image banner
ĐẢNG BỘ,CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NAM TRỰC QUYẾT TÂM XÂY DỰNG HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO


image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đình, chùa, miếu thôn Rạch xã Hồng Quang
Lượt xem: 2430
Đình, chùa, miếu thôn Rạch thờ Phật, thờ các vị: Đương cảnh Thành hoàng Linh ứng chi thần, Đông Hải Đại vương Đoàn Thượng, Cao Sơn Đại vương...
Đương cảnh Thành hoàng Linh Ứng Đại vương tức Tứ Dương hầu Phạm Tử Nghi, một dũng tướng dưới triều nhà Mạc. Ông là người trung quân ái quốc. Khi vua Mạc Phúc Hải mất, con nối ngôi là Mạc Phúc Nguyên còn nhỏ, Tứ Dương hầu Phạm Tử Nghi đã chủ trương lập Hoàng vương Mạc Chính Trung (con thứ hai của Mạc Đăng Dung) là người từng trải qua nhiều chiến trận, lập nhiều công tích lên làm vua. Nhưng các vương tôn họ Mạc và nhiều đại thần không đồng ý. Phạm Tử  Nghi cùng những người theo ông đưa Mạc Chính Trung về Hoa Dương, huyện Ngự Thiên (nay thuộc Thái Bình) lập triều đình riêng. Triều đình nhà Mạc không thể chấp nhận một nước hai vua nên nhiều lần đưa quân đi đánh phá và đã đánh tan quân của Phạm Tử Nghi. Do đó, Mạc Chính Trung đã quy hàng nhà Minh. Nhân sự kiện đầu hàng của Mạc Chính Trung và việc cắt đất dâng cho nhà Minh của Mạc Đăng Dung (năm 1540) nên Phạm Tử Nghi đã củng cố quân đội chủ trương đánh phá nhà Minh. Việc không thành ông bị giặc giết. Sau khi ông mất, nhân dân thôn Rạch lập đền thờ ông để tưởng nhớ người có công trong việc bảo vệ chủ quyền dân tộc.

Bia đá, soạn khắc vào niên hiệu Đồng Khánh 2 (1887)
Đông Hải Đại vương Đoàn Thượng là một vị tướng của vương triều Lý. Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh lịch sử xã hội đang có nhiều biến động, vương triều Lý đang đi vào con đường suy vong, không còn khả năng trị vì quốc gia xã tắc. Trần Thủ Độ đã làm cuộc đảo chính đưa nhà Trần lên ngôi. Lúc này, nhiều trung thần nghĩa sỹ trong triều từ quan, trong đó có Đoàn Thượng. Ông đã về Hồng Châu chiêu tập binh mã, thành lập quân đội nhằm chống lại nhà Trần, khôi phục nhà Lý. Vì vận nước mới mở, lòng dân chưa phục, nên nhà Trần đã thi hành nhiều chính sách cứng rắn để trấn áp những thế lực chống đối nhằm ổn định và xây dựng đất nước. Do vậy tướng quân Đoàn Thượng đã bị sát hại. Sau khi ông mất nhân dân nhiều nơi trong nước đã lập đền thờ để tưởng nhớ một con người có tấm lòng trung nghĩa. 

Ngai, mũ thờ tại tòa hậu lâu
Cao Sơn đại vương là tướng thời vua Hùng thứ 18. Ông tên thật là Nguyễn Sùng, quê ở động Lãng Xương, huyện Thanh Xuyên, phủ Gia Hưng, đạo Hưng Hóa. Bố đẻ là Nguyễn Cao Hành, mẹ là Hà Thị Lan. Ông bà ăn ở hiền lành nhưng muộn về đường con cái. Một hôm, ông Nguyễn Cao Hành cùng người em ruột lên núi Tản Viên, được tiên ông giúp đỡ. Một thời gian sau vợ chồng người anh sinh con trai đặt tên là Nguyễn Tuấn, vợ chồng ông Cao Hành sinh đôi hai con trai đặt tên là Nguyễn Sùng và Nguyễn Hiển. Ba anh em đều sinh ra trong một ngày, vóc dáng khỏe mạnh, thông minh. Năm 11 tuổi cả ba anh em đều mồ côi cha mẹ, họ đến làm con nuôi Cao Sơn thần nữ ở núi Tản Viên, ba anh em đều thông minh, học giỏi, văn võ song toàn danh tiếng lẫy lừng khắp thiên hạ. Khi quân Thục sai tướng lĩnh đem 10 vạn quân chia thành 5 đạo, kéo sang xâm lược nước ta, các ông được triều đình cử đi đánh giặc. Bằng tài năng và trí tuệ của mình, ba ông đã chia quân chặn đánh địch làm chúng bị thất bại nặng nề. Do có nhiều công lao ba ông đều được khen thưởng, trải qua các triều đại phong kiến các ông đều được sắc phong, ông Nguyễn Tuấn được sắc phong là Tả Viên Sơn Thánh, ông Nguyễn Sùng được phong là Cao Sơn đại vương, ông Nguyễn Hiển được phong là Qúy Minh đại vương.. Để ghi nhớ công lao của các anh hùng chống giặc ngoại xâm, nhân dân thôn Rạch đã lập đền thờ phụng.
Ngoài ra di tích còn thờ Đương cảnh Thành hoàng Lê Kiên chi thần và các vị Tây phương Sơn Kế chi thần, Đương cảnh Thành hoàng Đạo Nguyên chi thần. Tại di tích còn lưu giữa 03 đạo sắc phong, trong đó đạo sắc dưới triều vua Duy Tân thứ 3 (1909) ghi như sau:
“ Sắc xã Cổ Chử, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định theo nếp xưa phụng thờ vị thần Tây phương Sơn Kế ánh sáng tỏa rộng, ngưng tụ sự tinh túy và tốt đẹp, phù giúp nền chính trị; Vị thần Đương cảnh Thành hoàng Lê Kiên linh thiêng phù giúp; Vị Đương cảnh thành hoàng Đạo Nguyên linh thiêng phù giúp đã từng được ban cấp sắc phong, chuẩn cho được phụng thờ”,

