image banner
ĐẢNG BỘ,CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NAM TRỰC QUYẾT TÂM XÂY DỰNG HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO


image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
ĐỀN ĐÔNG, THÔN NGỌC THỎ, XÃ TÂN THỊNH
Lượt xem: 2336

         Đền Đông thờ Tiến sĩ Đặng Phi Hiển, đền được xây dựng sau khi Tiến sĩ Đặng Phi Hiển qua đời, ông được nhân dân địa phương tôn thành Thành hoàng làng.

Tiến sĩ Đặng Phi Hiển sinh ngày 9 tháng 9 năm 1603 tại làng Thụy Thỏ, huyện Giao Thuỷ, nay là thôn Ngọc Thỏ, xã Tân Thịnh.

Từ nhỏ Đặng Phi Hiến đã nổi tiếng thần đồng, thông minh, ham học. Năm Vĩnh Tộ 10 (1628) đời vua Lê Thần Tông, ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân Đệ nhất danh khi tròn 25 tuổi, được bổ làm quan ở Trung thư giám; Nơi giữ việc biên chép kim tiền, ngân tiền, viết chế biểu, giản, văn tế các đền miếu của quốc gia

Ngai và bài vị thờ Tiến sĩ Đặng Phi Hiển

Là người mẫn tiệp, ông luôn tỏ rõ năng lực trong mọi công việc. Tiến sĩ đã phụng soạn nhiều ngọc phả, thần phả có giá trị về lịch sử cũng như văn chương. Bước đường hoạn lộ của Tiến sĩ vào thời đất nước có nhiều biến cố lịch sử thật không dễ dàng. Lúc đó (1592) nhà Mạc đã suy yếu nên chúa Trịnh ngày một chuyên quyền và càng lấn át vua Lê. Trịnh Tùng bức tử vua Lê Kính Tông, lập Lê Duy Kỳ (Thần Tông) lên làm vua, khi ấy Duy Kỳ 12 tuổi. Trịnh Tráng nối nghiệp, năm Canh Ngọ ép gả con của Chúa đã có chồng 4 con (Chồng là Lê Trụ đang bị tội giam trong ngục) để lập làm Hoàng hậu; Cho người sang nhà Minh cầu phong để được làm An Nam phó quốc vương và gấp rút chuẩn bị đánh chúa Nguyễn ở đằng trong.

Đặng Phi Hiển đã từng chứng kiến những lần ác chiến của cuộc Trịnh -Nguyễn phân tranh. Trước hoàn cảnh ấy, bọn khâm sai và võ tướng phần nhiều cậy thế có công, được thân cận với vua và chúa, ít chịu tuân theo chiếu chỉ, mệnh lệnh, thường lấy lạm của dân mỗi khi huy động sức người, sức của cho triều đình, ăn hối lộ, làm biết bao nhiêu người, bao nhiêu gia đình phải điêu đứng bởi những bất công. Trước thực trạng nhũng nhiễu ấy, năm 1632 triều đình Lê - Trịnh buộc phải bãi chức một số quan lại cao cấp, nhằm răn đe những kẻ hối lộ chuyên quyền. Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì “Mùa hạ, tháng tư, bãi chức Nguyễn Tuấn và Nguyễn Lại. Bấy giờ, bọn Lại bộ Tả thị lang là Nguyễn Tuấn và Hữu thị lang (bộ Lại) là Nguyễn Lại, khi tuyển bổ các chức thường hay nhũng lạm. Quan triều là Nguyễn Thực và Nguyễn Khải họ bị bãi chức”. Nhưng rồi lại cho một số tiếp tục công việc, như đổi ngang chức cho Trần Nghi ra làm Tham Chính xứ Sơn Tây. Bổ nhiệm thêm quan chức có năng lực như “đưa Phạm Phúc Khánh lên làm Hiến sát xứ Lạng Sơn, Đặng Phi Hiển làm Hiến sát xứ Tuyên Quang”. Ở Tuyên Quang, Đặng Phi Hiển là một vị quan thanh liêm mẫn cán, rất quan tâm đến đời sống của dân chúng, nhất là đồng bào dân tộc ít người. Ông có công lớn trong việc tiễu trừ giặc phỉ ở phương Bắc, giữ yên cuộc sống nơi biên thuỳ. Với tài văn võ song toàn, ông còn trước tác tập "Bắc sơn hành ký”.

