image banner
ĐẢNG BỘ,CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NAM TRỰC QUYẾT TÂM XÂY DỰNG HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO


image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
ĐẤT VÀ NGƯỜI NAM TRỰC QUA CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA
Lượt xem: 5019

Nam Trực nằm ở vị trí trung tâm tỉnh Nam Định có lịch sử phát triển lâu đời, nơi lưu đậm dấu ấn văn minh của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Huyện Nam Trực gồm 19 xã, 01 thị trấn, ở từng khu vực hành chính đó còn dày đặc những dấu ấn văn hóa truyền thống thể hiện ở các công trình kiến trúc như: Đình, chùa, đền, miếu, phủ, lăng mộ, nhà thờ, từ đường dòng họ... các di tích được trải dọc theo suốt chiều dài lịch sử, không có thời nào không để lại dấu ấn phản ánh sự phát triển liên tục, đóng góp của đất và người Nam Trực trong công cuộc dựng nước và giữ nước, điều đó được thể hiện qua các di tích như: Đình, đền, chùa, miếu, lăng mộ, nhà thờ, từ đường dòng họ...

          1. Đình, đền thờ các nhân vật thời Hùng Vương

          Đình (Đền Đá): thôn Nam Hà, xã Tân Thịnh thờ ba vị tướng thời Hùng Duệ Vương. Tương truyền xưa có ông Vũ Sơn người Châu Ái (Thanh Hóa) chuyên làm nghề thầy thuốc và dạy học, bỏ quê hương tìm đường sinh sống. Khi đến làng Kim Âu, huyện Giao Thủy, phủ Thiên Trường (nay là xã Tân Thịnh, huyện Nam Trực) ông đã xin ở lại làm ăn. Ông lấy bà Hoàng Thị Loan người làng Kim Âu sinh được hai người con là Gia Sửu và Chính Ngọ. Bà Loan mất sớm ông Vũ Sơn lấy bà Trần Thị Thịnh, bà Thịnh sau sinh ra ông Vũ Uy. Sau khi cha mẹ qua đời 3 anh em ra đầu quân, được Vua Hùng Duệ Vương yêu quý và phong làm tướng. Quân Thục sang xâm chiếm, ba ông đã về làng Kim Âu mộ thêm binh lính để đi chiến đấu. Sau khi chiến thắng trở về ba ông về quê chia Kim Âu thành 3 làng Võ Lao, Thượng Lao và Nam Hà và chia nhau mỗi người một làng, khuyên dân chăm lo nông trang, lấy cấy lúa làm đầu, dựng nhà dạy học cho con em trong làng. Sau khi mất dân làng lập đền thờ các ông. Đền Đá xã Tân Thịnh là một công trình kiến trúc độc đáo thời Hậu Lê. Đền được xếp hạng cấp Quốc gia năm 1992.

          Đền Tây: thôn Vân Đồn, xã Nghĩa An là di tích thờ Thủy Hải Ô Long, ông là một tướng thời Hùng Duệ Vương có công đánh giặc bảo vệ đất nước và còn là một người con quê hương có nhiều công lao đối với nhân dân Bảo Đồn xưa, nay là thôn Vân Đồn, xã Nghĩa An. Đền Tây là một công trình kiến trúc cổ với nhiều cấu kiệu, nhiều mảng chạm khắc từ thế kỷ thứ XVII, XVIII. Đền được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 1997.

          2. Di tích liên quan đến thời kỳ Bắc thuộc, chống Bắc thuộc

          Đền Quán Các: xã Tân Thịnh là di tích thờ nữ tướng Trịnh Thị Cực Nương, người con của mảnh đất này đã phất cờ khởi nghĩa ủng hộ cuộc kháng chiến chống quân Đông Hán xâm lược của Hai Bà Trưng. Là di tích thờ một nữ tướng góp phần trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, đặc biệt là giai đoạn đầu của sự nghiệp dựng nước và giữ nước của tổ tiên ta.

          Đền Quán Các là di tích mang đậm phong cách kiến trúc cổ truyền dân tộc, ở đây còn lưu giữ được nhiều cổ vật, cổ thư từ thế kỷ XVI, XVII và nhiều di vật khác có giá trị, mở ra triển vọng lớn về khai thác truyền thống chống giặc ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam. Đền được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 1998.

