image banner
ĐẢNG BỘ,CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NAM TRỰC QUYẾT TÂM XÂY DỰNG HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO


image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
TỪ ĐƯỜNG HỌ PHẠM, THÔN PHÚC HẢI, XÃ NAM THÁI
Lượt xem: 3807
Từ đường họ Phạm là nơi thờ tự và tri ân công đức các vị tổ có công lập nên mảnh đất Phúc Hải xã Nam Thái. Thôn Phúc Hải là mảnh đất được hình thành khá sớm, đất đai tương đối ổn định. Trải qua thời gian, cho đến nay toàn bộ thôn Phúc Hải có khoảng hơn 10 dòng họ từ nhiều nơi về đây sinh sống lập nghiệp. Trong số 10 dòng họ thì dòng họ Phạm là một trong những dòng họ có nhân khẩu đông nhất của thôn. Hiện nay, tại thôn Phúc Hải có khoảng trên một ngàn nhân khẩu, riêng dòng họ Phạm có khoảng năm trăm nhân khẩu. Từ đường họ Phạm được coi là từ đường ngành cả, nơi các vị thuỷ tổ buổi đầu về đây tạo dựng cuộc sống. Thuỷ tổ Phạm Phúc Hải, quê gốc ở Hải Dương. Ông là người giỏi võ nghệ, từng phục vụ triều đình nhà Lê Trung Hưng lập nhiều công lớn và giữ chức Võ Huân tướng quân dưới thời vua Lê Thần Tông (1619 - 1643). Năm Canh Thìn, niên hiệu Dương Hoà thứ 6 thời vua Lê Thần Tông (1640), triều đình phong Võ Huân tướng quân giữ chức Đô hiệu kiểm, lĩnh Vệ quân Thần Vũ tiến vào Bắc Bố Chính (Quảng Bình) dẹp giặc. Sau này ông lại được phong là Tham đốc hộ quân, tước Phạm Trung hầu. Sau một thời gian làm quan, thấy cảnh triều đình rối ren, chúa Trịnh cậy quyền lấn át vua Lê, chiến tranh xảy ra liên miên, Tham đốc hộ quân Phạm Phúc Hải quyết định treo ấn từ quan chiêu tập dân nghèo đi khai hoang, lập ấp. Nhận thấy vùng đất Phúc Hải ngày nay là nơi đất đai bằng phẳng, màu mỡ nhưng còn hoang hoá, dân cư thưa thớt nên ông quyết định xuất tiền, huy động nhân lực cải tạo đồng ruộng, xây dựng xóm làng đồng thời lấy chính tên mình đặt cho vùng đất mới. Nối tiếp chí hướng của Phạm Phúc Hải, sau này con trai ông là Huyện thừa huyện Can Lộc (Nghệ An) Phạm Phúc Cường đã tiếp tục xuất tiền hoàn chỉnh hệ thống kênh mương, xây dựng các công trình tín ngưỡng, tôn giáo góp phần ổn định đời sống nhân dân. Trải qua thời gian, nhiều thế hệ con em dòng họ Phạm tại thôn Phúc Hải tiếp tục phát triển theo con đường khoa cử và giữ những chức vụ lớn trong triều đình như: con trai của Phạm Phúc Cường là Phạm Đình Điểm đã từng lĩnh chức Phấn lực tướng quân Vệ Phù Nam. Thời vua Minh Mệnh, cháu thế hệ thứ 7 là Phạm Văn Kiền được phong tới chức Cai đội Nhất đội - Trung hiệu cơ Tiện kích tượng doanh, tước Kiền Thành hầu.

