image banner
ĐẢNG BỘ,CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NAM TRỰC QUYẾT TÂM XÂY DỰNG HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO


image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Từ đường họ Nguyễn Đình, xã Nam Cường
Lượt xem: 6365

Theo truyền thuyết dân gian và một số tư liệu hiện đang được hậu duệ trong dòng họ lưu giữ thì gốc gác đầu tiên của dòng họ Nguyễn Đình là ở thôn Cà Nguyễn, xã Ngân Già (nay thuộc thôn Nguyễn, xã Nam Cường, huyện Nam Trực), sau khi truyền được đến đời thứ mười thì có sự biến chuyển. Vào niên hiệu Vĩnh Hựu đời Lê (1735 - 1740), có người trong xã là Vũ Đình Dung vì bất mãn với chính sách cai trị của triều đình Lê - Trịnh đã tập hợp nhân dân bảy làng Cà và ba làng Hóp nổi lên khởi nghĩa chống lại triều đình. Cuộc khởi nghĩa kéo dài chưa đầy 1 năm thì bị triều đình triệt hạ hoàn toàn, nghĩa binh hy sinh rất nhiều, các thủ lĩnh nghĩa quân phần lớn bị tử trận, những người may mắn sống sót thì phiêu dạt khắp nơi để tránh sự truy xét của triều đình, khiến cho ruộng đất hoang vu, cây cỏ mọc um tùm, không còn người ở. Đến năm 1759 khi quan Đại Tư mã Quận công Nguyễn Huấn về đây chiêu dân phiêu tán, xây dựng lại làng xóm và hạ lệnh không truy xét những người tham gia trong cuộc khởi nghĩa Ngân Già, thì dân phiêu tán ở khắp nơi mới quy tụ về quê cũ để làm ăn sinh sống. Trong số đó có ông Nguyễn Đình Thực (vị tổ đời thứ 10 của dòng họ Nguyễn Đình). Tương truyền, khi trở về quê hương ông được một ông thầy địa lý người Trung Quốc tìm cho mảnh đất tốt ở làng Cà Đông, xã Lai Cách (nay là xóm Đông, thôn Gia Hoà, xã Nam Cường, huyện Nam Trực) để làm nơi sinh cơ lâp nghiệp. Như vậy, tính đến nay dòng họ Nguyễn Đình đã đến khai phá, mở mang và lập nghiệp ở thôn Đông, xã Nam Cường được khoảng 260 năm.       

Từ đường họ Nguyễn Đình là nơi thờ tự và tri ân công đức của con cháu đối với 11 vị tổ:

1. Tổ Nguyễn Đình Dự (1599 - 1663)

2. Tổ Nguyễn Đình Danh (1675 - 1755)

3. Tổ Nguyễn Đình Thực (1704 - 1773)

4. Tổ Nguyễn Đình Khuê (1740 - 1788)

5. Tổ Nguyễn Đình Côn (1749 - 1820)

6. Tổ Nguyễn Đình Quân (1774 - 1831)“

7. TổNguyễn Văn Đán (1811 - 1878)

8. Tổ Nguyễn Văn Lập (1832 - 1908)

9. Tổ Nguyễn Văn Chỉ (1856 - 1901)

10.Tổ Nguyễn Sư Mạnh (1884 - 1935)

11.Tổ Nguyễn Văn Dính (1905 - 1937)

Trong số những vị tổ trên, tiêu biểu có 3 vị tổ: Nguyễn Đình Thực, Nguyễn Đình Khuê và Nguyễn Văn Lập là có nhiều đóng góp nhất trong công cuộc dựng làng, giữ nước, làm rạng danh dòng họ Nguyễn Đình trên đất thôn Đông, xã Nam Cường, huyện Nam Trực.