Sau những lần ác chiến, quân chúa Nguyễn rút khỏi 7 huyện của Nghệ An, Đặng Phi Hiển được cử làm trấn thủ Thanh Hóa vào năm 1663 để ổn định biên giới phía Tây. Ở đâu ông cũng lập được công trạng và được nhân dân quý trọng. Tại đây ông còn sáng tác “Nam du tập”

Khi về làm quan nội triều ông được giao phụng soạn nhiều văn bản của triều Lê Thần Tông.

Hiện trong đền thờ vẫn còn đôi câu đối khẳng định công lao của Tiến sĩ:

Phiên âm :

Trấn Tây thanh trực nhân vô đối

Khổng Bắc công huân thế hãn tầm

Tạm dịch :

Vâng lệnh trên giữ gìn cõi Tây, tiếng liêm trực đời không kể sánh

Phụng lệnh vua dẹp yên phương Bắc, nổi công lao thuở ấy ai bằng.

Do có nhiều công lao, ông được phong Đông các Đại học sĩ Thượng trụ quốc. Lúc đã cao tuổi, triều đình còn cử ông ra đảm trách việc sửa sang xây dựng đền vua Đinh, đền vua Lê ở cố đô Hoa Lư. Tuy tuổi cao, sức yếu ông vẫn cố gắng hoàn thành công việc bằng cả tấm lòng tôn kính đối với Đinh Bộ Lĩnh, người đã có công dẹp loạn 12 sứ quân thống nhất sơn hà, dựng lên kỷ nguyên độc lập, đặt tên nước ta là Đại Cồ Việt. Ông đã làm đôi câu đối để tỏ lòng ngưỡng mộ Đinh Tiên Hoàng:

Phiên âm :

Bình nội loạn, chế triều nghi, chính thống sơ khai tề Bắc địa;

Định đô thành, miễn thuế lệ, hoàng cương thủy kiến tại Nam thiên.

Tạm dịch :

Dẹp nội loạn, định kỷ cương, mở nền độc lập sánh ngang đất Bắc

Lập đế đô, miễn sưu thuế, xây dựng cơ đồ lừng lẫy trời Nam.

Đặng Phi Hiển là người luôn gắn bó với quê hương, ông đã sáng tác nhiều bài thơ về quê hương Nam Định như: Quá Trần miếu lưu đề; Cường Bạo đại vương; Mộ vọng tây dã; Huyền Trân công chúa; Tiên Sơn tự ...

Ngày 21 tháng 3 năm 1678 Tiến sĩ Đông các Đại học sĩ Đặng Phi Hiển qua đời. Để tỏ lòng thương tiếc vô hạn vị Đại khoa công thần đã có nhiều công sức với triều đình và dân tộc, vua Lê đã nhiều lần ban tặng sắc phong.

"Đoan túc dực bảo trung hưng Lê triều Mậu Thìn Tiến sĩ Đông các Đại học sĩ Thượng trụ quốc Vệ Thụy Đặng Phi Hiển tướng công"

(Nghiêm trang đứng đắn Phò giúp cơ đồ nhà nước, đỗ tiến sĩ khoa Mậu Thìn chức Đông các Đại học sĩ là quan có quyền cao chức trọng được phong Vệ Thụy hầu là tướng công Đặng Phi Hiển).

              Toàn cảnh đền Đông

Đền Đông, thôn Thụy Thỏ thời Lê thuộc huyện Giao Thuỷ xứ Sơn Nam Hạ, sang đến thời Nguyễn mới cắt về huyện Nam Chân (Nam Trực). Đền được xây theo hướng Đông Nam, phía trước có hồ nước, rồi đồng lúa bát ngát, xa hơn là dòng sông Hồng đỏ lặng phù sa. Cổng đền có kiến trúc theo kiểu nhà chè, có mái che giả ngói ống, đao mái, giữa mái có mặt nguyệt. Câu đối ở cổng ghi :

Công tại Lê triều danh tại sử

Sinh vi lương tướng từ vi thẩn.

Tạm dịch :

Công ở triều Lê, tên trong sử ;

Sống là tướng giỏi, thác là thần.

(Sân đền có vườn hoa, chính giữa là bức bình phong xây gạch vữa Thiệu Trị ban chữ);

Thế đại canh thiên từ nhược cựu ;

 Nhân tâm hoán cải đức trường lưu

Tạm dịch

 Thời cuộc dù thay đổi thì đền vẫn thế;

 Lòng người dù có khác nhưng đức mãi vẫn còn ).