Bài vị thờ Thủy tổ Phúc Hải

Bài vị thờ Phúc Cường ( đời thứ 2)

Bài vị thờ Phúc Đắc ( đời thứ 3)
Cuốn gia phả dòng họ Phạm tại Kim Sơn - Ninh Bình do Phạm Đình Khôi soạn năm Duy Tân thứ 3 (1909) cũng cho biết vào năm Minh Mệnh thứ 10 (1829), hai cha con Phạm Phúc Thuần, Phạm Phúc Nhưỡng là cháu thế hệ đời thứ 7 đã kế nghiệp tổ tông đi theo Dinh Điền xứ Nguyễn Công Trứ chiêu tập nhân dân đi khai khẩn tại vùng đất Kim Sơn - Ninh Bình. Trong tâm thức những người con họ Phạm thì cho dù có đi bất cứ nơi đâu thì mảnh đất Phúc Hải vẫn được coi là nơi phát tích, khởi nguồn cho sự phát triển về sau. Do đó, thế hệ tiếp nối thế hệ, con em dòng họ Phạm không ngừng đóng góp công của xây dựng mảnh đất quê hương. Các văn bia, câu đối, đại tự hiện còn lưu giữ tại các công trình tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn xã Nam Thái cho thấy trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào của địa phương cũng đều có dấu ấn đóng góp của các thế hệ con cháu của dòng họ.