Bia đá thời Nguyễn

Theo lịch sử phát triển của dòng họ ghi trong Gia phả thì ông Nguyễn Đình Thực là vị tổ đời thứ 10. Nhưng xét về công tích với dòng tộc thì ông là người đầu tiên đến thôn Đông để gây dựng cuộc sống và từng bước phát triển dòng họ. Hiện nay trong hệ thống thần chủ đặt tại cung cấm, thần chủ của ông được đặt ở vị trí thứ ba theo hướng từ phải sang trái. Ông là con trưởng của cụ Nguyễn Đình Danh, sinh ra và lớn lên tại làng Cà Nguyễn, xã Ngân Già, huyện Nam Trực. Khoảng năm 1759 ông mới dời đến làng Cà Đông, xã Lai Cách (nay là thôn Đông, xã Nam Cường) sinh sống. Gia phả ghi thân thế và sự nghiệp của ông như sau: Nguyễn Đình Thực húy là Hoàn, hiệu là Phúc Thần, thụy là Cung Uý phủ quân, sinh vào giờ Dần, ngày mồng 4 tháng Giêng năm Giáp Thân (1704). Ông là người có tư chất thông minh, học rộng tài cao, làm quan dưới triều Lê - Trịnh, đã nhiều lần lập công và được ban sắc cho làm Tiến công Thứ lang, vào ngày 27 tháng 3 năm Cảnh Hưng thứ 11 (1750) ông được bổ làm Huyện thừa Trung thuận. Ông lấy vợ người họ Vũ ở cùng xã, huý là Thuý, hiệu là Từ Nghiêm và sinh được 2 người con trai: Con trưởng là Nguyễn Đình Khuê, con thứ là Nguyễn Đình Côn. Ông mất ngày 24 tháng 3 năm Quý Tỵ (1773) tại quê nhà, hưởng thọ 70 tuổi.

Tổ Nguyễn Đình Khuê (1740 - 1788), ông là vị tổ đời thứ 11, Nguyễn Đình Khuê có tên hiệu là Công Bình, Thụy là Anh Mại Phủ Quân. Ông sinh vào giờ thân, ngày 15 tháng 7 năm Canh Thân (1740), là người có sức khỏe phi thường muôn người khó địch nổi, làm quan dưới triều Lê - Trịnh, khi 18 tuổi ông được bổ làm Tiền nghĩa cơ chỉ huy quân theo quan Thống lĩnh Tuân Trung hầu Bình tây đạo Quán quân công, nhiều lần lập công lớn, được hạ chỉ chuẩn thăng cho chức Vệ Uý, ban cho tước bá là Quả cảm tướng quân tòng tam phẩm. Theo truyền ngôn, khi vua Quang Trung đem quân ra Bắc, ông theo vua Quang Trung đại phá quân Thanh, giải phóng kinh đô Thăng Long, tại trận đánh ngày 17 tháng 12 năm 1788 (tức ngày 18 tháng 11 năm Mậu Thân), ông mất hưởng thọ 49 tuổi. Sau khi ông mất vua Quang Trung đã cho quân sỹ đem thi hài ông về quê chôn cất. Hiện nay thần chủ của ông được đặt ở vị trí số bốn theo hướng từ phải sang trái.

 Tổ Nguyễn Văn Lập (1832 - 1908), ông là vị tổ đời thứ 14. Nguyễn Văn Lập húy là Dực, hiệu Phúc Hậu, thụy là Hùng Mậu phủ quân, là con trưởng của cụ Cai tổng Nguyễn Văn Đán. Ông sinh ngày mồng 9 tháng 9 năm Nhâm Thìn (1832), là một người thông minh, văn võ toàn tài, làm quan dưới triều vua Tự Đức, lập được nhiều công trạng và được ban sắc cho làm Trung tín tá hiệu uý Định dũng tử cơ phó quân cơ. Vào năm Tự Đức thứ 15 và 16 (1861 - 1862) ông đã đem theo binh lính cùng quan Bố chánh sứ Nguyễn Viết Điện dẹp yên được nạn cướp biển ở vùng Ninh Giang (nay là tỉnh Hải Dương) và Thuỵ Anh (nay là Thái Thụy, Thái Bình). Với những công lao ấy Vua Tự Đức đã 2 lần ban cho ông những đồng tiền đúc 4 chữ “Sử dân phú thọ”, được miễn trừ tiền thuế thân cùng lao dịch hai năm rưỡi và giao cho ông lập đồn phòng thủ ở những khu vực đó để giữ yên vùng cửa biển.