          Hệ thống di tích thờ Triệu Việt Vương: Nam Trực có 18 di tích thờ Triệu Việt Vương, tiêu biểu là cá di tích cấp Quốc gia: Đền Giáp Ba (Nam Giang, Đền Đồng Qũy ( Nam Tiến)...

          3. Hệ thống di tích liên quan đến thời quốc gia độc lập (thế kỷ X – XIX)

          * Các di tích liên quan đến thời Đinh Tiền Lê:

           Đền Xám: thôn Lạc Đạo, xã Hồng Quang thờ Trần Minh Công tức Trần Lãm. Thời Ngô Vương dựng nước, 12 xứ quân Cát cứ dẫn đến tình trạng tranh chấp thôn tính lẫn nhau. Cuối năm 967, loạn 12 xứ quân bị dập tắt và đất nước trở lại thanh bình. Năm 968 Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng Đế phong Trần Lãm chức Phụ dực quốc chính Thượng tướng công, cấp cho thực ấp tại đạo Sơn Nam (nay là Nam Định). Trần Lãm làm quan đến năm 60 tuổi thì dâng sớ xin về trí sở tại trang Lạc Đạo. Về sống tại trang Lạc Đạo, ông khuyến khích nông trang, dậy dân cày cấy. Ông mất tại trang Lạc Đạo. Đình Xám là công trình kiến trúc rất tinh xảo, đặc biệt là bộ cánh cửa, hệ thống cột ở cung Đệ Nhị với phong cách chạm lộng, thông phong rồng, khỉ, hoa lá, cỏ cây... rất tinh xảo. Đền Xám được xếp hạng di tích cấp Quốc gia năm 1964.

          Đền Gin: thôn Chiền, xã Nam Dương là di tích có giá trị tiêu biểu về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật. Ngôi đền là nơi phụng thờ và tri ân công đức của nhân dân địa phương đối với Sứ quân Kiều Công Hãn, vị tướng giúp Ngô Quyền đánh thắng quân xâm lược Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938, mở đầu thời kỳ độc lập tự chủ của dân tộc. Sau khi nhà Ngô suy yếu, Kiều Công Hãn tập hợp lực lượng xây dựng căn cứ tại Phong Châu (Thú Thọ) , trở thành 1 trong 12 sứ quân cát cứ trong bối cảnh đất nước loạn ly, chia cắt. Mặc dù, Sứ quân Kiều Công Hãn hy sinh giữa trận tiền khi chưa thực hiện được chí hướng dựng nghiệp lớn nhưng chiến công của ông vẫn sống mãi trong ký ức dân gian, trong sự ngưỡng mộ và khâm phục của người dân địa phương và trở thành Thành hoàng làng của bốn làng (xã): Bái Dương, Tang Trữ, Hiệp Luật, Cổ Lũng. Sự hy sinh của Sứ Kiều Công Hãn tại Lũng Kiều, Hiệp Luật (thôn Chiền, xã Nam Dương, Huyện Nam Trực) còn nói lên vai trò, vị trí vùng đất Nam Trực trong sự nghiệp thống nhất đất nước của Đinh Bộ Lĩnh.

Công trình kiến trúc đền Gin có qui mô lớn được bố cục đăng đối, hài hòa. Đền Gin là di tích còn bảo lưu gần như trọn vẹn phong cách kiến trúc thời Hậu Lê, thế kỷ thứ XVII- XVIII thể hiện bàn tay lao động tài tình và khối óc sáng tạo của nghệ nhân dân gian. Lễ hội đền Gin là một trong 10 lễ hội lớn của tỉnh Nam Định, lễ hội diễn ra từ ngày mùng tám đến ngày mùng mười tháng chạp (âm lịch), với các nghi thức và sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc như: rước kiệu, tế, rước nước, hát chèo, chọi gà...Đặc biệt, trong lễ hội có tục “tế cá trắm đen”, ôn lại sự tích nhân dân địa phương đã dâng gỏi cá trắm cho Sứ quân Kiều Công Hãn trước khi hóa thần. Đền được xếp hạng di tích văn hóa cấp Quốc gia năm 1964.

