image banner
ĐẢNG BỘ,CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NAM TRỰC QUYẾT TÂM XÂY DỰNG HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO


image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Kinh tế
Lượt xem: 2388
Kinh tế

 Huyện Nam Trực có 19 xã, 1 thị trấn, thuộc vùng hạ lưu châu thổ sông Hồng, nằm ở cửa ngõ phía nam thành phố Nam Định, trên trục giao thông quan trọng nối thành phố Nam Định với các huyện kinh tế trọng điểm phía nam của tỉnh. Phía bắc giáp thành phố Nam Định, có nhánh quốc lộ 10 dài 3,6 km chạy qua; Phía đông giáp huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình), có quốc lộ 21 dài 13 km và sông Hồng; Phía Nam giáp huyện Nghĩa Hưng; Phía tây giáp huyện Vụ Bản, có tỉnh lộ 490C (đường 55 cũ) dài 15,8 km và sông Đào chạy qua; 3 tuyến đường giao thông chạy song song từ đường 21 sang đường 490C các tuyến đường: Đường Vàng, đường Trắng, đường Đen, tạo nên hệ thống giao thông thuỷ bộ liên hoàn rất thuận lợi cho giao lưu và phát triển kinh tế.

Thời kỳ 2010-2013 nền kinh tế của huyện Nam Trực có bước tăng trưởng khá và luôn giữ ở mức ổn định, cơ cấu kinh tế đang được tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (giá so sánh 2010) bình quân giai đoạn 2011-2013 tăng bình quân là 6,76%/năm. Cơ cấu kinh tế năm 2013 trong giá trị sản xuất (giá hiện hành): Nông nghiệp - thuỷ sản chiếm 21,5%; Công nghiệp - xây dựng chiếm 56,4%; Ngành dịch vụ chiếm 22,1%.

Công tác thu ngân sách được đổi mới theo cơ chế phân cấp nguồn thu cho các xã, thị trấn, góp phần ổn định, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế. Thông qua các cơ chế tài chính và sự điều hành quản lý ngân sách; kết quả thu ngân sách trên địa bàn huyện trong những năm qua đạt khá.

Tổng thu ngân sách nhà nước của huyện năm 2013 đạt 565 tỷ đồng, tăng gấp 1,88 lần so với năm 2010 (301 tỷ đồng); trong đó tổng thu ngân sách từ kinh tế trên địa bàn năm 2013 gấp 1,89 lần so với năm 2010 (123 tỷ đồng năm 2013 so với 65 tỷ đồng năm 2010); thu hỗ trợ từ cấp trên năm 2013 gấp 1,41 lần so với năm 2010 (318 tỷ đồng năm 2013 so với 226 tỷ đồng năm 2010); qua đó cho thấy nền kinh tế của huyện vẫn còn phụ thuộc nhiều từ ngân sách cấp trên cấp, năm 2010 bằng 75,08% tổng thu, năm 2013 bằng 56,28% tổng thu.

Tổng chi ngân sách Nhà nước năm 2010 đạt 283 tỷ đồng, năm 2013 đạt 511 tỷ đồng. Chi đầu tư phát triển so với tổng chi ngân sách năm 2010 bằng 1,85%, năm 2013 bằng 2,60%. Chi thường xuyên so với tổng chi ngân sách năm 2010 bằng 94,7%, năm 2013 bằng 66,63%. Chi ngân sách đã đáp ứng kịp thời cho các hoạt động kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Huyện đã chú trọng việc tiết kiệm chi ngân sách dành kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng cơ bản để đối phó với tăng trưởng nóng.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2010 là 716 tỷ đồng, năm  2013 đạt 1.343 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhà nước năm 2010 là 498 tỷ đồng, năm 2013 là 870 tỷ đồng, tỷ trọng so với tổng vốn đầu tư qua các năm tương ứng là 69,57% - 64,78%. Vốn ngân sách đã tập trung đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thu hút nguồn lực trong dân vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Hướng đầu tư tập trung có trọng tâm, trọng điểm hơn, tập trung vào những ngành lĩnh vực then chốt, địa bàn trọng điểm. Vốn đầu tư của tư nhân trên địa bàn huyện Nam Trực trong các năm qua tuy còn nhỏ nhưng đã có xu hướng phát triển. Năm 2010 vốn ngoài nhà nước có 218 tỷ đồng, năm 2013 đạt 438 tỷ đồng, tỷ trọng so với tổng vốn đâu tư tương ứng qua các năm là 30,43% - 32,61%. Quy mô ngân sách của huyện còn nhỏ và đến nay vẫn được ngân sách Tỉnh bổ sung cân đối cho huyện do cần phải đầu tư nhiều về cơ sở hạ tầng. Trong tương lai khi đã phát triển kinh tế dịch vụ, du lịch và công nghiệp thì huyện sẽ có khả năng cân đối thu chi và tích lũy được.

