image banner
ĐẢNG BỘ,CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NAM TRỰC QUYẾT TÂM XÂY DỰNG HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO


image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đền, chùa thôn Nội, xã Nam Thanh
Lượt xem: 3861

Đền, chùa thôn Nội là nơi thờ Phật và Thánh tổ Nguyễn Minh Không; Nam Hải Phạn đại vương tức Thục Phán An Dương Vương; Đinh Chương Tấu đại vương, người đã có công cùng với Nam Hải Phạn đại vương đánh giặc Triệu Đà. Thánh tổ Nguyễn Minh Không là một vị Quốc sư thời Lý. Căn cứ vào thần tích và các tư liệu Hán Nôm cùng truyền thuyết địa phương. Dưới thời Lý, Nguyễn Minh Không đã về đất Bách Tính (Nam Hồng ngày nay) cắm đăng, đơm đó, làm nghề chài lưới để sinh sống. Ông thường xuôi theo dòng Ngọc Giang từ Bách Tính (Nam Hồng) xuống Cổ Lễ (Trực Ninh) để chài lưới, tại địa phận thôn Nội có một cồn cát cao ông thường dựng lều nghỉ ngơi và phơi lưới. Sau này gò đất có tên là gò Cánh Khe. Chính tại nơi đây sau này dân làng đã dựng chùa thờ Thánh tổ.

Bia đá “Thạch cước bia ký”, soạn khắc năm 1925

Nội dung văn bia nói về dấu chân đá của Đức Thánh tổ Nguyễn Minh Không

Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư tập 1 của NXb KHXH - năm 1998 thì Nguyễn Minh Không tên thật là Nguyễn Chí Thành sinh ngày 14 tháng 8 năm Bính Thìn (1076) tại xã Điềm Xá, phủ Yên Khánh, nay thuộc tỉnh Ninh Bình. Cha là Nguyễn Tất Đạt nhà nghèo, lấy bà Lại Từ Hiền. Ông bà sinh được 4 người con trai và 2 người con gái. Khi ông bà sinh 2 con trai đầu là Nguyễn Chí Cần, Nguyễn Chí Đức thì tại quê nhà liên tiếp mất mùa và sảy ra dịch bệnh nên gia đình phải đi kiếm ăn nơi xa .. Ngày 14 tháng 9 niên hiệu Thái Minh 5 (1076), người con thứ ba là Nguyễn Chí Thành đã sinh tại chùa Hán Lý thuộc huyện Vĩnh Lại (Hải Dương). Vài năm sau, ông Đạt lại đưa gia đình về sống tại quê hương với nguồn sống chính là nghề chài lưới. Gia đình ông Đạt làm ăn ngày càng khá giả nên các con đều được đi học. Chí Thành là người học giỏi, văn võ song toàn. Chí Thành không đi theo con đường học vấn, thi đỗ ra làm quan, mà chuyên sâu nghiên cứu về đạo Phật. Khi mới xuất gia, Chí thành và Giác Hải theo học nhà sư Giác Không. Ông được thầy Giác Không đặt tên hiệu là Không Lộ. Năm Canh Tý (1120) Minh Không gặp nhà sư Từ Đạo Hạnh ở chùa Thụy Quế thuộc phủ Quốc Oai. Ba ông Minh Không, Giác Hải, Từ Đạo Hạnh gặp nhau đã kết nghĩa làm anh em. Các ông lại dùng thuyền đi ngược lên miền sông Đà vào đất Vân Nam, từ đó qua đất Kim Si tới Miến Điện để vào đất Thiên Trúc. Năm Thiên Phù thứ tư (1124), Minh Không sang Trung Quốc khuyên giáo đồng đem về nước để tạo Đại nam tứ khí (Tượng Phật, Hồng Chung, cái đỉnh, cái vạc). Công quả hoàn thành sư làm một bài tán rằng:

Lạp phù việt đại hải

Nhất tức vạn lý trình

Tống đồng nhất lang tận

Phấn tý thiên câu lực.

Dịch nghĩa:

Nón nổi vượt biển cả

Một hơi muôn dặm đường

Một đãy sạch đồng Tống

 Dang tay sức ngàn ngựa.

Năm 1136, Minh Không lên kinh kỳ chữa bệnh hoá hồ cho vua Lý Thần Tông. Để trả ơn, nhà vua đã phong cho ông là Đại pháp sư kiêm Quốc sư, cho hưởng thực ấp tới hàng vạn khoảnh ruộng. Thiền sư Nguyễn Minh Không mất ở xã Nghĩa Xá vạn Giao Thuỷ, nay là xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.