          Đền An Lá: thôn An Lá, xã Nghĩa An thờ Nguyễn Tấn, một vị tướng của nhà Đinh (Thế kỷ thứ X), nhà Đinh phong cho ông là Kiếm Nghĩa Hầu. Khi nghe tin vua Đinh bị giết hại, Nguyễn Tấn đã tập hợp lực lượng chuẩn bị báo thù. Nhưng vì tuổi cao sức yếu lại lâm bệnh nặng lên một thời gian sau ông mất tại quê nhà. Nhân dân vô cùng thương tiếc lập đền thờ ông để phụng sự. Đền An Lá được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1989.

          * Các di tích liên quan đến thời Lý - Trần:

          Chùa Đại Bi: thị trấn Nam Giang, tương truyền được xây dựng từ thời Lý Nhân Tông cùng với thờ Phật, chùa còn thờ Từ Đạo Hạnh nhân vật tu hành phật giáo nổi tiếng thời Lý. Chùa Bi có kiến trúc độc đáo, nằm trên một vùng đất rộng, theo truyền thuyết đất này có hình con rồng, hai bên cửa chùa có hai giếng nước là 2 mắt rồng. Kiến trúc chùa theo kiểu “Nội công ngoại quốc” và chùa được xếp hạng cấp Quốc gia năm 1963.

          Chùa Như (Viên Quang Tự): thôn Tây Lạc, xã Đồng Sơn thờ 3 vị thánh tổ là Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không và Nguyễn Giác Hải. Chùa còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật quý hiếm như: Bia đá, sắc phong, đại tự, chuông đồng, tượng pháp... Hiện tại chùa có 2 cây Đại có niên đại trên 700 năm và 400 năm tuổi được công nhận là cây di sản văn hóa.

          Đình Vị Khê: thôn Vị Khê, xã Điền Xá, thờ Thái Úy Tô Trung Tự. Mùa xuân năm Tân Mùi (1211) Thái Tử Sảm lên ngôi là Lý Huệ Tông. Nhà vua đã lập Trần Thị Dung là nguyên phi, Tô Trung Tự được phong chức Thái úy phụ chính, cũng vào năm đó Tô Trung Tự đã đến Nguyễn Gia Trang, thấy nơi đây là một vùng đất đẹp, ruộng đất phù sa màu mỡ, dân cư thuần phát nên đã cho lập hành cung để đi lại. Về sống tại đây, ngoài việc khuyến khích sản xuất mở rộng nghề nông trang, ông còn dạy nhân dân địa phương trồng hoa, cây cảnh. Di tích Đình Vị Khê là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa dân gian đặc biệt là lễ hội hoa cây cảnh Vị Khê hàng năm được tổ chức từ ngày 12 đến ngày 16 tháng giêng. Đình được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh năm 2004.

         Đền Thanh Khê: thôn Thanh Khê, xã Nam Cường là nơi thờ vị Thành hoàng bản cảnh Chiêu minh Viện phi Công chúa Vũ  Phương Dung. Bà là người con của quê hương, tuy xuất thân trong một gia đình nghèo nhưng bằng đức tính chăm làm, hiền thục bà được vua Lý Anh Tông tuyển về cung làm Nguyên phi. Với ý nghĩa là di tích thờ Nguyên phi của vua Lý còn cho chúng ta thấy đây là địa danh cổ của tỉnh Nam Định. Đền được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh năm 2005.

          Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền: thôn Dương A, xã Nam Thắng. Trạng nguyên Nguyễn Hiền tự là Khôi Nguyên, người làng Dương Miện, huyện Thượng Hiền, phủ Thiên Trường, lộ Nam Sơn. Ông sinh ra trong hoàn cảnh cha mất sớm, mẹ cho ông đến học sư thầy chùa Dương A cùng làng. Lúc 13 tuổi tiếng tăm vang dội đến kinh thành ông là thần đồng xuất khẩu thành chương. Khoa thi Hương Bính Ngọ (1246) đỗ Giải Nguyên; khoa thi Hội Đinh Mùi (1247) đỗ Hội Nguyên; đến khoa thi Đình niên hiệu Thiên ứng Chính Bình đỗ Trạng Nguyên. Nguyễn Hiền là người đầu tiên ở nước ta đỗ thủ khoa liên tiếp 3 kỳ thi: Hương, Hội, Đình rồi làm quan đến chức Thượng Thư Bộ Công Ngự Sử Đài, Đô Ngự Sử. Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1994.