Sản xuất nông nghiệp là ngành sản xuất chính, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong khu vực sản xuất nông - lâm - thuỷ sản, giữ được sự tăng trưởng khá ổn định. Năm 2013 giá trị sản xuất (theo giá HH) nông nghiệp chiếm khoảng 94,05% tổng giá trị sản xuất nông - lâm - thuỷ sản, thuỷ sản chiếm 5,71%. Cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp đã có chuyển biến tích cực theo hướng giảm tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng dần tỷ trọng ngành chăn nuôi và dịch vụ. Năm 2010, tỷ trọng ngành trồng trọt chiếm 61,28%, chăn nuôi chiếm 33,06%, dịch vụ chiếm 5,66%. Đến năm 2013, tỷ trọng ngành trồng trọt chiếm 52,36%, chăn nuôi chiếm 38,03%, dịch vụ chiếm 9,61%. Tuy nhiên, tốc độ chuyển dịch cơ cấu vẫn còn chậm, thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi không ổn định, giá sản phẩm chăn nuôi còn thấp. Thu nhập bình quân trên 1 ha đất canh tác tăng từ 75,4 triệu đồng vào năm 2010 và đạt 89,61 triệu đồng vào năm 2013, đến năm 2014 đạt 100 triệu đồng. Diện tích gieo trồng năm 2013 là 21.726 ha, có xu hướng giảm dần diện tích, với mức giảm bình quân thời kỳ 2010-2013 là 0,32%/năm, do chuyển đất nông nghiệp sang phát triển công nghiệp, đô thị và xây dựng cơ sở hạ tầng. Cây lương thực: sản xuất lương thực những năm qua đạt những thành tựu khá vững chắc. Sản lượng lương thực có hạt có chiều hướng giảm dần trong thời kỳ năm 2010-2013, đạt bình quân 108.800 tấn/năm, năm 2013 đạt 107.472 tấn, giảm bình quân giai đoạn 2010-2013 là 1,08%/năm. Việc giảm sản lượng của các loại cây lương thực có hạt là do giảm diện tích gieo trồng hàng năm và giai đoạn 2011-2015, thời tiết có nhiều biến động, gây thiệt hại tới cây trồng. Cây lương thực chủ yếu là cây lúa, năng suất bình quân năm 2013 đạt 60 tạ/ ha, sản lượng đạt 106,253 tấn, bình quân đầu người đạt 550kg/năm. Diện tích gieo trồng ngô năm 2013 là 312 ha, giảm 33 ha so với năm 2010, sản lượng năm 2013 là 1.219 tấn. Cây màu và cây công nghiệp ngắn ngày chủ yếu là khoai lang, rau đậu, lạc, đậu tương... Diện tích gieo trồng các loại rau đậu và lạc tương có xu hướng tăng lên do việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung vào các loại cây ngắn ngày cho hiệu quả kinh tế cao. Diện tích các loại cây khác có xu hướng giảm: trong 4 năm từ 2010-2013, diện tích đậu tương giảm 64 ha, khoai lang giảm 57 ha... Sản lượng năm 2013 của một