Ngai và bài vị thế kỷ 17, 18

Đền thôn Nội thờ Nam Hải Phạn đại vương và Đinh Chương tấu đại vương. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư” và “Ngọc phả tôn thần Nam Hải Phạn Đại vương Bản chính Quốc triều lễ bộ” thì thân thế và sự nghiệp của Nam Hải Phạn Đại vương được viết như sau: Vào cuối triều đại Hùng Vương, ở đất Ba Thục có vợ chồng ông Thục Hiền và bà Phạm Thị Phương. Ông Hiền là cháu ngoại vua Hùng, nên được phong làm bộ chủ Ai Lao. Một đêm, bà Phương mộng thấy mình cưỡi rồng bay lên thiên đình, được ban cho bảo kiếm, từ đấy mà có thai. Sau 13 tháng, đến ngày 12 tháng 2 năm Giáp Ngọ bà sinh con trai, diện mạo khôi ngô khác thường. Trong lúc trở dạ, khí lành đầy phòng, gió hương thơm ngát, ông Hiền liền đặt tên cho con là Phán, vì sinh Phán ở chùa nên gọi là Phạn. Năm Phán 10 tuổi đã biểu hiện trí thông minh sáng suốt, tài năng mưu lược, đáng là một bậc anh tài. Khi Thục Hiền mất, Thục Phán kế tiếp cha làm bộ chủ Ai Lao (làm chủ quận Ba Thục). Khi ấy, Hùng Duệ Vương ở ngôi được 15 năm mà không có người kế tục thì Thục Phán đem quân sang đánh. Biên cương gửi thư cấp báo, Duệ Vương nghe tin, liền vời con rể là Tản Viên Sơn Thánh đem quân chống lại. Sơn Thánh đặc biệt có tài thiêng, thuật lạ, cuối cùng cũng đánh bại được Thục Phán. Thục chủ thua to, chạy về đất Ba Thục. Sau nhiều lần đánh Hùng Vương thất bại, Thục Phán có công chiệt kẻ sĩ mưu trí, tập hợp dân lưu tán, tiến hành tuyển chọn người tài trong thiên hạ chờ ngày rửa nhục; còn Hùng Duệ Vương lại chủ quan, không sửa sang võ bị, chỉ ham ăn uống vui chơi. Đến năm (257 TCN), Thục Phán chỉnh binh tiến đánh, Hùng Duệ Vương thua to. Thục Phán lấy được nước, lên ngôi lấy hiệu là An Dương Vương, đặt quốc hiệu là Âu Lạc, đóng đô ở Phong Khê. Thục Phán ở ngôi được vài năm, vì kế thừa được nền móng của Hùng Vương nên nước mạnh, binh cường, lại thường xa giá chu du thiên hạ, đánh quỷ, phạt hổ mà chính sự vẫn cường thịnh. Vua cho đắp thành ở Việt Thường rộng nghìn trượng, cuốn tròn như hình con ốc nên gọi là Loa Thành. Thành này cứ đắp xong lại sụt, vua lấy làm lo. Sau được thần Kim Quy (Rùa vàng) giúp đỡ nên việc xây thành mới được hoàn thành. Thần Kim Quy còn tặng nhà vua móng thiêng. Vua sai bề tôi là Cao Lỗ làm nô thần, lấy móng rùa làm lẫy, đặt tên là Linh quang kim tráo thần nó. Năm  (210 TCN), Triệu Đà đem quân sang xâm lấn. Đà đóng quân ở núi Tiên Du đánh nhau với vua. Vua đem nỏ thần ra bắn, Đà thua chạy. Biết vua có nỏ thần, không thể địch nổi, Đà liền lui về giữ núi Vũ Ninh, sai sứ đến giảng hoà. Đà sai con là Trọng Thuỷ vào hầu, cầu hôn con gái vua là Mỵ Châu, được vua đồng ý. Trọng Thuỷ dụ Mỵ Châu cho xem trộm nỏ thần rồi ngầm bẻ gãy lấy nó, thay cái khác vào. Sau đó Trọng Thuỷ giả vờ về Bắc thăm cha mẹ, bảo Mỵ Châu rằng: “Ân tình vợ chồng không thể quên nhau, nếu nỡ hai nước bất hoà, Nam Bắc cách biệt, ta lại tới đây thì làm thế nào mà tìm thấy nhau ”. Mỵ Châu nói: “Thiếp có cái nệm gấm lông ngỗng, thường mang theo mình, đi đến đâu thì rút lông ngỗng rắc ở chỗ đường rẽ để làm dấu”. Trọng Thuỷ trở về, báo cho Triệu Đà biết, Năm (208 TCN), Triệu Đà lại phát binh sang xâm lược, vua dùng nỏ thần bắn nhưng nỏ hỏng, binh bại. Vua thua chạy, để Mỵ Châu ngồi trên ngựa, cũng chạy về phía Nam. Trọng Thuỷ nhận đầu lông ngỗng đuổi theo… Vua chạy đến bờ biển, hết đường mà không có thuyền, liền gọi rùa vàng đến cứu. Rùa vàng nổi lên mặt nước, mắng rằng: “Kẻ ngồi sau ngựa là giặc đấy, sao không giết đi?”. Vua rút gươm chém Mỵ Châu, máu chảy loang mặt nước, loài trai nuốt vào bụng hoá thành hạt minh châu. Vua cùng rùa vàng rẽ nước xuống biển mà mất, vào ngày 10 tháng 10. Sau khi vua mất thì rất linh thiêng, làm thần biển Nam, nhân dân địa phương lập miếu, ghi thần hiệu phụng thờ. Trải qua các đời Lê, Nguyễn đều có sắc phong cho thần với duệ hiệu là Nam Hải Phạn đại vương.

