image banner
ĐẢNG BỘ,CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NAM TRỰC QUYẾT TÂM XÂY DỰNG HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO


image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Lễ hội hoa cây cảnh Vị Khê góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống
Lượt xem: 5171

Lễ hội hoa cây cảnh Vị Khê hàng năm được tổ chức từ ngày 12-16 tháng Giêng âm lịch tại ngôi Đình thờ Thành Hoàng làng và Ông Tổ nghề Hoa cây cảnh Tô Trung Tự. Đây là lễ hội mang sắc thái văn hoá truyền thống làng nghề để tưởng nhớ, tôn vinh công của Ông Tổ nghề Tô Trung Tự - người đã truyền dạy nghề trồng hoa, cây cảnh cho nhân dân địa phương làm kế sinh nghiệp lâu dài.

Năm Kỷ Tỵ (1029) quan Thượng phẩm phụng ngự Phạm Bỉnh Di bị giết, tướng của Bỉnh Di là Quách Bốc đem quân nổi loạn chiếm kinh thành. Vua Lý Cao Tông cùng Thái Tử Sảm chạy về Hải Ấp (nay là Hưng Nhân - Thái Bình) ở nhà Trần Lý, thấy con gái Trần Lý là Trần Thị Dung sinh đẹp bèn lấy làm vợ rồi phong cho Trần Lý chức Minh tự, phong cho Tô Trung Tự - cậu ruột của Trần Thị Dung chức Điện tiền Chỉ huy sứ. Mùa xuân năm Tân Mùi (1211) Thái tử Sảm lên ngôi là Lý Huệ Tông. Nhà vua lập Trần Thị Dung là Nguyên phi, Tô Trung Tự được phong chức Thái uý phụ chính. Cũng vào năm Tân Mùi, Thái Uý Tô Trung Tự đến Nguyễn Gia Trang, thấy nơi đây là vùng đất đẹp, ruộng đất phù sa màu mỡ, dân cư thuần phác nên đã cho lập Hành Cung để đi lại. Thái Uý đem quân tu sửa Toà thành gần chợ Bình Giã thành một Toà thành kiên cố để phòng thủ, ông còn cho đào con sông nhỏ vào phía nam chợ để thuyền buôn đi lại dễ dàng. Về sống tại đây, Tô Trung Tự ngoài việc khuyến khích sản xuất mở rộng nghề nông trang, ông còn dạy nhân dân địa phương trồng hoa cây cảnh làm kế sinh nghiệp.

Nhà Trần nên ngôi vào năm 1225 đã biến Hành Cung Thiên Trường thành kinh đô lớn thứ 2 sau Kinh Đô Thăng Long. Cùng với các cung Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam (nay thuộc xã Mỹ Trung, Mỹ Phúc) và thái ấp Quắc Hương (Bình Lục), Cao Đài Mỹ Thành thì làng hoa Vị Khê lúc bấy giờ được phát triển để phục vụ Cung Đình trở thành nơi hưởng thụ của các Vương công, Quý tộc.

Lễ hội Hoa cây cảnh Vị Khê là một không gian mở, phần lễ gồm các nghi lễ: Tế Nam Quan, Tế Nữ Quan, rước hoa cây cảnh về đình làng dâng hương Ông Tổ làng nghề. Phần hội gồm các hoạt động: trưng bày những loại hoa quý, những cây cảnh, cây thế độc đáo, biểu diễn văn nghệ và các trò chơi dân gian… Lễ hội đặc biệt hấp dẫn và sôi động với các cuộc thi tay nghề, tạo thế cây cảnh, trưng bày cây cảnh.