số cây hàng năm chủ yếu: đậu tương 166 tấn, lạc 3.786 tấn, khoai lang 972 tấn, rau các loại 17.137 tấn,.... Cây trồng lâu năm tập trung vào một số cây trồng chủ yếu như: Cây ăn quả (nhãn, vải, chuối, bưởi, cam, quýt...). Diện tích cây lâu năm ổn định, năm 2010, diện tích cây ăn quả đạt 319 ha, đến năm 2013 đạt 316 ha. Sản lượng các loại cây ăn quả tăng đều qua các năm. Tuy nhiên chất lượng giống chưa cao nên hiệu quả kinh tế còn thấp, chưa đủ khả năng cạnh tranh và xuất khẩu. Thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy, huyện ủy về phát triển nông nghiệp nông thôn và nông dân, mỗi năm ngân sách tỉnh, huyện đã chi hàng tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng các vùng sản xuất trồng trọt tập trung, trong đó hỗ trợ 50-70% giá giống lúa, cà chua, bí,... cho năng suất, chất lượng cao. Đến nay, các giống cây trồng mới có năng suất chất lượng cao đã cơ bản thay thế các giống cũ có năng suất chất lượng thấp, từng bước chọn tạo được những bộ giống phù hợp với thời tiết, khí hậu và từng loại đất của huyện. Ngành chăn nuôi phát triển khá, các tiến bộ khoa học kỹ thuật và phương thức tổ chức chăn nuôi mới được áp dụng rộng rãi nhằm nâng cao chất lượng giống gia súc, gia cầm. Đến nay nhiều giống gia súc, gia cầm có chất lượng cao được đưa vào chăn nuôi như bò lai sind, lợn lai (Landrace, Yorshire, Doorok,..), gà Tam Hoàng, Lương Phượng; Ngan Pháp, Vịt Bắc Kinh ... Về quy mô tổng đàn: đàn trâu, bò có xu hướng giảm do nhu cầu sức kéo giảm, tổng đàn trâu đến năm 2013 còn 577 con giảm 84 con so với năm 2010. Tổng đàn bò còn 4.898 con giảm 306 con so với năm 2010. Đàn lợn: Năm 2010 tổng đàn lợn đạt 72.865 con, trong đó đàn lợn nái đạt trên 7.891 con, lợn thịt đạt 64.539 con. Giai đoạn 2010-2013 do ảnh hưởng của dịch tai xanh đã giảm 72.865 con năm 2010 xuống còn 68.569 con năm 2013, giảm 4.296 con, trong đó đàn lợn nái năm 2013 là 6.633 con, giảm 1.258 con. Đàn lợn thịt năm 2013 là 61.547 con, giảm 2.992 con so với năm 2010. Đàn gia cầm có xu hướng tăng, năm 2013 đạt 677 ngàn con tăng 68 con so với năm 2010. Sản lượng thịt hơi xuất bán các loại đều tăng dần qua các năm. So với năm 2010, thịt lơn hơi xuất chuồng năm 2013 đạt 13.319 tấn, tăng 573 tấn; thịt bò hơi xuất chuồng năm 2013 đạt 334 tấn tăng 25 tấn; thịt gà tăng 268 tấn,... Các sản phẩm chăn nuôi như trứng gia cầm, mật ong cũng tăng dần về sản lượng.