          Đình Vân Chàng: thôn Vân Chàng, thị trấn Nam Giang là nơi thờ tự và tri ân công đức của nhân dân địa phương đối với Lục Vị Tổ Sư là Phạm Nguyệt, Tử Cung, Tử Hầu, Nguyễn Nga, Nguyễn Thận và Đỗ Bào quê ở làng Hoa Chàng (nay thuộc huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) những người đã có công lớn truyền dạy nghề rèn cho nhân dân địa phương dưới triều vua Trần Nhân Tông (1279-1293). Đền được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh năm 2016.

          Xối Thượng và đền Thượng Lao: Đền thôn Xối Thượng và Thượng Lao xã Nam Thanh là 2 di tích có giá trị về mặt lịch sử, nơi đây thờ 2 vị đại khoa thời Trần là Bảng nhãn Lê Hiến Giản và Tiến sỹ Lê Hiến Tứ. Vùng đất Thượng Lao và Xối Thượng xã Nam Thanh là quê hương của 2 vị đại khoa, nơi mà các ông sinh ra trưởng thành và thành đạt trên con đường khoa cử. Có thể nói đây là vùng đất “địa linh” đã sản sinh cho đất nước 2 nhân vật kiệt xuất và tiêu biểu cho lịch sử khoa cử nước ta vào thời Trần, đó là 2 anh em cùng sinh 1 ngày, cùng đỗ 1 khoa, cùng làm quan 1 triều và cùng mất 1 ngày. Họ xuất thân trong gia đình bình dân nhưng bằng con đường khổ luyện dùi mài kinh sử, họ đã thành tài và mãi là tấm gương sáng cho biết bao thế hệ noi theo. Năm 2001 Đền Thượng Lao và đền Xối Thượng được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 2001.

           Đình Xuân Lôi: thôn Cổ Ra, xã Nam Hùng thờ trạng nguyên Vũ Tuấn Chiêu. Vũ Tuấn Chiêu sinh năm 1425 tại làng Xuân Lôi, tổng Cổ Ra, xứ Sơn Nam nay là xóm Xuân Lôi, thôn Cổ Ra, xã Nam Hùng. Ông đỗ trạng nguyên năm Ất Mùi, niên hiệu Hồng Đức thứ 6 (1475). Ông là tấm gương sáng nêu cao triết lý “Nước chảy đá mòn thì việc học hành cũng thế” trên tinh thần đó Đền thờ ông đã được nhân dân xây dựng tồn tại và phát triển. Những giá trị lịch sử tiêu biểu của di tích Đình quan Trạng góp phần tích cực vào sự nghiệp giáo dục, truyền thống yêu nước, truyền thống hiếu học, nêu cao đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của nhân dân ta xưa và nay. Đình được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2013.

           Đền Đồng Phù: thôn Đồng Phù, xã Nam Mỹ là di tích thờ bà Trần Thị Ngọc Trân cháu nội Thái tử Trần Chiêu Đức - Thủy tổ họ Trần làng Vô Hoạn xã Nam Mỹ. Trong những năm sinh sống ở quê hương bà lấy nghề làm thuốc để cứu dân thoát khỏi bệnh dịch để lại tiếng tốt trong dân gian. Các triều đại phong kiến đã ban tặng nhiều sắc phong suy tôn bà là thần làng với duệ hiệu: Quế hoa Công Chúa Thượng Đẳng Thần. Đền được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh năm 2005.

        Chùa Vân Đồn: thôn Vân Đồn, xã Nghĩa An. Chùa Vân Đồn là một công trình tôn giáo tín ngưỡng độc đáo, với nhiều chức năng thờ cúng như Phật, Đạo giáo và Mẫu. Cùng với một số ít các ngôi quán hiện còn. Đặc biệt, đây có thể coi là ngôi quán hiếm hoi ở tỉnh Nam Định. Để nghiên cứu về lịch sử tư tưởng Việt Nam giai đoạn này, có thể nói các ngôi quán này là những dấu vết vật chất về nơi hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng của hệ tư tưởng này. Đối với việc nghiên cứu lịch sử tư tưởng, chùa Vân Đồn là một điển hình của sự hỗn dung tôn giáo của người Việt. Chùa được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh năm 2008.