Ngai thờ Nam Hải Phạn đại vương

và Đinh Chương tấu đai vương

 Đinh Chương tấu đại vương, theo truyền thuyết tại địa phương thì ông cũng là tướng dưới thời vua Hùng. Ông đã cùng Nam Hải phạn đại vương đánh giặc Triệu Đà. Sau khi mất, ông cũng hiển linh, giúp nước, cứu dân trong bản xã. Tại đền còn lưu giữ 02 đạo sắc phong có hiện hiệu Khải Định 9 (1924) ghi như sau: “Sắc Nam Định tỉnh, Nam Trực huyện, Nhương Nam xã, Trung thôn phụng sư Đinh Chương Tấu tôn thần, hộ quốc tí dân nẫm trứ linh ứng. Tứ kim chính trị Trẫm tứ tuần đại khánh, tiết kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật, trứ phong vi Đoan túc dực bảo trung hưng tôn thần, chuẩn kỳ phụng sự thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân”.

Dịch nghĩa:

 “Sắc thôn Trung, xă Nhương Nam, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định phụng thờ tôn thẩn Đình Chương Tấu, giúp nước cứu dân linh thiêng ứng nghiệm rõ rệt. Nay gặp dịp Trẫm mừng thọ 40 tuổi, đã từng ban tặng bảo chiếu, long trọng làm lễ tăng thưởng phẩm trật, phong tặng rõ ràng là tôn thần Dực bảo trung hưng, ngay thẳng cung kính, chuẩn cho phụng thờ thần, thần sẽ che chở, bảo vệ dân ta”.

Nam Thanh, miền quê còn lưu giữ được nhiều nét sinh hoạt văn hoá dân gian của cư dân nông nghiệp vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng. Hàng năm, tại đền, chùa thôn Nội nhà sư, tín đồ phật tử cùng nhân dân địa phương thường tổ chức 2 kỳ lễ hội: lễ hội tháng 2 và lễ hội tháng 9 liên quan đến các vị thần thờ tại di tích và các sự kiện của làng, xã.

Lễ hội tháng 2 (Lễ hội bánh dầy), diễn ra vào các ngày 11,12,13 tháng 2 (ÂL). Công tác chuẩn bị lễ hội diễn ra từ nhiều ngày trước, dân làng đã có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt như: dựng cột cờ, trồng kiệu.. . Làng tuyển chọn người rước kiệu, phải là những người khỏe mạnh và ăn chay, thanh tịnh từ trước đó nhiều ngày. Sáng sớm ngày mồng 10, nhà sư cùng các vị cao niên trong làng làm lễ “canh y mộc dục”. Đây là nghi lễ thay áo cho thiền sư Minh Không, là nghi lễ hết sức trang nghiêm trong mỗi dịp tổ chức lễ hội. Thường dùng nước nấư với các vị trầm hương, đinh hương, long não, quế chi để tắm cho tượng và bao sái đồ thờ tự. Chiếc áo cũ được xé ra mỗi người lấy một mẩu đưa về làm khước để trừ mọi rủi ro.