Ngành thuỷ sản những năm qua nhìn chung phát triển khá, giá trị sản xuất (giá SS 2010) năm 2013 đạt 107.498 triệu đồng, tăng bình quân 18,8%/năm. Trong đó nuôi trồng 66.147 triệu  đồng; Khai thác 2.466 triệu đồng; Dịch vụ 38.885 triệu đồng.

 Công nghiệp - Xây dựng: Trong giai đoạn 2010-2013 ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiêp phát triển nhanh, công nghiệp đóng vai trò là nền tảng của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện, tạo vị thế mới cho công nghiệp huyện Nam Trực. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp (giá SS 2010) tăng từ 2.212.682 triệu đồng năm 2010 lên 3.028.668 triệu đồng năm 2013, đạt tốc độ tăng bình quân 11,03%/năm giai đoạn 2011-2013. Năm 2010, toàn huyện có 3331 cơ sở sản xuất công nghiệp, giảm xuống 3029 cơ sở năm 2013 là do có quy hoạch sản xuất tập trung các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, đồng bộ hoá hạ tầng. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng do các doanh nghiệp đã mở rộng sản xuất, sản lượng các sản phẩm chủ yếu đều tăng, năm 2013 sản lượng một số sản phẩm chính đạt được: Gạch đất nung 255 triệu viên, Quần áo may sẵn 1385 nghìn chiếc, Khăn mặt 1398 tấn, sản phẩm kim loại đúc, cán, rút đạt 78 nghìn tấn... Bên cạnh đó, nhiều dự án mới đi vào hoạt động đã góp phần tăng giá trị sản xuất ngành công nghiệp như: Nhà máy may Long Yu do Nhật bản đầu tư 1,7 triệu USD tại xã Tân Thịnh đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho 550 lao động trong và ngoài huyện. Thực hiện theo quy hoạch của Tỉnh, hiện tại toàn huyện có 4 cụm công nghiệp trong danh mục quy hoạch (theo Công văn số 423/SCT-QLCN ngày 06/9/2014 của Sở Công thương). Cụ thể: 2 cụm công nghiệp đã hình thành và đi vào sản xuất (Cụm công nghiệp Vân Chàng, giai đoạn I: 5,5ha đã đi vào sản xuất thu hút trên 500 lao động; Cụm công nghiệp Đồng Côi, đã có 22 nhà đầu tư tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng trong đó đã có 10 nhà đầu tư đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả thu hút gần 500 lao động). 2 cụm công nghiệp đã có trong danh mục quy hoạch: Cụm công nghiệp Nam Thanh, quy mô 15ha, ngành nghề sản xuất: dệt may và cơ khí; Cụm công nghiệp Ánh Vàng - Đồng Sơn, quy mô 10ha, ngành nghề sản xuất: cơ khí, giầy da. Ngoài ra, cụm công nghiệp đã hình thành từ trước và không có định hướng mở rộng như: cụm công nghiệp Nam Hồng, quy mô 13,5ha, đã được lấp đầy với 2 doanh nghiệp là công ty cổ phần Hoàng Anh và công ty TNHH YAMALY thu hút trên 3000 lao động nông thôn tại các xã Nam Hồng, Nam Thắng, Nam Hoa,…Công nghiệp chế biến sử dụng nguồn nguyên liệu là các sản phẩm sản xuất từ nông nghiệp và khai thác thuỷ sản tại địa