Chùa Vân Đồn còn bảo lưu được một số yếu tố nguyên gốc trên kiến trúc có niên đại nửa đầu thế kỷ 17. Đây là những tư liệu qúi góp phần làm phong phú diện mạo kiến trúc cuối thế kỷ 16 nửa đầu thế kỷ 17. Cùng với giá trị kiến trúc, chùa Vân Đồn còn giữ được hệ thống tượng Đạo giáo với phong cách khá đẹp. Đây là tư liệu qúi để nghiên cứu về Đạo giáo Việt Nam cũng như về lịch sử tư tưởng trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ 17.

4. Các di tích liên quan đến cuộc kháng chiến chống Minh và thời kỳ từ nhà Lê đến nhà Nguyễn

 Đền chùa Thọ Tung: thôn Thọ Tung, xã Nam Hùng thờ Tướng quân Bùi Ngọc Oánh (1394 -1475), trải qua quá trình hình thành và phát triển ngày nay Đền còn bảo tồn được những giá trị lịch sử quan trọng đầu tiên. Bởi vì Đền được xây dựng tại quê hương của dòng họ Bùi là nơi ở của gia đình Tướng quân lúc sinh thời. Ông từng là vị “Chinh tây Phó Tướng” tài giỏi Bình Định Vương Lê Lợi là người có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh thế kỷ thứ XV. Đền được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 2001.

           Đền Am - Giáp Nhất: thôn Nhất, thị trấn Nam Giang, đền thờ Thiền Sư Bùi Huệ Tộ (1566 - 1641). Ông là một vị chân tu đã tiếp thu và truyền bá trong nhân dân những tư tưởng Phật giáo, tiến bộ về tính độc lập, tự chủ và nhân văn của Phật giáo Thiền Tông thời Trần. Thiền Sư có công xây dựng 18 chùa, đặc biệt là chùa non nước tỉnh Ninh Bình, chùa Cổ Tung xã Nam Hùng, một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu của tỉnh Nam Định. Đền được xếp hạng di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 2012.

           Đền Đông: thôn Ngọc Thỏ, xã Tân Thịnh, đền thờ Đặng Phi Hiển, ông đỗ Đệ tam giác đồng Tiến sỹ xuất thân năm Mậu Thìn niên hiệu Vĩnh Tộ 10 (1628) đời Lê Thần Tông. Ông có công dẹp phỉ được phong tước Vệ Thụy Hầu. Sau về kinh làm Đông các Đại học sỹ. Đền được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh năm 1994.

         Từ đường họ Vũ Đình: thôn Đông, xã Nam Cường thờ thủy tổ Vũ Đình Dung, thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa nông dân Ngân Già do ông lãnh đạo, là cuộc khởi nghĩa điển hình diễn ra trong khoảng thời gian từ đầu năm 1739 đến cuối năm 1740. Vào giai đoạn lịch sử này, khởi nghĩa Ngân Già do thủ lĩnh Vũ Đình Dung lãnh đạo cùng với nhiều cuộc khởi nghĩa tiêu biểu khác trong vùng như: khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ ở Hải Dương, Nguyễn Công Chất ở Trấn Sơn Nam... đã dóng lên một hồi chuông cảnh báo sự suy vong của triều đình phong kiến thời Lê - Trịnh vào Thế kỷ XVII- XVIII trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, bùng lên một phong trào khởi nghĩa nông dân rộng khắp và kéo dài liên tục nhiều năm. Từ đường được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2008.

           Đền Nho Lâm: thôn Nho Lâm, xã Bình Minh, đền thờ 4 vị tướng họ Trần có công giúp vua Quang Trung đánh đuổi giặc Thanh xâm lược, bốn ông là người thôn Nho Lâm đó là: Uy Liệt tướng quân, Quán quân Trung Thành của tiền triều tước Giáp Ngọc Hầu Trần Bá Giáp; Cựu triều Chi sự Trần Bá Hai; Cựu triều Phó hiệu úy, tước Ngọc Đức Trần Bá Ngọc; Cựu triều Phó hiệu úy Dũng Đức tử trần Bá Dũng. Đền được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh năm 1997.