Ngày 12 tổ chức rước kiệu quanh thôn. Đi đầu đám rước là người cầm cờ hội, rồi đến hai hàng cờ ngũ sắc, tiếp đến là chiêng, trống, bát biểu và phường bát âm. Sau hai hàng bát biểu là kiệu hương án, rồi đến kiệu long đình, kiệu Thánh Tổ, kiệu Phật…hai bên kiệu còn có cờ, quạt vả, tàn lọng, Theo sau kiệu là các vị chức sắc, dân làng cùng khách thập phương tham dự. Đoàn rước kéo dài với không khí vừa trang nghiêm vừa sôi động. Những âm thanh của chiêng, trống hoà với tiếng kèn, tiếng nhị và tiếng hô, gọi của người chỉ huy khiêng kiệu khiến cho không khí ngày hội thêm tưng bừng náo nhiệt. Sau khi đám rước về đến đền, chùa các cụ cao niên tổ chức văn tế chính uy nghiêm, ôn lại truyền thống và công lao của hai vị Thành hoàng, của Đức Thánh Tổ.

Sau khi đọc văn tế, dân làng và khách thập phương dâng hương hoa, lễ vật bánh dầy lên Thánh Tổ, cầu cho làng xóm yên vui, mùa màng tươi tốt, nhà nhà an khang thịnh vượng, con cái trưởng thành, anh em hòa thuận… Công việc làm bánh dầy dâng Thánh được chuẩn bị từ trước rất công phu. Ngay từ khi thu hoạch vụ mùa, bà con đã chọn ra loại thóc nếp tốt để riêng. Sau đó, đưa nếp ấy ra giã thật trắng, nhặt hết những hạt lép, hạt đen rồi đưa đến góp cho giáp của mình. Theo quy định thì nhà có bao nhiêu con trai phải góp bấy nhiêu đấu gạo. Nước làm bánh phải thật trong, sạch sẽ. Việc đồ xôi cũng phải thật khéo, trong lúc giã bánh để cối khỏi xê dịch vì những nhịp chày giã nhanh và mạnh, người ta chôn cối sâu xuống dưới đất một đoạn, nhưng không quá sát mặt đất cho đảm bảo vệ sinh. Chày giã bánh được làm bằng tre non nạo hết tinh, nhúng nước, xoa trứng vào cho khỏi dính. Người được giao mọi nhiệm vụ bắt bánh, tay cũng phải xoa dầu lạc thật kỹ để đầu thấm sâu vào da mới không bị dính. Bánh được giã càng nhiều càng dẻo, càng ngon, nhưng đây là công việc nặng nhọc, đòi hỏi phải có kỹ thuật nên cần sự cố gắng cao của mọi người. Khi bánh đã nhuyễn, người ta vớt bánh ra khỏi cối và nặn thành những chiếc bánh nhỏ như phẩm oản rồi đặt trên lá mít được cắt tròn. Bánh càng dẻo, càng trắng, càng tròn, căng lì bóng, không có một nếp gợn thì được xem là bánh đạt tiêu chuẩn. Hàng trăm chiếc bánh đều đặn như thế được đặt trên ban thờ trông rất đẹp mắt.

 Lễ hội tháng 9 (Lễ hội kỷ niệm ngày sinh của Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không) diễn ra từ ngày 13 đến 15 tháng 9. Vào dịp này, nhà sư trụ trì cùng các cụ cao niên trong thôn làm lễ tế, dâng hương và lễ vật (gồm đăng, trà, quả, thực.. .) lên Đức Thánh Tổ. Đó là tấm lòng của dân thôn dâng lên Thánh để cầu mong mọi sự tốt lành. Trong những ngày diễn ra lễ hội, ngoài các nghi thức dâng hương, tế lễ còn có nhiều sinh hoạt văn hoá, trò chơi dân gian đặc sắc như: kéo co, bắt vịt, tổ tôm điếm...Nhưng đặc biệt hơn cả là thi bơi chải, tổ chức trò chơi bơi trải tại lễ hội chùa Nội là để ôn lại buổi thiếu thời của Quốc sư Minh Không. Mỗi trải có 12 mái chèo, đồng thời quy định nhiệm vụ của các mái, sao cho khi vào cuộc phải hoà nhập, đưa con thuyền nhẹ bay trên sông, an toàn về đích. Các chân chèo phải là người có sức khoẻ, dẻo dai và có kinh nghiệm khi bơi. Trang phục là quần áo truyền thống, đầu quấn khăn vàng hoặc đỏ. Riêng người cầm lái thắt lưng bỏ múi một bên, đầu quấn khăn đỏ hoặc vàng. Một người tay gõ mõ, miệng hò những câu ngắn theo nhịp mõ, các mái chèo theo nhịp của người này. Dưới sông, các chải lao vun vút như tên, trên bờ tiếng hò reo, cổ động của hàng ngàn người dọc hai bên bên sông để cổ vũ, động viên. Không khí thật tưng bừng náo nhiệt. Những trò chơi, sinh hoạt văn hoá truyền thống trong lễ hội đã tạo ra một bức tranh quê sống động mang đậm nét đặc trưng của dân tộc. Với tính chất của một dạng sinh hoạt cộng đồng, lễ hội đã làm cho con người càng gắn kết với nhau hơn, người xa quê thì nhớ, người ở quê thì tự hào. Để rồi, sau lễ hội mỗi người lại mang cái không khí vui vẻ, yêu đời ấy vào công việc của mình, xây dựng quê hương, đất nước ngày một giàu đẹp. Đồng thời, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn các giá trị văn hoá phi vật thể của bao thế hệ cha ông đã dày công xây dựng, vun đắp và giữ gìn.