Rước hoa cây cảnh là nghi thức đặc biệt quan trọng không thể thiếu trong lễ hội hoa cây cảnh Vị Khê; lễ vật có lợn quay, xôi, hoa quả... đặc biệt là cây cảnh - lễ vật mang tính đặc trưng của làng nghề hoa cây cảnh Vị Khê. Để có được cây cảnh tham gia rước và là lễ vật dâng lên Đức Thành Hoàng Làng và Ông Tổ nghề trồng hoa cây cảnh, cây cảnh phải trải qua một quá trình tuyển chọn hết sức công phu, kỹ lưỡng, tuân thủ theo các quy định của làng. Trước hết cây phải do chính người dân Vị Khê trồng, chăm sóc, tạo thế ngay trên đất làng Vị Khê, không phải là cây mua từ các địa phương khác đem về. Mỗi năm là một cây khác nhau những cây đã dự lễ những năm trước không được tuyển chọn, giống cây phải khác nhau nếu cùng giống thì phải khác thế. Trong nghi thức rước cây hàng năm chỉ có 5 cây đại diện cho 5 xóm: Xóm Cao Bình, xóm Cống, xóm Hoàng Đồng, xóm Đình, xóm Trại được vinh dự tham gia, vì vậy ngoài những quy định được coi là “lệ làng” ở trên thì việc tuyển chọn cây của các xóm được tổ chức hết sức chặt chẽ công khai công bằng và dân chủ. Việc tuyển chọn cây được diễn ra từ nhiều năm trước qua nhiều vòng tuyển chọn với sự tham gia của “hội đồng tuyển chọn” gồm các nghệ nhân ở nhiều lứa tuổi khác nhau, từ các nghệ nhân bậc tuổi cao niên, nghệ nhân trung niên đến những người thợ làm vườn trẻ tuổi để đảm bảo yếu tố truyền thống gắn kết với sức sáng tạo của tuổi trẻ, bảo tồn yếu tố gốc làng nghề truyền thống kết hợp hài hoà với sự phát triển mang hơi thở của thời đại. “Hội đồng tuyển chọn” còn có sự tham gia của các tổ chức đoàn hội như: Hội người cao tuổi, hội Cựu chiến binh, hội Sinh vật cảnh… Những cây cảnh được tuyển chọn qua vòng sơ khảo từ nhiều năm trước đảm bảo được các quy định của làng sẽ được “hội đồng tuyển chọn” kiểm tra và tổ chức bỏ phiếu, cây nào có số phiếu cao nhất sẽ được đại diện cho xóm tham gia “lễ rước” và là “lễ vật” dâng lên Đức Thành Hoàng làng và Ông Tổ nghề hoa cây cảnh Tô Trung Tự.

Nghi thức rước hoa cây cảnh được dân làng Vị Khê tổ chức trong không khí trang nghiêm có sự tham gia của hàng nghìn người từ khắp nơi hội tụ về dự lễ. Trong đó không thể thiếu những người từ những làng nghề trồng hoa cây cảnh ở khắp các vùng quê, các tỉnh thành dù trong bất cứ điều kiện hoàn cảnh nào cứ đến ngày 12 tháng Giêng âm lịch hàng năm đều về với làng Vị Khê để tham dự lễ hội.

Ngay từ sáng sớm ngày 12 tháng Giêng âm lịch, dân làng và du khách thập phương đã về tề tựu đông đủ tại chùa Vị Khê để chuẩn bị cho phần rước lễ. Đoàn rước xuất phát từ chùa Vị Khê theo đê sông Hồng xuôi về phía hạ lưu. Đi đầu đoàn rước là 2 con Rồng vải, tiếp theo là Tứ linh được trang trí lộng lẫy, uy nghi múa lượn theo nhịp trống, sau đó là đội múa lân, đội cờ, đội bát âm… Tiếp theo là 5 cây cảnh của 5 xóm (lễ vật) quan trọng trong lễ hội, trước đây 5 cây của 5 xóm được tuyển chọn là những cây nhỏ đặt trên kiệu có từ 8 đến 16 người khiêng, ngày nay cây được trở trên các xe tải nhỏ trang trí cờ Tổ quốc, cờ hội, cờ Hồng kỳ, băng zôn… hết sức lộng lẫy. Thứ tự xe “cây lễ vật” được tổ chức hết sức chặt chẽ theo quy định truyền thống. Đi đầu là xóm Cao Bình (Minh Khai), kế tiếp là xóm Cống (Trần Phú), tiếp theo là xóm Hoàng Đồng (Hoàng Văn Thụ), kế tiếp là xóm Đình (Lê Thăng) và cuối cùng là xóm Trại (Hoàng Ngân) đi trước mỗi xe lễ vật của các xóm là đội cờ, đội bát âm, đội tế Nam Quan, tế Nữ quan... Đoàn rước dài khoảng 500m có sự tham gia của hàng nghìn người trong trang phục truyền thống cùng với cờ xí, ô lọng hoà cùng tiếng nhạc, tiếng trống rộn rã được cử hành trên triền đê sông Hồng dài khoảng 3000m trong không khí đầu xuân tiết trời se se lạnh, mưa bụi lất phất bay theo chiều gió đông nhè nhẹ thổi từ phía sông Hồng. Đoàn rước đi trong một không gian thơ mộng, giữa một bên là sông Hồng với bãi bồi phù sa trải dài những thảm cỏ xanh, những vườn hoa đua nhau khoe sắc… với một bên là làng mạc trù phú xa tít tầm mắt toàn màu xanh của những cây cảnh, cây thế, những vườn hoa được tô điểm thêm những mái ngói đỏ tươi của những căn hộ, những ngôi biệt thự cao tầng, những nhà vườn mang đậm nét kiến trúc cổ truyền dân tộc. Đi hết đoạn đê sông Hồng đoàn rước đi vào đường làng, ngõ xóm quanh co uốn lượn, lúc này bức tranh của làng hoa cây cảnh Vị Khê lại được tô điểm thêm những nét chấm phá mới mà có lẽ chỉ ở Vị Khê mới có, bởi đoàn rước với chiều dài khoảng 500m, trang phục đa sắc màu, khí thế trống rong cờ mở, đi đầu là đôi Rồng vải cứ thế uốn lượn trong một không gian rộng lớn với một màu xanh bát ngát của hàng nghìn nhà vườn hoa cây cảnh trong làn mưa bụi mờ ảo của một ngày đầu xuân thực sự là bức tranh sống động huyền ảo, đa sắc màu do thiên nhiên và do chính người Vị Khê tạo ra và là dấu ấn khó quên đối với mỗi du khách đến tham gia lễ hội.

