong tác phẩm “Hà Nội địa dư” (soạn năm Tự Đức 2 (1849) thì Linh Lang Đại vương còn là một vị thần có công trạng làm mưa chống hạn. Từ vị thần trị thuỷ ở vùng đất Hà Nội, theo bước chân khai phá vùng đồng bằng sông Hồng, ngài đã trở thành vị thần trị thuỷ được nhân dân thờ ở nhiều nơi tại đồng bằng Bắc Bộ. Cũng chính vì lý do đó nên đền thờ đức Linh Lang Đại vương luôn được xây dựng ở nơi gần nhánh những con sông, với chức năng tiêu thoát nước. Với vị trí địa lý gần các sông Ninh Cơ (nhánh của sông Hồng)... đền Ngọc Tỉnh thờ Đức thành Linh Lang Đại vương không chỉ mang ý nghĩa tôn thờ vị Hoàng Tử có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập dân tộc, mà còn là vị thần bảo trợ cuộc sống của cộng đồng cư dân vùng ven sông nước. Qua đây, chúng ta thấy, tín ngưỡng thờ Đức thánh Linh Lang vốn được hình thành và phát triển trên nền tảng văn hoá bản địa, gắn liền với cư dân canh tác lúa nước. Theo thời gian, trong tâm thức nhân dân, tín ngưỡng này được mở rộng và lan toả vào đời sống văn hoá, tâm linh ở các làng quê Nam Định, trong đó có đền Ngọc Tỉnh, xã Nam Lợi, huyện Nam Trực.

Sắc phong ban cho Liễu Hạnh công chúa, niên hiệu Thành Thái 1 ( 1889)
Đền Ngọc Tỉnh thờ Thục Phán An Dương Vương (duệ hiệu là Nam Hải Phạn Đại vương). Theo Đại Việt sử ký toàn thư và Ngọc phả tôn thần Nam Hải Phạn đại vương soạn vào niên hiệu Cảnh Hưng thứ 3 (năm 1742), lưu giữ tại Viện Hán Nôm thì thân thế, sự nghiệp của vị thần thờ tại đền Ngọc Tỉnh như sau: 
Thục Phán An Dương Vương sinh ra trong một gia đình quý tộc quan lại đất Ba Thục vào cuối triều Hùng Vương. Thân phụ của Thục Phán là Thục Hiền làm Bộ chủ Ai Lao, thân mẫu là Phạm Thị Nhương. Vì Thục Phán được sinh ra ở chùa nên gọi là Phạn. Ngay từ khi còn nhỏ, Thục Phán đã bộc lộ tư chất thông minh, mưu lược hơn người. Khi cha mất, ông thay thế cha tiếp quản chức Bộ chủ Ai Lao và trở thành thủ lĩnh của người Âu Việt sống trên đất Văn Lang. 