          5. Di tích gắn với phong trào yêu nước chống Pháp trước năm 1930

          Đền Giao Cù: xã Đồng Sơn thờ thần Thiên Lôi tức Thần Sấm và Tiến sĩ Vũ Hữu Lợi. Năm 1887 khi Vũ Hữu Lợi bị giặc Pháp giết hại tại quê nhà nhân dân đã lập bài vị của ông đưa vào thờ trong đền của làng. Bài vị ghi “Nguyễn triều sắc tứ Ất Hợi khoa Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân Quang Lộc tự thiếu khanh Biện lý Binh bộ sự vụ, lĩnh Nam Định tỉnh Thượng biện, tự Ngọc Tuân, hiệu là Nghĩa Phẫn Vũ Đại nhân thần vị”. Đền được xếp hạng di tích cấp Quốc gia năm 1990.

6. Di tích cách mạng và kháng chiến

          Chùa Hưng Đễ: thôn Hưng Đễ, xã Nam Hoa là di tích ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử tiêu biểu của phong trào đấu tranh cách mạng. Năm 1938 chùa Hưng Đễ là nơi thành lập Đoàn thanh niên dân chủ của huyện Nam Trực. Tiếp đến vào thời kỳ cả nước đang chuẩn bị tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền, chùa Hưng Đễ là nơi tổ chức học tập quán triệt Nghị quyết “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” do Trung ương Đảng phát động. Đồng chí Nguyễn Ngọc Hồ (Hồ Đen) là thành viên Ban cán sự Đảng trực tiếp về chủ trì hội nghị. Chùa được xếp hạng di tích lịch sử cấp Tỉnh năm 2007.

          7. Hệ thống các từ đường dòng họ

          Nam Trực với trên 100 từ đường thờ các vị tổ, trong đó có 13 từ đường được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, là nơi tri ân của con cháu các dòng họ và nhân dân địa phương với vị Tổ có công tạo dựng làng xã, những vị quan thanh liêm có công với dân, với nước, những nhà khoa bảng, những vị tổ nghề...Trong đó, tiêu biểu như từ đường họ Vũ, họ Phạm, họ Nguyễn Đình (Nam Cường); họ Triệu (Nam Hoa); họ Đỗ, họ Nguyễn (Nam Tiến); họ Đặng, họ Vũ (Nam Hồng); họ Đỗ Đình (Điền Xá); họ Phạm (Nam Thái); họ Tống (Tân Thịnh); họ Vũ (Đồng Sơn)... Đặc biệt hiện có tới 21 ngôi từ đường thờ các nhà khoa bảng có quê gốc tại Nam Trực, điều này minh chứng từ xa xưa Nam Trực là vùng đất có truyền thống học hành khoa bảng, cung cấp nhân tài cho đất nước. Ngoài ra từ đường vừa là nơi lưu giữ thân thế sự nghiệp của các nhà khoa bảng, vừa là nơi khơi nguồn cho truyền thống phát triển học tập thi cử của các thế hệ mai sau.

          Hiện nay, Nam Trực có 397 di tích với 450 công trình kiến trúc (trong tổng số 1.655 di tích của tỉnh Nam Định), có 61 di tích được xếp hạng trong đó có 13 di tích cấp quốc gia, 48 di tích cấp tỉnh trong tổng số 350 di tích tỉnh Nam Định được xếp hạng của tỉnh Nam Định. Đây là tài sản vô cùng quý báu, là kết tinh trí tuệ, tình cảm, truyền thống của các thế hệ người dân Nam Trực. Những giá trị về kiến trúc nghệ thuật, những lễ hội sinh động và linh thiêng gắn với sự tích của nhân vật được lưu giữ tại di tích như: câu đối, đại tự, sắc phong, thần phả, chuông, khánh, đặc biệt là bia ký...Chính là một bảo tàng sinh động, một kho tư liệu quý phản ánh nhiều chiều về từng mảnh đất con người, từng thời kỳ lịch sử và giai đoạn phát triển của tín ngưỡng, tôn giáo trong tâm thức người dân Nam Trực./.

                                   Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo huyện Nam Trực

image advertisement

anh tin bai

anh tin bai



image advertisement
image advertisement


anh tin bai
anh tin bai







image advertisement
image advertisement

 anh tin bai

image advertisement



Video Sự Kiện
  • Tuần lễ Văn Hoá - Giáo Dục huyện Nam Trực - Nam Định lần thứ XII - Năm 2023
  • Các điển hình Dân vận khéo năm 2023 huyện Nam Trực
  • Hạ nhiệt mùa hè cùng ngành điện
  • Nam Trực - Điểm sáng trong phát triển sự nghiệp Thể dục - Thể thao
1 2 3