Khám và ngai thờ tại hậu cung
Từ đường họ Phạm do người con của Phạm Phúc Hải là Phạm Phúc Cường xây dựng ngay trên mảnh đất mà cha mình đã dựng nhà để ở lúc sinh thời. Trải qua thời gian, ngôi từ đường đã nhiều lần được trùng tu, tôn tạo. Năm Bảo Đại thứ 14 (1939), con em trong họ đã dựng lại ngôi từ đường gồm 5 gian với kết cấu hoàn toàn bằng gỗ lim. Năm 1953, ngôi từ đường lại phải gia cố vì bị hư hại nặng nề sau các cuộc càn quét trong giai đoạn 2 năm 4 tháng (10/1949 -  2/ 1952) của thực dân Pháp. Trải qua các lần trùng tu vào các năm 1976, 2001 nên từ đường đã giữ được độ vững chắc và dáng vẻ như ngày nay. 
Công trình kiến trúc Từ đường họ Phạm được xây dựng trên một mảnh đất rộng, cao ráo và bằng phẳng, trước mặt di tích là một khoảng sân rộng được lát gạch, có xây tường hoa bao quanh. Cổng ra vào rộng 2,5m, hai bên dựng hai cột đồng trụ cao 3,7m với thân vuông, đế thắt cổ bông, đỉnh đắp họa tiết lá lật. Từ đường được xây theo hình chữ đinh, mái lợp ngói nam, bờ nóc đắp hoa văn triện tàu lá đắt, con sò đắp họa tiết lá lật. Hiên tiền đường rộng, có tạo 3 cửa xây cuốn vành mai. Ngăn cách mỗi cửa là một cột trụ vuông thân tạo gờ chỉ để nhấn đại tự chữ Hán. Hai cột trụ giáp đốc được xây cao hơn hẳn tạo cảm giác bề thế, vững chắc cho công trình. Lan can hai gian bên đắp thông phong họa tiết triện tàu lá dắt, lan can gian giữa đắp cuốn thư nền triện gấm chữ Hán màu đen: Phạm tộc đường
Tiền đường xây cuốn gạch, gánh đỡ toàn bộ trọng lượng bộ mái là hệ thống tường chịu lực bằng bê tông cốt thép. Các đuông phào chỉ chạy dọc theo chân cuốn được nhấn tỉa, sơn thếp hoa lá cách điệu. Tại tiền đường có treo ba bức đại tự gỗ nền triện gấm chữ đen. Bức ở giữa khắc ba chữ hán Thuỷ hữu dĩ (triết tự thành chữ Phạm), bức bên phải khắc Hiếu vi tiên (lấy chữ hiếu làm đầu); bức bên trái khắc chữ Kính như tại (kính cẩn như vẫn còn). Hai bên tiền đường có xây hai nhang án bằng xi măng, phía trước nhấn tỉa họa tiết dơi ngậm chữ thọ cùng hoa lá. Nhang án phía bên phải là nơi bài trí bát hương, khám thờ, ngai và bài vị của ngành cả. Nhang án phía bên trái là nơi thờ tự Tổ cô, Tổ mãnh. Giữa từ đường tạo một chuôi vồ rộng khoảng 2m². Chuôi vồ cũng được xây cuốn gạch, nóc mái vẽ các họa tiết vân ám. Đây là nơi bài trí khám, ngai và bài vị của Thủy tổ Phạm Phúc Hải. Phía trước chuôi vồ có treo một bức cửa võng bằng gỗ, chạm thông phong họa tiết tứ linh, tứ quý tạo cảm giác trang nghiêm, kín đáo cho nơi thờ tự chính.
Là một từ đường dòng họ nên hàng năm tại đây thường diễn ra các nghi thức tế lễ vào mỗi dịp giỗ tết của các vị tổ nhằm thể hiện lòng ngưỡng mộ, tôn vinh những người đã có công khởi nguồn cho sự phát triển về sau. Mặc dù nghi lễ chỉ diễn ra trong dòng họ nhưng là một dòng họ có công khai sinh ra mảnh đất Phúc Hải, cũng là một trong những dòng họ có nhân khẩu đông nhất xã Nam Thái nên mỗi ngày lễ diễn ra tại từ đường thuỷ tổ luôn thu hút đông đảo sự tham gia của các thế hệ con cháu. Theo gia phả dòng họ thì kể từ khi xây dựng từ đường …thì dòng họ đã dành một phần ruộng để người trưởng tộc hoặc những gia đình trông coi từ đường canh tác, lấy đó để lo việc hương hoa cho những ngày sóc vọng, lễ tết. Ngoài ra vào dịp giỗ của mỗi vị tổ, ngày thanh minh… vị trưởng tộc phải thay mặt dòng họ làm cơm cúng, dâng lễ, đọc văn tế lên các vị tổ. Giỗ vị tổ ngành nào thì đại diện ngành đó phải đến dâng hương, lễ không lớn nhưng phải diễn ra đều đặn, trở thành sợi dây kết nối giữa các bậc tiền nhân và thế hệ con, cháu giữa các ngành, các chi trong dòng tộc... Ngoài những ngày lễ nhỏ thì hàng năm tại từ đường diễn ra hai ngày lễ lớn quy tụ tất cả các thành viên trong họ là ngày mồng 9 tháng giêng và ngày mồng 6 tháng 8. Ngày mồng 9 tháng giêng là ngày lễ húy kỵ cũng là ngày kỷ niệm ngày cụ thuỷ tổ Phạm Phúc Hải về khai hoang mở mang xóm làng. Trong ngày này cùng với các nghi thức dâng hương, tế lễ dòng họ còn kết hợp với việc tuyên truyền về thân thế sự nghiệp của Thuỷ tổ cũng như truyền thống dòng họ. Ngoài ra dòng họ còn thông qua quỹ khuyến học và tuyên dương con cháu học giỏi, có đạo đức, đồng thời phê phán con cháu có biểu hiện tiêu cực. Tất cả không chỉ để các thế hệ cháu con thấm nhuần đạo lý uống nước nhớ nguồn mà còn góp phần giáo dục từ dòng họ đến gia đình, rèn luyện các thế hệ về đạo đức, tinh thần hiếu học, cần kiệm liêm chính từ đó làm nền tảng cho tình yêu quê hương, đất nước. Song song với các nghi thức tế lễ, tưởng nhớ công đức của cụ thuỷ tổ, ngày này cũng chính là dịp dòng họ còn tổ chức lễ mừng thọ các cụ già cao tuổi trong họ. Trong lễ mừng thọ, các nghi thức đọc văn tế, dâng lễ của các bậc con cháu trong dòng họ đối với các cụ già cao tuổi đã thể hiện đầy đủ đạo hiếu, kính trọng các bậc tiền nhân đồng thời mong muốn về một sự kế thừa những kinh nghiệm quý báu đời trước truyền lại, nêu lên quyết tâm phát huy những gì mà cha ông đã đạt được. Ngày mồng 6 tháng 8 là ngày lễ kỷ niệm húy kỵ của vị thuỷ tổ đời thứ hai là Phạm Phúc Đắc. Cũng như ngày lễ mồng 9 tháng giêng. trong ngày này các từ đường ngành lẻ đều mang lễ đến dâng, đồng thời tiến hành tế lễ với đầy đủ các nghi thức trọng thể trang nghiêm. Đặc biệt, dịp lễ này dòng họ còn tiến hành lễ đăng cơm mới, tổ chức giã bánh dày dâng lên các vị tổ thể hiện lòng thành kính, biết ơn về một vụ mùa bội thu, nhân khang vật thịnh, con cháu làm ăn, học tập đạt kết quả cao. Có thể thấy, ngôi từ đường không chỉ là nơi thể hiện các nhu cầu tín ngưỡng tâm linh mà còn là địa điểm lưu giữ truyền thống lịch sử dòng họ nói riêng, lịch sử về mảnh đất, con người Phúc Hải nói chung. Những ngày huý kỵ cũng với các nghi thức diễn ra thực sự là dịp con cháu trong dòng họ tưởng nhớ công đức tổ tiên. Đây không chỉ là một sinh hoạt văn hóa dòng họ, mang tính truyền thống dân tộc mà còn đóng góp không nhỏ vào việc nghiên cứu đời sống văn hoá làng xã nói riêng, nền văn hoá dân tộc nói chung.