Sắc phong cho Linh Lang thượng đẳng thần, niên hiệu Tự Đức 33 (1880)
Vào nửa sau thế kỳ III trước Công nguyên (TCN), nhân sự suy yếu của Hùng Duệ Vương (vua Hùng Vương thứ 18), Thục Phán đã đem quân tiến đánh kinh đô Văn Lang. Đến năm (257 TCN), sau nhiều lần giao tranh, Thục Phán đã đánh bại Hùng Duệ Vương. Thục Phán dựng nước Âu Lạc, tự xưng là An Dương Vương và dời đô về Cổ Loa; tiến hành công cuộc kiến thiết, xây dựng đất nước trên cơ sở kế thừa những thành tựu từ thời Văn Lang. Có thể nói, việc rời đô từ miền núi về đồng bằng là biểu hiện sự phát triển lớn mạnh của dân tộc ta. Lạc Việt và Âu Việt hợp nhất thành một quốc gia có cương vực rộng, dân số đông nền kinh tế, văn hóa, quân sự có bước phát triển mới. 
Về kinh tế, An Dương Vương chú trọng khai phá, mở rộng vùng đồng bằng sông Hồng, di dân từ miền núi xuống. Nguồn sống của nhân dân Âu Lạc vẫn lấy sản xuất nông nghiệp làm chính. Ngoài đồ đá, giai đoạn này nghề luyện kim phát triển mạnh nên nhiều công cụ sản xuất như cày, bừa, cuốc, liềm bằng đồng và bằng sắt được chế tạo góp phần nâng cao hiệu quả canh tác nông nghiệp. Về quân sự, An Dương Vương đã tổ chức một đội quân khá mạnh, sử dụng thành thạo cung tên; ngoài bộ binh còn có thủy binh và kỵ binh. Đặc biệt, An Dương Vương đã cho xây dựng thành Cổ Loa trở thành trung tâm của nước Âu Lạc, đồng thời đây cũng là một căn cứ quân sự vững chắc, lợi hại. Sự ra đời và tồn tại của nước Âu Lạc, các nhà sử học nhận xét như sau: “Nước Âu Lạc là bước kế tục và phát triển cao hơn của nước Văn Lang và trên một phạm vi rộng lớn hơn của người Lạc Việt và  Âu Việt”. Năm 221 (TCN), Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc, lập ra triều Tần. Sau khi ổn định ngôi vua, Tần Thuỷ Hoàng đã huy động 50 vạn quân đánh chiếm các nước trong nhóm Bách Việt ở phía Nam Trung Quốc, trong đó có nước Âu Lạc. Do chính trị trong nước được củng cố Vững chắc, kinh tế phát triển, lực lượng quân sự hùng hậu, lại có thành Cổ Loa vững chắc, nên An Dương Vương đã lãnh đạo quân dân Âu Lạc chống quân Tần suốt gần một thập kỷ. Trong thời gian chiến tranh, hàng chục vạn quân Tần bị giết, chủ tướng Đồ Thư cũng bỏ mạng ở chiến trường. Tư Mã Thiên - nhà sử học nổi tiếng Trung Quốc trong tác phẩm Sử ký đã viết: “Lúc bấy giờ nhà Tần ở phía Bắc thì mắc họa với người Hồ, ở phía nam thì mắc họa với người Việt. Đóng binh ở đất vô dụng, tiến không được, thoái cũng không xong”. Chiến thắng của nhà nước Âu Lạc đối với nhà Tần là thất bại đầu tiên của Tần Thủy Hoàng. Chính vì vậy, nhà Tần phải bãi bỏ cuộc chiến tranh xâm lược Âu Lạc.
Năm 209 TCN, Tần Thủy Hoàng chết, đế chế Tần bước vào giai đoạn suy vong. Lợi dụng cơ hội đó, Triệu Đà một viên quan của triều Tần đã chiếm các quận Nam Hải, Quế Lâm... lập nước Nam Việt và tự xưng vương. Với âm mưu xây dựng một quốc gia rộng lớn, Triệu Đà đã nhiều lần phát quân xâm lược hòng thôn tính nước Âu Lạc. Nhiều cuộc giao chiến ác liệt đã diễn ra tại vùng Tiên Du, Vũ Ninh và vùng phụ cận Cổ Loa (Bắc Ninh và Hà Nội ngày nay). Nhưng bấy giờ, Âu Lạc là một quốc gia hùng mạnh, lại có nỏ Liên Châu bắn một lúc nhiều mũi tên đồng) lợi hại, có thành Cổ Loa kiên cố, nên An Dương Vương đã lãnh đạo quân dân Âu Lạc đánh bại quân của Triệu Đà, bảo vệ nền độc lập, tự chủ cho nước nhà.
Triệu Đà biết không thể đánh thắng Âu Lạc bằng quân sự nên đã rút về núi Vũ Ninh, xin giảng hòa với An Dương Vương. Triệu Đà cho con trai là Trọng Thủy sang làm con tin, cầu hôn con gái vua Thục là công chúa Mỵ Châu và xin cho Trọng Thủy được ở rể. An Dương Vương bằng lòng, bất chấp mọi lời khuyên ngăn của quân thần. Những năm sống tại Âu Lạc, Trọng Thủy đã bí mật điều tra tình hình bố phòng, bí mật quân sự của thành Cổ Loa, học cách chế tạo và phá nỏ thông qua vợ mình là công chúa Mỵ Châu; đồng thời dùng tiền để mua chuộc các lạc hầu, lạc tướng, ly dán nội bộ chính quyền Âu Lạc. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Trọng Thủy xin vua Thục cho về thăm nhà, nhưng thực chất nhằm báo những điều do thám được.