phương. Năm 2013 sản xuất 55 tấn bánh kẹo các loại, rượu trắng 496.000 lít, gạo xay xát đạt 101.000 tấn,... Công nghiệp cơ khí là ngành kinh tế trọng điểm trong những năm qua, với thế mạnh là các làng nghề truyền thống như làng nghề cơ khí Vân Chàng, Đồng Côi, Nam Thanh,... Phát triển trên cơ sở làm mới, sửa chữa máy móc, thiết bị, gia công đồ sắt, nhôm... phục vụ các ngành nông nghiệp, xây dựng, vận tải không chỉ trên địa bàn huyện mà còn đáp ứng được nhu cầu sử dụng trên toàn tỉnh và các tỉnh lân cận. Các sản phẩm mũi nhọn của ngành gồm: các mặt hàng tiêu dùng, mặt hàng phục vụ nông nghiệp, phụ tùng xe đạp, xe máy, thiết bị phụ tùng điện lực, đường sắt, đóng mới, sửa chữa tàu thuyền,... Hàng năm sản xuất trên 70.000 tấn (năm 2013 là 78.000 tấn) sản phẩm kim loại đúc, rút, cán; trên 30.000 tấn côn ốc bulông. Năm 2013 gia công 11.355 nghìn cái xoong, nồi chậu nhôm, gia công 925.000 lưỡi xẻng, cuốc sắt; sản xuất 648.000 đôi vành xe đạp,... Sản xuất các loại phương tiện vận tải và các loại xe có động cơ, rơ moóc hàng năm cũng thu về giá trị tương đối lớn trong cơ cấu giá trị sản xuất của ngành. Sản xuất vật liệu xây dựng: Hàng năm, huyện sản xuất trên 200 triệu viên gạch nung (năm 2013 sản xuất được 255 triệu viên) tại nhà máy gạch tuynel và các lò gạch ngói thủ công; có nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn của công ty cổ phần Hoàng Anh tại cụm công nghiệp Nam Hồng. Khai thác cát xây dựng chủ yếu tập trung tại cụm công nghiệp ven sông Đào - thị trấn Nam Giang, sản xuất vật liệu xây dựng giáp đê sông Hồng tại xã Nam Thắng. Chế biến gỗ và mộc dân dụng: Các sản phẩm chủ yếu là các đồ dùng phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân như giường, tủ, bàn, ghế,...; Các đồ mộc cao cấp như: sập gụ, tủ kính, tràng kỷ... được chạm trổ khảm trai với các đường nét hoa văn tinh tế. Các cơ sở sản xuất tập trung chủ yếu tại thị trấn Nam Giang. Công nghiệp dệt may: Huyện Nam Trực có trên 3.000 lao động đang làm việc trong ngành dệt may. Các sản phẩm chính gồm: khăn mặt, quần áo may sẵn, sản xuất sợi dệt PE, thêu ren, đồ mây tre đan xuất khẩu, giầy da,... tập trung chủ yếu tại nhà máy giày da Đài Loan (cụm công nghiệp Nam Hồng), làng nghề dệt Liên Tỉnh, làng nghề Báo Đáp (Hồng Quang), ... Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện Nam Trực đã góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân và thúc đẩy nền kinh tế của huyện phát triển ngày càng rõ nét hơn theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Đây chính là tiền đề quan trọng để  huyện Nam Trực đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng huyện  trở thành trung tâm công nghiệp của tỉnh Nam định trong tương lai.