Sắc phong ban cho Linh Ứng chi thần, niên hiệu Tự Dức 6 (1853)
Công lao giúp vua đánh giặc, giữ nước, bảo vệ, che trở cho nhân dân được ấm no, yên ổn thể hiện ở các câu đối tại đình, chùa, miếu thôn Rạch:
-“Nhất ấp bình an hồng hưu ân thánh đức,
Tứ dân lạc nghiệp phong hưởng ngưỡng thần công”.
Dịch nghĩa:
Một ấp bình yên sung túc ngưỡng mong ơn thánh đức
Bốn dân vui nghề no đủ bởi công thần chở che.
-“ Vân vũ trường lưu nam vũ trụ’
Tinh thần như tại cổ giang sơn”.
Dịch nghĩa:
Khí thiêng vị thần còn mãi mãi với núi sông
Văn võ dài lâu lưu lại giữa trời Nam,
- “Thánh đức anh linh lưu Việt sử
Dân phong phú thọ giáp Nam châu”.
Dịch nghĩa:
Đức thánh ứng nghiệm linh thiêng còn lưu trong sử Việt,
Dân cư thuần hậu giàu mạnh bền vững ở phương Nam.
Hàng năm, tại đình, chùa, miếu thôn Rạch diễn ra nhiều ngày lễ, ngày giỗ liên quan đến những vị thần được thờ tại di tích và các sự kiện của làng, xã. Trong số những kỳ lễ đó, quan trọng nhất là ngày 16 tháng giêng (Âm lịch), là ngày kỵ giỗ Đương cảnh Thành hoàng Linh Ứng Đại vương. 
Sáng ngày 16 tháng giêng các họ, các xóm và con em xa quê rước lễ vật ra đình làm lễ. Sau lễ dâng hương, ban tổ chức cho rước kiệu thánh quanh làng. Đi đầu đám rước là người cầm cờ hội rồi đến hai hàng cờ ngũ sắc, tiếp đến là đội chiêng, trống, bát biểu và phường bát âm. Sau hai hàng bát biểu là kiệu hương án, kiệu Đức thánh. Theo sau kiệu là các vị chức sắc, dân làng cùng khách thập phương tham dự. Ngoài ra, còn có đội múa rồng, múa sư tử tham gia cổ vũ. Những âm thanh của chiêng, trống hoà với tiếng kèn, tiếng nhị và tiếng hô, gọi của người chỉ huy khiêng kiệu khiến cho không khí ngày hội thêm tưng bừng náo nhiệt. Sau khi đoàn rước về đến đình, thủy đình rối nổi trống mừng kiệu Thánh và tổ chức múa rối nước. 
Múa rối nước làng Rạch có truyền thống mấy trăm năm được hai dòng họ Phan, Đặng đời đời truyền giữ và phát triển. Phường rối làng Rạch hiện có khoảng 1.000 con trò từ xưa truyền lại, với hơn 40 tích trò cổ như: câu cá, đánh đu, tễu rúc ống, bắt vịt, đốt pháo, mở cờ, các nàng tiên ca múa... Trong những năm gần đây các nghệ nhân còn sáng tác thêm các tích trò mới như: tích trò Trưng Trắc - Trưng Nhị, tích Trần Hưng Đạo 3 lần đại phá quân Nguyên, Khởi nghĩa Lam Sơn, đánh đồn bốt, bắn máy bay, bắt giặc lái….. Mỗi thời kỳ đều được các nghệ nhân sáng tác ra các tích trò khác nhau nhằm tái hiện những giờ phút lịch sử huy hoàng, những chiến thắng oai hùng của dân tộc. Trong một buổi biểu diễn rối nước thường có 12 người xuống nước điều khiến con trò và 2 người trên bờ có nhiệm vụ sắp con trò. Mỗi con trò lại là một kiệt tác của tạo hình, với nhiều kiểu dáng, màu sắc thể hiện sự tươi tắn, ngộ nghĩnh, tính hài và tính tượng trưng cao. Múa rối nước của nhân dân thôn Rạch, xã Hồng Quang, không chỉ là môn nghệ thuật dân gian truyền thống, ra đời để phục vụ đời sống sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng của nhân dân địa phương, mà còn đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá của nhân dân trong, ngoài tỉnh và tham gia các kỳ hội diễn nghệ thuật rối cổ truyền trong và ngoài nước.