Kiến trúc đền theo kiểu tiền nhất, hậu đinh; Với ba gian tiền đường, ba gian trung đường và một gian chính tẩm.

Tiền đường được xây lại vào năm Bảo Đại thứ 7 (1932) theo kiểu Cột gạch, vòm cuốn, mái lợp ngói nam. Cửa toà tiền đường cuốn vòm để trống phía trước và hai đốc hai bên. Trên nóc mái tiền đường có đôi rồng chầu mặt nguyệt. Trên trần vòm có vẽ vân ám, rồng phượng màu sắc rực rỡ, sinh động, uy nghi. Tại đây có treo 3 bức đại tự với nội dung

Chính giữa

Nguyên viễn lưu trường

Bên phải

Tứ triều huân quốc

Bên trái là

Lưỡng quốc khoa danh

Dưới có câu đối

Tô nguyên Đặng tộc Sài Sơn bắc

Lê thuỷ lai cư Trực hãi nam.

 Tạm dịch:

Nguồn gốc họ Đặng xưa ở Sài Sơn phương Bắc ;

Triều Lê mới đến vùng Trực cõi Nam hải này

 Trung đường xây liền kề với tiền đường, được ngăn cách bằng hệ thống cột lim. Toà trung đường có kiến trúc gỗ cổ truyền theo lối chồng giường đấu rế, có bốn bộ vì kèo để đỡ mái nằm trên 14 cột gỗ lim được kê trên các chân tảng đá xanh. Bốn vì kèo được chạm khắc theo phong cách thời Nguyễn với đề tài chữ triện, lá lật Chính giữa có bức đại tự sơn son thiếp vàng khảm trai có bốn chữ: "Khí tác sơn hà". Liền với toà trung đường là chính tẩm được bố trí theo chiều dọc, giao mái bắt vần với mái trung đường, mái lợp ngói nam. Trên bệ gạch cuốn trong chính tẩm đặt khám, bài vị thờ Tiến sĩ Đặng Phi Hiển.

 Đền Đông hiện còn lưu nhiều hiện vật có giá trị như câu đối, đại tự, nhang án...Đặc bia là bia đá dựng ngày 15 tháng 3 năm Duy Tân thứ 6 (1912), nội dung văn bia do Tú tài khai khoa Đặng Phúc Thủy kính soạn có nội dung:

Bản dịch bia:

Đền Đông bia để muôn đời

Trong khoảng trời đất còn được lâu dài có áng văn thơ, trong áng văn thơ thì chữ khắc trên bia đá là lâu dài hơn tất cả. Ở trong họ ta có ông văn mỗ đậu Đệ tam giáp tiến sĩ đệ nhất danh năm Lê Vĩnh Tộ thứ 10, làm quan đến Đông các Thượng trụ quốc, tước Hầu, công lao trải qua bốn triều mọi người đều sùng bái ngưỡng mộ. Đến cuối triều Lê, sông lở nhân dân phần nhiều rời đi nơi khác, họ ta có chi Giáp là ở lại, ông Đặng Phi Hiển thì đến ở xã Liên Tỉnh) sinh được 6 con trai đều hiển đạt, khoảng niên đại Gia Long (1802 - 1819) thì trở về quê cũ. Sau gặp thời loạn mà thất lạc mất phả ký, vì vậy thứ tự và sự tích chỉ còn là giấc mơ.

 Tiên công ta lúc sống có 24 đạo sắc phong, nhưng nay chỉ còn một đạo Phúc Thái năm thứ 3 (1645) lưu truyền để làm của báu trong nhà…. Đến triều ta năm Thành Thái thứ 3 (1891) tưởng vọng ơn thần được ban sắc mới, noi theo việc cũ tặng thứ bậc cùng đạo cũ sáng đẹp thêm.

Từ đó cầu đảo ngày thêm linh thiêng, thơ thấy rõ trên đầu bút lông thỏ, lời nói trông tại quê bói rùa thần, ơn đã  ban ra cả họ, đức lại trùm khắp trong dân, trông với lấy để làm tia hy vọng như núi cao, như sao Đẩu, ai cũng nghĩ như nhau. Rồi từ đó trưởng chi Bính là Đặng Nhã cùng Đặng Thường, Đặng Chiêu, Đặng Tài, Đặng Phác và nội ngoại các chỉ nối tiếp cùng với quê hương ra sức tu sửa miếu ở phía bắc xã, qua một tháng thì xong bấy giờ là tiết Trùng cửu năm Thành Thái thứ 10 (1898). Lớn lao thay, cung tường cao đẹp, phân kim theo hướng Đông, phía trái có càn sơn dẫn mạch, bên phải có tổn thủy chảy về, khí tốt vẻ thiêng liêng, phong độ văn nhân lừng lẫy.