 Năm Tự Đức thứ 24 (1871) ông được sai Vận chuyển lương thực lên vùng Bắc Ninh và Thái Nguyên để cứu chẩn cho binh lính. Khi việc nước đã vẹn tròn, ông dâng sớ xin về trí sĩ tại quê nhà. Tại quê nhà ông luôn làm việc thiện giúp đỡ dân làng. Năm nào thuế cao ông xin quan trên cho phép lấy thóc tư ra phân phát cho dân nghèo trong vùng, thu tô ruộng thấp, các thôn trong xã nếu người nào gặp việc khó khăn thì ông đứng ra hỗ trợ. Năm Thành Thái thứ 5 (1893) dòng sông của huyện Thượng Nguyên do lâu ngày không được nạo vét nên dẫn đến ứ đọng, không lưu thông được đã ảnh hưởng lớn đến công việc nhà nông. Vì thế ông đã họp mọi người lại bàn bạc tìm cách khơi sông dẫn nước thuận lợi cho việc trị thuỷ trồng cấy, từ đó nhân dân của huyện Thượng Nguyên được hưởng lợi lớn và đều biết ơn ông.

Ngoài công lao với dân, với nước, với dòng tộc ông không quên chăm lo việc phụng thờ tổ tiên: Vào năm Thành Thái thứ 2 (1890) ông đã cho tu sửa lại từ đường, tạo dựng bia đá để khắc ghi công ơn tổ tiên).

Hệ thống thần chủ của các vị Tổ

Bên cạnh những công lao đóng góp của 3 vị tổ trên, trong dòng họ Nguyễn Đình ở xã Nam Cường còn có nhiều người từng có công lao và giữ những phẩm hàm quan trọng trong nhiều triều đình nhà Lê - Trịnh, triều Nguyễn. Chính vì thế mà từ đường còn câu đối ghi lại công ơn của ông cha để con cháu noi theo:

Phúc đức tổ tiên gieo trồng từ thuở nhỏ

Nhân tâm con cháu vun đắp mãi về sau”

Toàn cảnh từ đường

Từ đường họ Nguyễn Đình là một công trình kiến trúc khá quy mô hiện đang được hậu duệ trong dòng họ và nhân dân địa phương bảo quản tốt. Đây là di tích được hình thành và phát triển gắn liền với lịch sử phát triển của dòng họ. Căn cứ vào các tư liệu lịch sử và truyền thuyết địa phương, đặc biệt là tấm bia “Trùng tu từ đường” được soạn khắc năm Duy Tân thứ 5 (1911)) hiện lưu giữ tại di tích thì công trình được khởi dựng lần đầu vào khoảng thời gian ông Huấn Quận Công về chiêu dân phiêu tán, lập lại làng xóm tại địa phận làng Cà (năm 1759) và người có công đứng ra tổ chức xây dựng từ đường là tổ Nguyễn Đình Thực. Ngôi từ đường ban đầu được xây dựng với quy mô nhỏ hẹp, lợp mái tranh, sau được xây gạch lợp ngói nam. Đến năm Thành Thái thứ 2 (1890), đời tổ thứ 14 là cụ Nguyễn Văn Lập đã nối chí người trước, tích góp tiền của xây dựng từ đường với quy mô rộng lớn hơn, gồm : tiền đường, cung cấm và hai dãy hành lang. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp năm (1946 đến 1954) ngôi từ đường đã bị tàn phá nặng nề, cung cấm và hai dãy hành lang bị dỡ bỏ, khuôn viên từ đường bị thu hẹp. Với tấm lòng thành kính, trân trọng và bảo tồn di sản văn hoá của cha ông, các thế hệ con cháu họ Nguyễn Đình và nhân dân địa phương đã đồng tâm hiệp lực, đóng góp tiền của và công sức thường xuyên trùng tu, tôn tạo, nâng cấp ngôi từ đường ngày một khang trang bề thế. Nội dung câu đối, văn bia và thượng lương của công trình đã cho biết từ đường được trùng tu lớn vào thời Nguyễn. Hiện thượng lương của toà tiền đường khắc dòng chữ Hán có nội dung xác nhận niên đại trùng tu như sau:

“Hoàng triều Khải Định lục niên, tuế Tân Dậu thập nhất nguyệt, thập thất nhất, lương thời thượng lương đại cát”

nghĩa là:

Giờ tốt, ngày 17 tháng 11 năm Tân Dậu niên hiệu Khải Định 6 (1921) đặt thượng lương cầu cho mọi việc được tốt lành.