Múa rối nước trong ngày chính lễ hội
Trong những ngày diễn ra lễ hội, ngoài các nghi thức dâng hương, tế lễ còn có nhiều sinh hoạt văn hoá, trò chơi dân gian đặc sắc như: hội chọi gà, đánh đu, tổ chức văn nghệ, thể thao... 
Đình, chùa, miếu thôn Rạch xây dựng trên khu đất rộng, mặt quay về hướng Tây Nam. Trong mặt bằng tổng thể đình, chùa, miếu thôn Rạch có các hạng mục kiến trúc sau: Thuỷ đình, Nghi môn, sân và công trình kiến trúc chính.  
Ngôi đình được xây dựng trên nền đất cao ráo với mặt hàng kiến trúc kiểu “tiền nhất hậu đinh”. Toà tiền đường được gia công hoàn toàn bằng gỗ lim, gồm 4 bộ vì, mỗi bộ vì được tạo dựng bởi sự liên kết giữa cột, vì nóc, vì nách và bẩy hiên. Toà trung đường xây nối mái với toà tiền đường thông qua hệ thống máng nước. Bộ khung toà trung đường lắp dựng bằng gỗ lim. Các bộ vì làm theo kiểu thượng ván mê, hạ bẩy tiền. So với tiền đường thì kết cấu của toà trung đường đơn giản hơn, các cấu kiện vì nóc trước chủ yếu được gia công kiểu ván mê câu đầu song vẫn đảm bảo được sự vững chắc, trên các ván mê được nghệ nhân soi chỉ, chạm khắc hoạ tiết triện tàu lá dắt.

Toàn cảnh đền, chùa thôn Rạch
Cung cấm của đình xây dọc giao mái với toà trung đường tạo thành mặt bằng kiến trúc chữ “đinh ”truyền thống. Bộ vì các gian được gia công theo kiểu ván mê, cùng với hệ thống xà dọc, xà ngang tạo sự thông thoáng cho công trình. Các ván mê được để trơn, khoét lòng, soi chỉ. Ngăn cách 3 gian ngoài với gian trong của toà cung cấm là một bức thuận. Chính giữa bức thuận nơi tiếp giáp với nóc mái là bộ vì kiểu mê cốn chạm nổi hoạ tiết mặt hồ phù, vì nách chạm nổi hoạ tiết rồng, sư tử. Toàn bộ bức thuận chia thành 3 khoang cửa, đặt trên ngưỡng gỗ. Bộ cửa cung cấm được gia công kiểu bức bàn, mỗi khoang hai cánh. Qua bức thuận là tới gian cung cấm. Đây là không gian thờ tự các vị thần trong đình. 
Để tăng thêm tính thẩm mỹ cho công trình kiến trúc các nghệ nhân đã khéo léo sử dụng kỹ thuật chạm bong kênh sắc nét tạo nên những mảng chạm hoạ tiết rồng mây, sư tử, triệu tàu là đất, là lật… đẹp, tỉ mỉ, tinh xảo. Sự lắp ghép những mảng chạm nhỏ nhưng tinh vi trong một tổng thể, không những tạo nên sự thống nhất đa dạng mà còn thể hiện sự cầu kỳ, sinh động. Các mảng chạm khắc tại đình mềm mại, uyển chuyển mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn, bố cục chặt chẽ làm tăng thêm giá trị nghệ thuật cho công trình kiến trúc. 
Công trình chùa kiến trúc theo kiểu chữ “đinh” gốm các hạng mục: tiền đường, tam bảo và nhà tổ. Tiền đường chia thành 5 gian, cửa giữa xây cuốn bổ trụ để thông thoáng. Qua cửa là vào tới toà tiền đường, bảo vệ chùa là bộ cửa làm theo kiểu bức bàn bằng gỗ. Trong tổng thể công trình, toà tiền đường là hạng mục bảo tồn được phong cách kiến trúc cổ truyền rõ nét nhất. Bộ khung được thiết kế theo kiểu quá giang, câu đầu, ván mê bằng gỗ lim. Trên các đầu xà, câu đầu, được đục chạm hoạ tiết hoa lá, tạo đường nét uốn lượn mềm mại theo phong cách cổ truyền. Toà tam bảo 3 gian, làm theo lối xây cuốn, bổ cột trụ, Mái công trình lợp ngói, làm bờ bảng theo phong cách cổ truyền dân tộc. Giữa hai hàng cột chính có bức đại tự “Nhật tăng huy " (Đạo Phật ngày càng sáng tỏ). Hai bên cột còn có đôi câu đối nói về cảnh phật, ca ngợi mảnh đất, con người quê hương. Tại đây có bài trí 5 lớp tượng Phật với 11 pho lớn nhỏ, được sơn son thếp vàng.