Xây dựng: Công tác quy hoạch là bước quan trọng nhất trong việc triển khai xây dựng của huyện. Những năm qua huyện đã hoàn thành cơ bản các đồ án quy hoạch xây dựng, cụ thể như Điều chỉnh quy hoạch xây dựng thị trấn Nam Giang, Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của huyện Nam Trực, quy hoạch xây dựng nông thôn mới các xã trong huyện, quy hoạch các cụm công nghiệp… Các đồ án quy hoạch là cơ sở định hướng cho phát triển và thu hút đầu tư vào các dự án trên địa bàn. Đi đầu và tích cực nhất trong lĩnh vực xây dựng đó là việc triển khai thực hiện chủ trương của Chính Phủ về xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua huyện đã tích cực xây dựng các hạng mục công trình để đảm bảo chuẩn theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới, cụ thể là các công trình cấp xã như trụ sở UBND xã, trạm y tế, trường học...các công trình cấp thôn xóm như nhà văn hóa, sân thể thao, các công trình hạ tầng kỹ thuật như giao thông, thủy lợi, trạm biến áp phân phối điện…Cho đến nay công việc xây dựng đạt được những thành tựu tích cực.

Các ngành thương mại, dịch vụ và du lịch: Giá trị sản xuất ngành dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng 5,92%/năm giai đoạn 2011-2013. Số doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn: năm 2010 có 4.777 cơ sở đến năm 2013 tăng 543 cơ sở so với năm 2010 trong đó chủ yếu là cá thể. Số người kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn năm 2010 có 7.814 người năm 2013 tăng 1.547 người so với năm 2010. Trong những năm qua dịch vụ thông tin liên lạc trong huyện phát triển khá nhanh, về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu thông tin liên lạc trong quản lý, kinh doanh và đời sống xã hội. Các dịch vụ bưu chính cơ bản được triển khai đến tận thôn, 100% xã, thị trấn có điểm phục vụ bưu chính. Dịch vụ điện thoại cố định và di động đã được phổ cập trong toàn huyện. Dịch vụ vận tải những năm gần đây phát triển nhanh chóng cả về khối lượng hàng hóa, hành khách và số phương tiện vận tải. Phân theo ngành vận tải: Đường bộ năm 2010 có 613 phương tiện, năm 2013 có 759 phương tiện trong đó ô tô năm 2013 có 292 chiếc. Vận tải Đường thủy năm 2013 có 67 tàu thuyền các loại. Khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 419 nghìn tấn, luân chuyển năm 2010 đạt 21.246 nghìn tấn/ km, năm 2013 khối lượng hàng hoá vận chuyển đạt 569 nghìn tấn, luân chuyển đạt 26.608 nghìn tấn/km. Khối lượng hành khách vận chuyển năm 2010 đạt 361 nghìn người tăng lên 603 nghìn người năm 2013, Khối lượng hành khách luân chuyển năm 2010 là 49.919 nghìn người/km đến năm 2013 tăng lên 80.444 nghìn người/km. Các dịch vụ tín dụng, tài chính ngân hàng phát triển nhanh và ngày càng đa dạng về hình thức cũng như chất lượng dịch vụ. Dịch vụ tài chính của các ngân hàng và các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã đáp ứng được nhu cầu vay vốn cũng như cho vay phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Trên địa bàn toàn huyện có 20 chợ các loại, trong đó có 2 chợ kiên cố, 18 chợ tạm và họp ngoài trời. Hiện nay mạng lưới chợ đang là hình thức phân phối phổ biến và có vị trí quan trọng trong việc cung ứng và tiêu thụ hàng hóa cho người dân, nhất là ở khu vực nông thôn. Hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại của huyện đang trong giai đoạn định hình và phát triển đan xen giữa các mô hình thương mại truyền thống và hiện đại. Tuy nhiên, các loại hình thương mại trên địa bàn huyện hiện nay còn đơn điệu, chủ yếu là loại hình chợ truyền thống, mật độ chợ trên địa bàn huyện chưa đồng đều, an toàn giao thông tại các khu vực chợ chưa được quan tâm nhiều, công tác tổ chức và quản lý chợ thiếu thống nhất trong hệ thống. Trong khi đó các loại hình dịch vụ thương mại mới đang phát triển nhưng còn manh mún, lẻ tẻ. Các mô hình thương mại hiện đại chưa phát triển một cách đồng bộ và tập trung.