Từ sau ngày đất nước thống nhất (1975), con cháu họ Nguyễn Đình và nhân dân địa phương thường xuyên hưng công tu sửa, tôn tạo từ đường. Năm 1995 trùng tu, tôn tạo cung cấm. Năm 2007 trùng tu tôn tạo trung đường, dựng mới nghi môn, cải tạo cảnh quan xung quanh từ đường.

 Từ đường Nguyễn Đình được xây dựng trên một khuôn viên rộng 700m², quay hướng Nam, trước là dòng sông Ngân (nay gọi là sông CT 16), phía bên phải và sau lưng từ đường là khu dân cư, bên trái là từ đường họ Vũ Đình. Các hạng mục công trình của Từ đường được bố trí theo thứ tự từ ngoài vào trong bao gồm: Hệ thống nghi môn, giếng, vườn, sân và công trình kiến trúc chính. Hệ thống Nghi môn gồm ba cổng ra vào. Cổng giữa xây 2 tầng: tầng trên xây kiểu cổ đẳng cuốn vành mai, mái lợp ngói nam, kìm nóc đắp hoạ tiết hoa là cách điệu, phần có đẳng nhấn bốn chữ Hán phiên âm là “ Nguyễn tộc từ đường ” dịch nghĩa là: Từ đường họ Nguyễn; tầng dưới là cổng chính ra vào xây cuốn vòm, hai bên công xây cột trụ, giữa lòng cột nhấn đôi câu đối chữ Hán:

Phiên âm:

“Bách thế bản chỉ thừa cựu ấm

Thiên tha hương hoả tráng tân cơ”.

Nghĩa là:

Phúc xưa dày lưu gốc cành muôn thuở

Nền mới vững để hương khói ngàn thu”.

Chạm khắc tại vì nách

Công trình kiến trúc từ đường họ Nguyễn Đình mặc dù được trùng tu, tôn tạo nhiều lần song công trình kiến trúc của toà tiền đường vẫn giữ được phong cách kiến trúc truyền thống, được dòng họ giữ gìn trang trọng, thể hiện tri ân của con cháu đối với các vị tổ. Trải qua 20 đời dòng họ Nguyễn Đình đã phát triển cả về con người và công trình thờ tự: về con người thì dòng họ Nguyễn Đình ở xã Nam Cường tính đến nay có khoảng 200 hộ với gần 700 nhân khẩu; về công trình thờ tự thì ngoài từ đường ngành cả ở thôn Đông hiện nay ở thôn Nguyễn, xã Nam Cường và thôn Bái xã Nghĩa An con cháu các chi, ngành còn xây dựng 5 ngôi từ đường chỉ để thờ cúng tổ tiên, tạo thành một hệ thống từ đường dòng họ Nguyễn Đình rộng lớn và quy mô.

Từ đường họ Nguyễn Đình không chỉ là nơi thờ cúng, tri ân công đức các vị tổ có công với dòng họ, quê hương mà còn lưu giữ nhiều giá trị văn hoá truyền thống của dòng họ và quê hương. Hàng năm, tại từ đường họ Nguyễn Đình con cháu trong dòng họ tổ chức nhiều ngày giỗ, ngày lễ có liên quan đến các vị tố được thờ tại di tích. Trong đó, ngày giỗ tổ mùng 10 tháng 3 âm lịch là ngày quan trọng nhất, đây là ngày lễ chính của dòng họ trong năm. Trong ngày đó con cháu của dòng họ Nguyễn Đình ở khắp nơi tề tựu về đây làm lễ dâng hương và tế tổ. Lễ Vật dâng lên có hoa quả, bánh trái, mâm xôi, con gà. Tuy vật chất giản dị nhưng lại có ý nghĩa rất lớn đối với con cháu trong họ. Vì đây chính là thành quả lao động trong một năm mà họ đã vất vả làm lụng, bây giờ dâng lên lễ tổ để tỏ lòng thành kính, tri ân công đức và cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, con cháu làm ăn phát tài, phát đạt. Bên cạnh những ngày giỗ, hàng tháng cứ đến ngày rằm, mồng một, Ban khánh tiết dòng họ mở cửa từ đường để con cháu và nhân dân địa phương đến dâng hương, tế lễ tổ tiên thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” Ngoài ra cứ đến khoảng trung tuần tháng 9, tại từ đường Hội khuyến học khuyến tài họ Nguyễn Đình (thành lập năm 2001) còn tổ chức tuyên dương và trao phần thưởng cho những con cháu trong dòng tộc đã có những thành tích xuất sắc trong học tập, khích lệ các em vượt khó, phát huy truyền thống hiếu học thành tài để tô thắm thêm trang sử vẻ vang của dòng họ nói riêng và quê hương Nam Trực nói chung. Lễ hội truyền thống và những sinh hoạt văn hoá diễn ra tại di tích từ đường họ Nguyễn Đình không chỉ mang ý nghĩa tôn vinh và tưởng nhớ công lao của các vị tổ đã có công giúp dân, giúp nước mà còn lưu giữ và bảo tồn những nét văn hoá dân gian đặc sắc, đồng thời góp phần động viên, khích lệ các thế hệ con cháu trong họ cùng chung sức xây dựng quê hương đất nước ngày một đổi mới, giàu mạnh.