Do nắm được tình hình, năm 208 TCN, Triệu Đà đã tổ chức cuộc tấn công Âu Lạc, bất ngờ đánh thẳng vào kinh đô Cổ Loa. An Dương Vương mất cảnh giác, bị động đối phó trong khi nội bộ đã ly dán, các tướng tài như Cao Lỗ, Hầu Nồi, Đình Toán đều đã bỏ đi. Do đó quân dân Âu Lạc nhanh chóng thất bại. Vua An Dương Vương chỉ kịp cho Công chúa Mỵ Châu ngồi sau lưng ngựa rồi chạy vào phía Nam. Nhưng nhà vua đi đến đâu, quân giặc đuổi đến đó vì vết lông ngỗng mà Mỵ Châu làm dấu để Trọng Thủy tìm gặp. Chạy tới vùng biển Diễn Châu (Nghệ An) thì cùng đường, vua gọi lớn: “Thần Kim Quy không cứu ta sao”, thần rùa nổi lên nói: "Giặc ở ngay sau lưng”. An Dương Vương hiểu ra liền rút gươm chém chết Mỵ Châu, rồi nhảy xuống biển tự tử. 
Ghi nhớ công lao của vị anh hùng vì nhẹ dạ cả tin, thiếu cảnh giác đến nỗi cơ đồ bị mất, còn mình phải chết thảm, nhân dân Cổ Loa và nhiều nơi lập đền thờ An Dương Vương. Nhân dân còn lập đền thờ tướng quân Cao Lỗ (người đã chế tạo nỏ Liên Châu), đồng thời dựng am thờ Công chúa Mỵ Châu và đền Giếng thờ thần Kim Quy. Theo ngọc phả và truyền thuyết dân gian, sau khi An Dương Vương mất, Ngài luôn hiển linh phù giúp nhân dân, trở thành vị thần cai quản vùng biển Nam, duệ hiệu là: “Nam Hải Phạn đại vương”. 
Hiện nay, tại toà tiền đường đền Ngọc Tỉnh còn đôi câu đối ghi lại sự tích liên quan đến Thục Phán An Dương Vương như sau: 
“Hách trạc vương linh bách trĩ đồ cơ truyền trảo nỗ,
Thần minh đế trụ thiên....chính khí phát liên ngự"
(Vương linh thiêng rõ rệt thành quách đất đai trăm dặm ơn nhờ nỏ thần trợ giúp, 
Oai thần sáng tỏ đội mũ giáp trụ chỉ huy ngàn mũi tên chống giữ giặc thù). 
“Thần Quy hiến sách Loa thành cơ tráng Việt thiên Nam ".
(Rùa thần hiến kế sách, Loa thành bền vững nước Việt giữa trời Nam).
Cũng giống như Linh Lang Đại vương, Thục Phán An Dương Vương không chỉ là một nhân vật lịch sử, mà sau khi mất đã trở thành vị thần linh thiêng cai quản vùng biển, được nhân dân phụng thờ ở nhiều nơi. Như chúng ta biết, Nam Định là tỉnh nằm ở trung tâm phía Nam của đồng bằng Bắc Bộ, với đường bờ biển dài 78 km. Vùng đất này được hình thành nhờ quá trình bồi tụ của các con sông như: sông Hồng, sông Ninh Cơ và sông Đáy. Theo thời gian, địa bàn cư trú của cư dân Nam Định dần được mở rộng. Trong công cuộc khai hoang, lấn biển với muôn vàn khó khăn đó, mặc nhiên nhân dân rất cần một chỗ dựa tinh thần để làm niềm tin xây dựng cuộc sống mới đó là sự giúp đỡ, che chở của các vị thần linh (nhân thần, nhiên thần). Tư liệu lịch sử, cùng truyền thuyết dân gian đều xác nhận, Thục Phán An Dương Vương sau khi mất đã trở thành vị thần cai quản vùng biển, luôn hiển linh che chở, giúp đỡ nhân dân. Hiện nay, tại Nam Định có nhiều di tích thờ Thục Phán An Dương Vương, trong đó có di tích đền Ngọc Tỉnh, xã Nam Lợi, huyện Nam Trực. Việc thờ tự Thục Phán An Dương Vương không chỉ thể hiện sự tri ân của dân làng Ngọc Tỉnh với bậc anh hùng có công với dân, với nước, một vị thần bảo trợ người dân trong quá trình khai hoang lập làng trước những thử thách của thiên tai, bão gió mà còn có ý nghĩa như một lời nhắc nhở người dân phải luôn nêu cao cảnh giác trước âm mưu của các thế lực thù địch. Hiện nay tại đền Ngọc Tỉnh còn lưu giữ được 05 đạo sắc phong, trong đó đạo sắc niên hiệu Tự Đức 33 (1880), Đồng Khánh 2 (1887), Duy Tân 3 (1909), Khải Định 9 (1924) ban tặng cho Nam Hải Đại vương là “Trung đẳng thần, phù giúp nền chính trị, ban ơn thấm khắp, làm nhiều điều lợi, ơn huệ sâu dày, giúp nước cứu dân, linh thiêng ứng nghiệm rõ rệt, chuẩn cho, phụng thờ”. 