Kết cấu hạ tầng: Trên địa bàn huyện Nam Trực hiện tại mạng lưới đường giao thông đường bộ có tổng chiều dài 980,3km. Trong đó: Quốc lộ: Tổng chiều dài 15,8km; Tỉnh lộ: Tổng chiều dài 45,8km; Huyện lộ: Tổng chiều dài 61,6km; Trục xã: Tổng chiều dài 136,7km và Đường thôn xóm: Tổng chiều dài 672,4km. Nam Trực là huyện có 2 sông là sông Đào và sông Hồng tiếp giáp ở phía đông và phía tây của huyện ; 9/20 xã trong huyện được trực tiếp quản lý khai thác lợi thế của sông này về vận tải và bến bãi. Trước đây Nam Trực chỉ có 2 khu vực bến bãi phục vụ neo đậu tàu thuyền vận chuyển vật liệu và chất đốt là Kinh Lũng và Nam Thanh. Những năm gần đây do nhu cầu phát triển sản xuất và lưu thông trên 2 triền sông đã hình thành nhiều khu vực bến bãi, hầu như xã nào cũng có đáp ứng một khối lượng lớn vật liệu xây dựng và chất đốt lưu thông trên địa bàn huyện. Đến nay tại Nam Trực có 4 bến đò ngang qua sông Hồng và sông Đào, 14 bến bãi bốc dỡ và tập kết vật liệu hàng hóa. Đường thủy nội địa của huyện có sông Châu Thành với chiều dài 20km chạy dọc giữa huyện nối tiếp với sông Rõng có mặt cắt sông từ 35-70m có khả năng thông thuyền hàng trăm tấn, nhiều địa phương đã và đang khai thác lợi thế của vận tải nội địa xây dựng bến bãi tập kết vật liệu xây dựng phục vụ xây dựng của địa phương. Một số bến bãi đã hình thành và khai thác ven sông Châu Thành như gềnh Nam Hải, Cổ giả Nam Tiến, Thượng Nông Bình Minh, Ngưu Trì Nam Cường, cầu vòi Hồng Quang. Các hệ thống sông cấp II đảm bảo cho thuyền vận tải nhỏ dưới 10 tấn đi lại thuận tiện cho vận chuyển hàng hoá, vật tư, sản phẩm nông nghiệp, xây dựng. Các công trình thuỷ lợi và cấp, thoát nước: Huyện Nam Trực có hai sông chính chạy qua với tổng chiều dài 29,4km, trong đó: Sông Hồng 15,1 m, sông Đào 14,3km. Đây là hai nguồn cung cấp nước quan trọng cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dân sinh. Ngoài hai sông chính, Nam Trực còn có các sông lớn như: Châu Thành, Rõng, An Lá,... Các sông này chảy qua huyện tạo thành mạng lưới tưới tiêu thuận tiện. Hệ thống đê hữu Hồng và đê Tả Đào đã được hình thành và phát triển từ lâu đời, đây không những là các tuyến ngăn nước mà còn phục vụ đắc lực cho giao thông đi lại và vận chuyển nông sản cho nhân dân. Trong những năm qua khoảng 15,1 km đê Hữu Hồng đi qua huyện đã được tôn cao mặt đê và bê tông hóa hình thành nên tuyến ngăn nước vững chắc và tạo thuận tiện cho giao thông. Đê Tả Đào chạy qua các xã phía tây huyện có chiều dài khoảng 14,3 km, hiện mặt đê đã được cứng hoá 100%, trong đó bê tông hoá 15/29,4 km; rải đá cấp phối 14,3km, tuy nhiên chất lượng mặt đê một số đoạn đã xuống cấp.

Về hiện trạng lưới chuyển tải điện: Nguồn cung cấp điện cho tỉnh Nam Định chủ yếu từ trạm nguồn 220/110KV Nam Định - E37 (công suất 2x125MVA) nằm trên địa bàn huyện Mỹ Lộc. Ngoài ra, Nam Định còn nhận nguồn từ trạm 220/110KV Ninh Bình (công suất 2x125MVA) qua Đường dây 110KV Ninh Bình Trình Xuyên. Hệ thống trạm trên địa bàn huyện gồm trạm Nam Ninh (E3.12) và 3 trạm trung gian. Mang tải của các Đường dây trung thế sau trạm trung gian: Trạm trung gian Chợ Chùa điện áp 35/10 công suất 2x3200 KVA, mang tải 80%. Sản lượng điện thương phẩm đạt 135,14 triệu kWh, bình quân mỗi năm tăng 18,7 kWh, là một trong những huyện có mức tiêu thụ sản lượng điện đứng đầu toàn tỉnh. Toàn huyện có hàng nghìn km đường dây cao thế, trung thế, hạ thế tiếp điện về các trạm điện cơ sở, 100% điểm dân cư có điện và 100% số hộ trên địa bàn dùng điện

Mạng phục vụ Bưu chính hiện nay đã được phát triển rộng khắp trong toàn huyện đáp ứng các dịch vụ bưu chính cơ bản. Theo thống kê, đến năm 2010, tất cả các xã đã có điểm phục vụ, trong đó có 5 bưu cục và 20 điểm bưu điện văn hoá xã. Bán kính phục vụ bình quân là 2-3km/điểm;