Do thế nên viết ra để cùng với bia Quốc thử giám triều Lê còn mãi.

Bài minh rằng:

Hỉ có đá núi

Mượn đá khắc lời

Lời minh còn đó

Đá lấy lời nêu

Như núi trông vời

Đá còn để mãi

Sáng trước tốt sau

Nghiệp văn lại mới

Bia dựng ngày 15 tháng 3 năm Duy Tân thứ 6 đỗ khoa Quý Mùi Tú tài khai khoa Đặng Phúc Thuỷ kính soạn.

Bia đá thời Nguyễn

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, địa phương đã dựa vào Đền Đông là nơi hẻo lánh, cây cối um tùm để đào hầm bí mật, cất giữ tài liệu, nuôi dấu cán bộ. Đền Đông cũng là địa điểm đầu mối liên lạc kháng chiến qua sông Hồng sang đất Thái Bình. Cuộc kháng chiến phát triển, đền Đông là nơi tập kết của dân quân du kích đi phá tề, trừ gian. Nơi đây cũng chính là địa điểm hội họp của Chi bộ Đảng ở địa phương để lãnh đạo nhân dân kháng chiến. Hoà bình lập lại, đền Đông là nơi hội họp của đội sản xuất, của chi bộ để lãnh đạo dân trong sản xuất và chiến đấu chống Mỹ. Cũng chính nơi đây đã chứng kiến những lần tiễn đưa con em Ngọc Thỏ lên đường tòng quân giết giặc. Những năm chiến tranh phá hoại của Mỹ, đền Đông là nơi tập kết của trường Trung cấp Kiến trúc Nam Hà thời kỳ sơ tán.

Lễ hội truyền thống Đền Đông hàng năm được tổ chức hai kỳ lễ vào (ngày mất) 21 tháng 3 (ngày sinh) 9 tháng 9 của Tiến sĩ. Lễ hội chính, được tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày mất của Tiến sĩ tháng 3 âm lịch là thời gian nông nhàn trong năm. Chuẩn bị mở hội các vị có chức sắc trong làng đều ăn chay trước ngày vào lễ. Trong ngày hội có hát chèo, hát ca trù với nội dung ca ngợi công đức của Thần Đặng Phi Hiển và nhiều trò chơi dân gian như đánh cờ người, tổ tôm điếm, đấu vật, bịt mắt bắt vịt... Đặc biệt, trong lễ hội có lệ thổi cơm thi. Vào ngày 21 tháng 3, sáu chi họ Đặng trong làng đều tham dự. Mỗi chi cử hai người ăn mặc theo lối truyền thống, đầu chít khăn đỏ, mặc áo dài đen, quần trắng, thắt lưng xanh. Một người gánh, một người đốt lửa. Người gánh bước vào sân, một bên là nồi cơm, còn bên kia là thùng nước. Người thứ hai đốt đuốc nấu cơm. Họ đi theo nhịp trống, đuốc cứ đốt cho đến khi cơm chín. Chi nào cơm chín trước thì thắng cuộc và chi ấy vinh dự được làm chủ tế trong năm. Đây là một tục lệ truyền thống văn hoá được dân làng yêu thích, đã được tuân theo từ bao đời. Tục lệ này góp phần tạo ra sự thành công của lễ hội và thành di sản văn hoá của quê hương Ngọc Thỏ.

Với những giá trị về Lịch sử - Văn hóa, đền Đông được xếp hạng di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh năm 1996.

image advertisement

anh tin bai

anh tin bai



image advertisement
image advertisement


anh tin bai
anh tin bai







image advertisement
image advertisement

 anh tin bai

image advertisement



Video Sự Kiện
  • Tuần lễ Văn Hoá - Giáo Dục huyện Nam Trực - Nam Định lần thứ XII - Năm 2023
  • Các điển hình Dân vận khéo năm 2023 huyện Nam Trực
  • Hạ nhiệt mùa hè cùng ngành điện
  • Nam Trực - Điểm sáng trong phát triển sự nghiệp Thể dục - Thể thao
1 2 3