Khám thờ các vị Tổ

Dòng họ Nguyễn Đình tại thôn Đông, xã Nam Cường, huyện Nam Trực là một dòng họ lớn có nhiều người được phong chức tước, phẩm hàm dưới triều Lê - Trịnh và triều Nguyễn. Trong số đó có nhiều người đã đóng góp công sức vào trong sự nghiệp dựng làng, giữ nước như: Thuỷ tổ Nguyễn Đình Thực, tổ Nguyễn Đình Khuê, tổ Nguyễn Văn Lập. Công trình từ đường họ Nguyễn Đình do Thuỷ tổ Nguyễn Đình Thực xây dựng vào những năm cuối của thế kỷ 18. Ngôi từ đường ban đầu lợp mái tranh, sau được xây gạch lợp ngói nam. Đến năm Thành Thái thứ 2 (1890) đời vị tổ thứ 14 là cụ Nguyễn Văn Lập đã nối chí người trước tích góp tiền của để trùng tu, tôn tạo từ đường với quy mô rộng lớn hơn để thờ cúng tổ tiên. Từ đó đến nay các thế hệ con cháu trong dòng họ vẫn thường xuyên trùng tu, tôn tạo, nâng cấp ngôi từ đường ngày một khang trang bề thế để thờ cúng tổ tiên, tỏ lòng thành kính, tri ân công đức các vị tổ có công với dòng họ, quê hương và đất nước.

  Trong các phong trào cách mạng và kháng chiến, từ đường họ Nguyễn Đình đã trở thành địa điểm ghi đấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc. Từ năm 1946 - 1954, di tích là nơi hội họp, luyện tập của dân quân du kích địa phương, nơi đóng quân của bộ đội chủ lực và an dưỡng của cán bộ thương binh, góp một phần không nhỏ vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc.

Đến nay, cùng với việc bảo lưu được những giá trị kiến trúc truyền thống. Tại di tích còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật có giá trị như: Gia phả, bia đá, khám thờ, thần chủ, câu đối, đại tự, thể hiện sự trân trọng và quyết tâm bảo tồn những di sản văn hoá quý báu mà cha ông xưa để lại. Di tích còn là nơi diễn ra những sinh hoạt văn hoá dân gian đặc sắc mang đậm tính chất cộng đồng, đồng thời thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” thông qua sự tôn vinh các vị tổ đã đóng góp nhiều công lao với dân, với nước.

Từ những giá trị tiêu biểu về lịch sử và văn hóa, từ đường họ Nguyễn Đình, xã Nam Cường đã được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh năm 2008.

                                         Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo huyện Nam Trực

image advertisement

anh tin bai

anh tin bai



image advertisement
image advertisement


anh tin bai
anh tin bai







image advertisement
image advertisement

 anh tin bai

image advertisement



Video Sự Kiện
  • Tuần lễ Văn Hoá - Giáo Dục huyện Nam Trực - Nam Định lần thứ XII - Năm 2023
  • Các điển hình Dân vận khéo năm 2023 huyện Nam Trực
  • Hạ nhiệt mùa hè cùng ngành điện
  • Nam Trực - Điểm sáng trong phát triển sự nghiệp Thể dục - Thể thao
1 2 3