Hiện tại có 11 xã có đài truyền thanh không dây, gần 600 loa phát thanh, tuy nhiên trang thiết bị đài phát thanh của huyện và xã đã xuống cấp. Mạng viễn thông phát triển mạnh với các công nghệ hiện đại tương đương với mức trung bình cuả tỉnh. Trên địa bàn huyện có 3 tổng đài: Khu vực Nam Giang, Cầu Vòi, Cổ Giả. Tổng số thuê bao hiện có: điện thoại cố định, di động Vinafone, Viettel, Mobile trên 60.000 thuê bao, 30 máy/ 100 dân, dịch vụ Internet ADSL: 3.150 thuê bao; dịch vụ đường truyền cáp quang 160 thuê bao; tổng số trạm BTS cả 2G và 3G là 26 trạm

Nhìn chung, cùng với sự phát triển nhanh của mạng lưới thông tin trong tỉnh, mạng lưới bưu chính, viễn thông, thông tin trong huyện đã đáp ứng được yêu cầu thông tin phục vụ sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của người dân. Mạng thông tin phục vụ công tác quản lý ngày càng hiện đại đã đáp ứng được đầy đủ và kịp thời công tác thông tin phục vụ yêu cầu chỉ đạo, điều hành quản lý của các cấp lãnh đạo. Hạ tầng viễn thông, thông tin của Nam Trực đã có những bước phát triển mạnh, mạng viễn thông trên địa bàn được trang bị tổng đài hiện đại, đáp ứng tốt các dịch vụ và có khả năng nâng cấp, cung cấp các dịch vụ mới. Tuy nhiên, so với cả tỉnh, mức sử dụng dịch vụ viễn thông và Internet của Nam Trực vẫn thấp hơn.

Tóm lại: Nền kinh tế của huyện đã có những bước chuyển biến tích cực. Giá trị sản xuất của các ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đều tăng, trong đó đặc biệt là sản xuất công nghiệp và dịch vụ có bước phát triển cao. Cơ cấu kinh tế đã có bước chuyển dịch theo hướng tích cực, đời sống của đại bộ phận dân cư ngày càng được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng GTSX giai đoạn 2011-2013 bình quân 6,76%/năm (theo so sánh 2010). Cơ cấu nền kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực: Tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ; giảm dần tỷ trọng ngành nông - lâm - ngư nghiệp. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp/ha canh tác năm 2013 đạt 89,61 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tăng hàng năm 20%. Huyện Nam Trực là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, là vùng quê đất học, đất nghề. Toàn huyện có tới 3 trạng nguyên trong tổng số 5 trạng nguyên của tỉnh Nam Định. Đó là trạng nguyên Nguyễn Hiền đỗ trạng khi mới 13 tuổi, được mệnh danh là Thần đồng đất Việt, trạng nguyên Vũ Tuấn Chiêu, trạng nguyên Trần Văn Bảo, Trạn nguyên Vũ Tuấn Chiêu. Trải dài theo lịch sử, người dân Nam Trực đã đóng góp cho đất nước nhiều hiền tài, những nhà khoa bảng xuất sắc, những trí sỹ cách mạng,... góp phần tô thắm và làm rạng rỡ lịch sử quê hương. Đây là những điều kiện vô cùng quan trọng để huyện phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển công nghiệp - TTCN năng động, đa dạng để hoà nhập với xu thế phát triển kinh tế xã hội, khoa học kỹ thuật của tỉnh.

image advertisement

anh tin bai

anh tin bai



image advertisement
image advertisement


anh tin bai
anh tin bai







image advertisement
image advertisement

 anh tin bai

image advertisement



Video Sự Kiện
  • Tuần lễ Văn Hoá - Giáo Dục huyện Nam Trực - Nam Định lần thứ XII - Năm 2023
  • Các điển hình Dân vận khéo năm 2023 huyện Nam Trực
  • Hạ nhiệt mùa hè cùng ngành điện
  • Nam Trực - Điểm sáng trong phát triển sự nghiệp Thể dục - Thể thao
1 2 3