Sắc phong cho Linh Lang thượng đẳng thần, niên hiệu Khải Định 9 (1924)
Phủ Ngọc Tỉnh Thờ Đệ nhất Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Đào Hoa công chúa. Thánh Mẫu Liễu Hạnh hay bà chúa Liễu/Liễu Hạnh công chúa - vị thần chủ của tín ngưỡng thờ Mẫu, là một trong “Tứ bất tử” của thần điện Việt Nam. Bà là người đứng đầu hệ thống Tam phủ, Tứ phủ được thờ khắp trên cả nước, trong đó tập trung ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Ngoài ra, phủ Ngọc Tỉnh còn phối thờ Đức thánh Trần hay Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn là anh hùng dân tộc, người chỉ huy quân đội nhà Trần 3 lần đại thắng quân xâm lược Mông - Nguyên, thế kỷ 13. 
Hiện tại phủ Mẫu có 3 đạo sắc phong, trong đó sắc sớm nhất niên hiệu vua Thành Thái năm thứ nhất (1889), sắc muộn nhất niên hiệu vua Khải Định 9 (1924) phong cho Thánh Mẫu Liễu Hạnh và Thánh Mẫu Đào Hoa.
Di tích Đền, chùa Ngọc Tỉnh là công trình tín ngưỡng, tôn giáo có lịch sử lâu đời, được dựng xây trên vùng đất có bề dày truyền thống văn hoá, cách mạng. Đây là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân thôn Ngọc Tỉnh từ bao đời nay. 
Hàng năm, ngoài các ngày Sóc (mồng 1), Vọng ( ngày15 âm lịch), lễ Vu Lan (15/7 âm lịch), lễ Phật Đản (14/4 âm lịch) được cácTăng, Ni, Phật tử tổ chức tại chùa, dân làng còn tổ chức giỗ các vị thần thờ tại di tích. Trong số những kỳ lễ đó, quan trọng nhất là ngày 10 tháng 3 âm lịch giỗ Thục Phán An Dương Vương (Nam Hải Đại vương) và ngày 10 tháng 8 âm lịch giỗ Linh Lang Đại vương. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, do điều kiện nên dân làng không tổ chức lễ hội mà chỉ tiến hành tế lễ tại đền. Theo lời kể của các bậc cao niên trong làng, 2 kỳ lễ giỗ Nam Hải Đại vương và Linh Lang Đại vương đều có các nghi thức giống nhau, cứ 3 năm tổ chức lễ hội một lần. Lễ hội diễn ra trong 2 ngày, từ ngày 9 đến ngày 10 tháng 3  âm lịch và ngày 10 tháng 8 âm lịch. 
Để chuẩn bị cho ngày lễ hội, trước đó dân làng tiến hành bao sái đồ thờ tự, bài trí, sắp đặt nơi hành lễ thật trang nghiêm. Sáng ngày mồng 9, dân làng cùng các dòng họ tổ chức tế cáo, rước lễ vật vào đền dâng lên đức thánh, cầu mong sức khoẻ, phúc lộc bình an, mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi. Buổi chiều, dân làng tổ chức lễ dâng hương và tiến hành tế nữ quan tại phủ Mẫu. Đội tế nữ quan gồm 24 người, đều là con em trong làng Ngọc Tỉnh, được dân làng tín nhiệm cử ra hàng năm. Ngày 10 là ngày chính kỵ, buổi sáng dân làng tổ chức tế nam quan và rước kiệu. Đi đầu đoàn rước là đội múa cờ, tiếp đến là phường bát âm, đội tế, chấp kích, bát biểu, đội rước kiệu Mẫu, kiệu Bác Hồ, kiệu Thánh và kiệu Phật, sau cùng là dân làng và du khách thập phương. Đoàn rước đi quanh thôn, với quãng đường khoảng 4km. Buổi chiều dân làng tổ chức lễ tạ và các trò chơi dân gian truyền thống như: Tổ tôm điếm, cờ tướng, bắt vịt, chọi gà, cầu ô, biểu diễn võ thuật. Hiện nay, dân làng quy định 2 năm tổ chức lễ hội một lần vào các năm chẵn. Những năm lẻ dân làng chỉ tế lễ tại di tích. Có thể nói, lễ hội và những sinh hoạt văn hoá tại Đền, chùa Ngọc Tỉnh tuy chỉ bó hẹp trong phạm vi làng, với những lễ nghi đơn giản nhưng phần nào phản ảnh được truyền thống uống nước nhớ nguồn, lòng tri ân của dân làng với những người có công với dân, với nước. Đây không chỉ là nét đẹp văn hoá mà còn là môi trường để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.
Đền, chùa Ngọc Tỉnh được xây dựng trên một khuôn viên rộng 3390m², quay hướng Nam, bên cạnh là đường liên huyện, phía sau là tỉnh lộ 487 rất thuận lợi cho việc phát huy giá trị di tích. 
Trên mặt bằng tổng thể, khu di tích gồm các hạng mục công trình: nghi môn, đền, chùa, phủ, nhà tổ, sân, tháp mộ, nhà khách trong một khuôn viên khép kín. Nghi môn được xây ở vị trí phía Tây, vuông góc với khu di tích, sát đường Nam Ninh Hải (đường liên huyện). Công trình xây năm 2008, theo kiểu cổ đẳng 2 tầng 8 mái. Phần cổ đẳng mặt trước nhấn nổi 3 chữ Hán “Ngọc Liên môn” (cửa Ngọc Liên), mặt trong 3 chữ “Đại từ môn” (cửa từ bi rộng lớn). Nối liền nghi môn là hệ thống tường bao khép kín bảo vệ di tích. 