Đoàn rước về đến Đình làng các lễ vật được đưa vào trong đình để dâng lên Đức Thành Hoàng Làng và Ông Tổ nghề hoa cây cảnh Tô Trung Tự. Sau đó chính quyền địa phương cùng với nhân dân long trọng tổ chức lễ khai hội cùng với các nghi thức tế lễ long trọng diễn ra từ ngày 12 đến ngày 16 tháng giêng âm lịch.

Cũng như bao lễ hội xuân trên đất Nam Trực, lễ hội hoa cây cảnh Vị Khê có sức hút du khách với những trò chơi dân gian như cờ tướng, đánh đu, chọi gà... Song với đặc trưng của lễ hội làng nghề, lễ hội Hoa cây cảnh Vị Khê còn hấp dẫn và sôi động với cuộc thi tay nghề tạo thế cây cảnh nhằm bình chọn ra những tác phẩm đẹp nhất để trao thưởng. Đến với lễ Hoa cây cảnh Vị Khê, Nam Trực, du khách được tham dự cuộc đại triển lãm hoa, cây cảnh mà ở đây việc trưng bày hoa cây cảnh mang đầy đủ những yếu tố chung của một cuộc triển lãm; song việc trưng bày hoa, cây cảnh ở lễ hội Vị Khê còn mang một yếu tố riêng có bởi hoa, cây cảnh được trưng bày ngay trên mảnh đất “Thiêng” nơi phụng thờ ông Tổ nghề trồng hoa cây cảnh, bởi có những chậu hoa, cây thế mà người Vị Khê với bí quyết nghề tạo nên sau bao thế hệ chỉ để làm “lễ vật” rước trình Ông Tổ làng nghề hoặc chỉ để tham gia trưng bày tại lễ hội mà không mang đi tham gia bất cứ cuộc trưng bày nào khi tác phẩm đó chưa tham gia lễ hội, chưa kính trình Ông Tổ làng nghề. Cũng với một ý nghĩa trưng bày hoa, cây cảnh ở vùng đất “Thiêng” nên cuộc triển lãm hoa cây cảnh Vị Khê còn thu hút nhiều làng nghề, nhà vườn của cả nước về tham dự và cũng với một ý niệm đem về lễ hội Vị Khê để tưởng nhớ, tôn vinh công lao của Ông Tổ nghề Tô Trung Tự. Các làng nghề, nhà vườn đã đem đến những tác phẩm nghệ thuật độc đáo nhất, tinh túy nhất, giá trị nhất từ các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Huế, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hòa Bình, Hải Dương, Bình Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc... Tất cả họ đem đến lễ hội cùng với một ý niệm kính trình Ông Tổ nghề hoa cây cảnh những thành quả lao động của mình và cũng để thi thố tài năng với người Vị Khê và được tôn vinh, để rồi năm sau cuộc triển lãm này có sự tham gia của nhiều nghệ nhân hơn, nhiều tác phẩm độc đáo hơn, tinh túy hơn.