Kiệu bát cống mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn
Miếu toạ lạc cách đình, chùa khoảng hơn 100m về phía Nam. Miếu được xây dựng trong khuôn viên rộng khoảng l00m², quay hướng Nam. Bên trái là đường liên thôn, xung quanh là khu dân cư. Bộ mái công trình lợp ngói nam bên trên xây bờ nóc, đầu hồi xây đấu trụ, triện tàu cùng với bờ bảng, bờ chảy mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Cung cấm của miếu được xây nối mái với tiền đường, tạo nên bình đổ kiến trúc kiểu chữ “đinh”. Cung cấm một gian xây cuốn vòm kiểu cổ đẳng hai tầng tám mái. Phần cổ đẳng nối mái trên với mái dưới đắp dòng chữ Hán: “Cổ miếu”: Anh linh uy chấn cổ, Tú khí thế an bàn” (Ngôi miếu cổ. Thuở xưa linh thiêng oai nghiêm để trấn giữ yên ổn, Thế đất Bàn Thạch tụ hợp khí thiêng mãi vững bền). Bên trong cung cấm xây bệ thờ, đây là không gian thờ tự vị thành hoàng làng. 
Trong phong trào cách mạng và kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược, đình, chùa, miếu thôn Rạch trở thành địa điểm ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng của địa phương góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp xâm lược đình, chùa, miếu thôn Rạch là nơi nuôi giấu cán bộ Việt Minh, nơi tập trung của du kích địa phương và nhân dân đánh địch từ bốt Cao Lộng xuống bốt Lạc Đạo. Những năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ (1965 - l975), đình, chùa, miếu thôn Rạch là nơi đưa tiễn con em địa phương lên đường kháng chiến. 
Công trình kiến trúc đình, chùa, miếu thôn Rạch được xây dựng với quy mô bề thế, bảo lưu được phong cách kiến trúc gỗ truyền thống, với một số mảng chạm khắc tinh xảo. Tại đình, chùa, miếu thôn Rạch còn lưu giữ được một số di vật, cổ vật có giá trị như: ngai và bài vị thờ các vị thần, hệ thống sắc phong, kiệu long đình, khánh đá. . đã góp phần làm tăng thêm giá trị cho di tích. 
Bên cạnh những giá trị về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, đình, chùa, miếu thôn Rạch còn là nơi bảo lưu được nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian đặc sắc, tiêu biểu là kỳ lễ hội truyền thống diễn ra vào ngày 16 tháng Giêng hàng năm. Trong lễ hội có tổ chức múa rối nước - một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống ra đời để phục vụ đời sống sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng không chỉ của người dân địa phương mà còn đáp ứng nhu cầu văn hoá của nhân dân trong và ngoài tỉnh. Đền, chùa, miếu thôn Rạch xã Hồng Quang được xếp hạng di tích Lịch sử và Kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh năm 2016.

image advertisement

anh tin bai

anh tin bai



image advertisement
image advertisement


anh tin bai
anh tin bai







image advertisement
image advertisement

 anh tin bai

image advertisement



Video Sự Kiện
  • Giao lưu nghệ thuật quần chúng huyện Nam Trực 2024
  • Tuần lễ Văn Hoá - Giáo Dục huyện Nam Trực - Nam Định lần thứ XII - Năm 2023
  • Các điển hình Dân vận khéo năm 2023 huyện Nam Trực
  • Hạ nhiệt mùa hè cùng ngành điện
1 2 3