Chát của vua Tự Đức phong cho Phạm Thông giữ chức Phu dực quân, cai quyền thống xuất đội vào năm 1826
Từ đường họ Phạm xã Nam Thái là di tích thờ vị thủy tổ Phạm Phúc Hải, người đã có công chiêu tập nhân dân khai hoang lập ấp, lập ra thôn Phúc Hải vào thế kỷ 17. Sau khi thuỷ tổ mất, ngôi từ đường được xây dựng trên chính mảnh đất mà ông đã từng sinh sống. Trải qua thời gian, từ đường chính là nơi bảo lưu những giá trị truyền thống của dòng tộc nói riêng, của lịch sử hình thành mảnh đất con người Phúc Hải nói chung. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, các thế hệ con em dòng họ Phạm thôn Phúc Hải đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Ngoài ra, dấu vết của căn hầm bí mật chôn giấu vũ khí, tài liệu tại từ đường trong giai đoạn 1949 - 1952 đã chứng minh từ đường là một địa điểm tiêu biểu ghi dấu sự quật cường của làng kháng chiến Bắc Sơn - Đồng Lạc. Vào mỗi dịp lễ tết, giỗ của từng vị tổ thì từ đường còn là nơi cấu kết dòng tộc, động viên, thúc đẩy lớp lớp thế hệ cháu con phát huy truyền thống gia đình, dòng họ tiếp nối vươn lên trong công cuộc công nghiệp hoá hiện - đại hoá đất nước. Trải qua hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, công trình kiến trúc từ đường họ Phạm mặc dù đã bị tàn phá nhiều, nhưng dòng họ vẫn thường xuyên quan tâm tu bổ, tôn tạo nên từ đường vẫn giữ được độ bền vững cùng những phong cách kiến trúc cổ truyền dân tộc. Từ đường được xếp hạng di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh năm 2009.


image advertisement

anh tin bai

anh tin bai



image advertisement
image advertisement


anh tin bai
anh tin bai







image advertisement
image advertisement

 anh tin bai

image advertisement



Video Sự Kiện
  • Tuần lễ Văn Hoá - Giáo Dục huyện Nam Trực - Nam Định lần thứ XII - Năm 2023
  • Các điển hình Dân vận khéo năm 2023 huyện Nam Trực
  • Hạ nhiệt mùa hè cùng ngành điện
  • Nam Trực - Điểm sáng trong phát triển sự nghiệp Thể dục - Thể thao
1 2 3