Lễ hội hoa cây cảnh Vị Khê -  Điền Xá - Nam Trực với trung tâm là Đình Vị Khê và không gian mở bán kính khoảng 3km của hàng nghìn nhà vườn, hàng triệu tác phẩm hoa cây cảnh. Cùng với triển lãm hoa cây cảnh nơi này thực sự như một vườn “Thượng Uyển” để du khách trải lòng, du ngoạn các nhà vườn trong những ngày đầu xuân. Du khách muốn được chiêm ngưỡng những cây thế cổ hãy đến với xóm Cao Bình với các nhà vườn tiêu biểu để được ngắm nhìn những cây đại thế, trung thế có nhiều cây hàng trăm tuổi ở các vườn nhà ông Vũ Cao Khảm, Vũ Cao Huy, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Văn Nhì, Lưu Văn Vinh, Nguyễn Văn Diệu... Hay với thế mạnh là các cây thế cổ và hoa địa lan với hàng ngàn chậu lan cổ, cây cổ trải qua nhiều thế hệ... Du khách hãy đến các nhà vườn xóm Cống với nhà vườn nổi tiếng của cụ Bôi, anh Vũ Duy Thêm, ông Vũ Mạnh Tưởng, nhà vườn Địa lan của ông Nguyễn Văn Khoa, Nguyễn Văn Đoàn, Nguyễn Đăng Duân, Nguyễn Văn Lập... Vòng qua xóm Hoàng Đồng du khách sẽ được thưởng ngoạn cây bon sai, cây nghệ thuật, cây trang trí với trên 100 nhà vườn tiêu biểu như nhà vườn anh Vũ Văn Hoan, Vũ Văn Tuyến, Nguyễn Thành Nam, Nguyễn Minh Đức, chị Nguyễn Thị Nhâm... Nếu du khách có thú vui ngắm nhìn Tùng La Hán, cùng các loài hoa hãy đến với xóm Đình, tới thăm nhà vườn anh Phùng Văn Bình, Nguyễn Minh Phúc, Nguyễn Văn Trường, Nguyễn Văn Việt, Nguyễn Văn Bao... Đến với xóm Trại du khách chắc ai cũng phải ngỡ ngàng trước những cây đại thế, tiểu thế, chủ yếu là giống xanh. Nằm kề bên làng Vị Khê là các làng hoa cây cảnh Lã Điền, Phú Hào, Trừng Uyên, Đỗ Xá với hàng ngàn nhà vườn tất cả tạo nên một khu sinh thái rộng lớn làm hài lòng du khách mỗi khi trải lòng mình trước một không gian xanh đầy sức sáng tạo và nghệ thuật do chính con người nơi đây tạo nên.

Lễ hội hoa cây cảnh Vị Khê với các nghi thức tế lễ, “tục” rước hoa cây cảnh, “lệ” thi, trưng bày hoa, cây cảnh mang đậm những giá trị nguyên gốc là một sợi chỉ đỏ, một gạch nối giữa quá khứ với hiện tại, bởi lễ hội là nơi trao truyền, tôn vinh những bí quyết nghề, là mạch sống khởi nguồn cho sự sáng tạo nghệ thuật của bao thế hệ người dân Vị Khê. Từ Nguyễn Gia Trang xưa - ngôi làng nhỏ bên bờ sông Hồng đỏ lặng phù sa đến làng Vị Khê rộng lớn với hàng nghìn hộ dân ngày nay; nghề trồng hoa, cây cảnh được lan toả ra khắp 20 xã, thị trấn của huyện Nam Trực; các huyện, tỉnh thành phố từ Bắc tới Nam. Và với bề dày lịch sử 800 năm hình thành và phát triển từ thời nhà Lý cùng với sự phát triển rực rỡ từ thời nhà Trần trở thành nơi hưởng thụ của các Vương công Quý tộc của các triều đại phong kiến. Lễ hội Hoa cây cảnh Vị Khê được tổ chức ngay sau lễ hội Chợ Viềng mùng 8 tháng Giêng và trước lễ hội Khai ấn Đền Trần một ngày với một không gian xanh của hàng ngàn nhà vườn bên bờ sông Hồng thực sự là điểm du lịch lễ hội tâm linh - du lịch làng nghề - du lịch sinh thái được các cấp ủy Đảng chính quyền từ huyện đến cơ sở đặc biệt quan tâm chỉ đạo và đầu tư, coi đây là một ngành kinh tế mũi nhọn của huyện nhằm thúc đẩy kinh tế xã hội của huyện phát triển lên tầm cao mới./.

Trần Duy Huyền - Phó Giám đốc Trung tâm Văn thể thao huyện Nam Trực

image advertisement

anh tin bai

anh tin bai



image advertisement
image advertisement


anh tin bai
anh tin bai







image advertisement
image advertisement

 anh tin bai

image advertisement



Video Sự Kiện
  • Tuần lễ Văn Hoá - Giáo Dục huyện Nam Trực - Nam Định lần thứ XII - Năm 2023
  • Các điển hình Dân vận khéo năm 2023 huyện Nam Trực
  • Hạ nhiệt mùa hè cùng ngành điện
  • Nam Trực - Điểm sáng trong phát triển sự nghiệp Thể dục - Thể thao
1 2 3