Toàn cảnh đền, chùa Ngọc Tỉnh
Phía trước đền, chùa, phủ là ao xây kè và khoảng sân rộng 370m2, lát gạch giếng đáy. Đây là sân chung cho các hạng mục đền, chùa, nhà tổ và nhà khách. Nhà khách xây dụng năm 2009, quay hướng Tây, vuông góc với nhà Tổ. Công trình có 6 gian, tường xây, bộ vì, hoành, rui bằng gỗ, nền lát gạch, mái lợp ngói nam. Bên cạnh đó là hệ thống khu tháp mộ cùng khuôn viên cây xanh tăng thêm không gian cho di tích. 
Đền nằm bên phải khu di tích, kiến trúc hình chữ “nhị”, gồm 3 gian tiền đường và 3 gian cung cấm, xây kiểu cuốn vòm. Trên mái hiên tiền đường là hệ thống lan can trang trí hoa văn hình học, chính giữa đắp cuốn thư nhấn nối 3 chữ Hán “Ngọc linh từ” (ngôi đền quý). Toà cung cấm được ngăn cách với tiền đường bằng hệ thống cột trụ. Đây là nơi đặt khám và ngai thờ đức Linh Lang đại vương và Thục Phán An Dương Vương. 
Chùa Ngọc Tỉnh ở vị trí trung tâm, bên phải là đền, bên trái là nhà tổ. Đây là công trình mới được phục dựng năm 2013 trên nền cũ, hoàn toàn bằng chất liệu gạch vữa và bê tông cốt thép. Chùa có bố cục mặt bằng kiểu chữ “đinh”. Tòa bái đường 5 gian, xây kiểu chồng lâu 2 tầng 8 mái. Mái tòa bái đường cùng với hoành, rui đều bằng bê tông, dán ngói nam. Đầu đao và bờ đao mái dưới đắp rồng, long mã, mái trên đắp phượng và rồng hóa. Bờ nóc đắp hình đài sen đỡ bánh xe pháp luân. Hệ thống cửa gỗ chạy suốt 5 gian, mỗi khoang 2 cánh dược chạm nổi đề tài tứ quý, đặt trên ngưỡng gỗ. Bộ khung tòa bái đường bằng chất liệu bê tông, cốt thép, liên kết bởi 6 bộ vì có kết cấu giống nhau. Bộ vì hai bên đầu hồi chính là đầu đốc. 4 bộ vì nóc giữa kết cấu kiêu “chồng rường, trụ non, câu đầu, kẻ ngồi, bẩy tiền. Vì hiên kiểu “kẻ ngồi”. Trên các cấu kiện của bộ vì đều được trang trí nổi hoa văn lá lật mềm mại. Bộ phận chịu lực chính của các bộ vì này là hệ thống cột. Mỗi bộ vì gồm 2 cột bê tông hình trụ tròn. Tại tòa bái đường, hai bên giáp tam bảo đặt hai pho tượng hộ pháp Khuyến Thiện và Trừng Ác bằng chất liệu bê tông, phủ sơn và tượng thánh hiền chất liệu gỗ sơn thếp. Gian giữa treo bức đại tự nhấn nổi 3 chữ Hán “Kim long tụ” (chùa Kim Long), 4 gian còn lại treo 4 bảng trà và bảng thang có nội dung chữ Hán ca ngợi công đức chư phật.
Tòa tam bảo làm giao mái với tòa bái đường, gồm 3 gian xoay dọc. Gian trong cũng thiết kế kiểu chồng lâu 4 tầng 16 mái, mái đổ bê tông, dán ngói nam. Phần cổ lâu mặt trước tầng trên cùng nhấn nổi 3 chữ Hán “Đại hùng bảo điện” (ngôi điện quý thờ các bậc đại hùng), các mặt còn lại để trơn. Toàn bộ tòa tam bảo liên kết bởi 3 bộ vì bằng chất liệu bê tông cốt thép, có kết cấu kiểu “chồng rường, trụ non, câu đầu, kẻ ngồi nâng đỡ các bộ vì và mái công trình là hệ thống cột hình trụ đặt trên chân tảng hình tròn 2 lớp. Tòa tam bảo xây bệ giật cấp, lát gạch, bày trí 7 lớp tượng thờ gồm 20 pho.