Đền chùa thôn Nội được xây dựng quay theo hướng Tây, trên một khu đất rộng 3 mẫu Bắc Bộ. Di tích gồm các hạng mục công trình: Tam quan, đền, chùa, phủ, nhà tổ.

 

Bia đá “Hưng tạo Thần Quang Tây tự bia ký”

soạn khắc triều Lê, niên hiệu Đức Long 7 (1635)

Công trình kiến trúc chùa được dựng ở chính giữa theo kiểu “tiền chữ nhất, hậu chữ đinh” với các hạng mục: tiền đường, trung đường, tam bảo và cung cấm.

Đền được dựng về phía bên phải của chùa theo kiểu chữ “nhị”. Bờ nóc tiền đường trang trí họa tiết lưỡng long chầu nhật, hai đầu hồi xây bờ bảng. Trung  đường gồm 3 gian xây kiểu bổ trụ cuốn vành mai. 

Đền, chùa thôn Nội là nơi thờ Phật, thờ Thánh tổ Nguyễn Minh Không một vị Quốc sư thời Lý, là người đắc đạo, giỏi pháp thuật, có thể hàng long, phục hổ, nơi thờ thành hoàng làng Nam Hải Phạn đại vương tức Thục Phán, An Dương Vương một vị vua anh dũng, người có công xây dựng đất nước Âu Lạc thành một nước hùng mạnh thời bấy giờ; thờ Đinh Chương Tấu đại vương người đã có công cùng với Nam Hải Phạn đại vương đánh giặc Triệu Đà.

Trong các phong trào cách mạng và kháng chiến chống thực dân Pháp, đền, chùa thôn Nội trở thành địa điểm ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng của địa phương góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc. Đặc biệt trong giai đoạn tiền khởi nghĩa (1936 -1939) đền, chùa thôn Nội là cơ sở an toàn, tin cậy cho nhiều cán bộ, Đảng viên về hoạt động và chỉ đạo phong trào kháng chiến. Trong giai đoạn hai năm bốn tháng (tháng 10/1949 đến tháng 02/1952), là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng về hoạt động tại địa phương. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ là nơi sơ tán của trụ sở làm việc của huyện Nam Ninh.

 Công trình kiến trúc đền, chùa thôn Nội hiện vẫn bảo lưu được những giá trị kiến trúc truyền thống. Tại di tích còn lưu giữ được một số di vật, cổ vật có giá trị như: bia đá, tượng thờ, trống đồng...thể hiện sự nâng niu, trân trọng và quyết tâm bảo tồn những di sản văn hoá quý báu mà cha ông để lại. Bên cạnh những giá trị về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, di tích đền, chùa thôn Nội còn là nơi lưu giữ được lễ hội truyền thống diễn ra vào mùa xuân và mùa thu. Qua mỗi kỳ lễ hội, người dân địa phương lại có dịp hướng về cội nguồn để tri ân công đức những người có công và cùng nhau góp sức xây dựng quê hương, làng xóm. Đó là nét đẹp văn hoá dân gian đặc sắc được lưu truyền ở một làng quê vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng. Đền, chùa thôn Nội được xếp hạng di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh năm 2012.

image advertisement

anh tin bai

anh tin bai



image advertisement
image advertisement


anh tin bai
anh tin bai







image advertisement
image advertisement

 anh tin bai

image advertisement



Video Sự Kiện
  • Xã Hồng Quang tổ chức lễ ra mắt mô hình Chính quyền thân thiện
  • Áp dụng tư tưởng Dân vận khéo "Việc gì cũng thành công" trong công tác Giải phóng mặt bằng
  • Giao lưu nghệ thuật quần chúng huyện Nam Trực 2024
  • Tuần lễ Văn Hoá - Giáo Dục huyện Nam Trực - Nam Định lần thứ XII - Năm 2023
1 2 3