Cuốn thư “ Hộ quốc bảo dân” niên hiệu Bảo Đại 13 (1938)
Đền, chùa thôn Ngọc Tỉnh là nơi phụng thờ Đức thành Linh Lang Đại vương, Thục Phán An Dương Vương, thờ Phật, là không gian sinh hoạt tôn giáo của các sư, tín đồ và nhân dân địa phương. Phủ Ngọc Tỉnh nơi thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một nhân vật nửa phàm nửa tiên, xuất hiện từ thế kỷ 16 và trở thành thần chủ của tín ngưỡng thờ Mẫu, một tín ngưỡng bản địa của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh ý nghĩa là nơi thực hành nghi lễ và phục vụ đời sống tâm linh, trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đền, chùa Ngọc Tỉnh là nơi ghi nhận tội ác của quân giặc, khi chúng phá hủy di tích, lập bốt, bắt bớ, đàn áp nhân dân. Giai đoạn chống đế quốc Mỹ xâm lược, vào những năm cuối thập niên 60, đầu 70 của thế kỷ 20, đền, chùa Ngọc Tỉnh là địa điểm sơ tán của Uỷ ban hành chính xã Nam Lợi và kho Thương nghiệp huyện Nam Trực. Hiện nay, ngoài ngôi đền còn giữ nguyên hiện trạng kiến trúc xưa, thì chùa và phủ Ngọc Tỉnh mới được phục dựng thời gian gần đây. Tuy nhiên, các hạng mục công trình này vẫn bảo lưu được phong cách kiến trúc cổ truyền dân tộc. Giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật đền, chùa, phủ Ngọc Tỉnh không chỉ thể hiện ở kiểu dáng công trình, mà còn được phản ảnh rõ nét trong từng họa tiết hoa văn trang trí trên kết cấu kiến trúc như vì, cột, đao, xà và hệ thống thờ tự. Bên cạnh đó, tại di tích đền, chùa Ngọc Tỉnh hiện vẫn còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, đặc biệt là hệ thống sắc phong... Đền, chùa Ngọc Tỉnh được xếp hạng di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh năm 2017.


image advertisement

anh tin bai

anh tin bai



image advertisement
image advertisement


anh tin bai
anh tin bai







image advertisement
image advertisement

 anh tin bai

image advertisement



Video Sự Kiện
  • Tuần lễ Văn Hoá - Giáo Dục huyện Nam Trực - Nam Định lần thứ XII - Năm 2023
  • Các điển hình Dân vận khéo năm 2023 huyện Nam Trực
  • Hạ nhiệt mùa hè cùng ngành điện
  • Nam Trực - Điểm sáng trong phát triển sự nghiệp Thể dục - Thể thao
1 2 3