image banner
ĐẢNG BỘ,CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NAM TRỰC QUYẾT TÂM XÂY DỰNG HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO


image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Thánh Từ Đạo Hạnh và lễ hội chùa Đại Bi (Đại Bi Tự)
Lượt xem: 5656

Ở vùng châu thổ sông Hồng hiện tồn tại một dạng chùa khá đặc biệt được các nhà sử học gọi là chùa tiền Phật hậu Thánh, thể hiện trên nhiều mặt như: bố cục mặt bằng, kiến trúc và việc thờ phụng; có tổng thể tương đối ổn định về quy chuẩn kiến trúc, tương đồng về nội dung tôn giáo. Chùa không chỉ thờ Phật mà còn thờ Thánh (mà đôi khi, yếu tố thờ Thánh còn nổi trội hơn cả thờ Phật). Người dân tới các ngôi chùa này nhiều khi để cầu Thánh ban phúc, mà nhẹ phần cầu Phật cứu độ. Các vị Thánh, hay còn gọi là Thiền sư của Phật giáo Việt Nam có công lao, hành trạng, tiểu sử mang đậm dấu ấn riêng của từng thời kỳ lịch sử, phản ánh sâu sắc, rõ nét sự biến đổi chính trị, kinh tế, xã hội, tư tưởng Việt Nam, đặc biệt là giai đoạn từ thế kỷ X, XI đến thế kỷ XVI, XVII và kéo dài cho đến tận ngày nay…Khảo sát cho thấy, các vị Thánh được biết đến nhiều trong các ngôi chùa tiền Phật hậu Thánh là Thánh Từ Đạo Hạnh, Thánh Dương Không Lộ, Thánh Nguyễn Minh Không, Thánh Nguyễn Giác Hải và Thánh Bối (Nguyễn  Nhũ), trong đó Thánh Từ Đạo Hạnh là nhà sư nổi tiếng thời Lý, thời đầu dựng nền độc lập tự chủ của nước ta, có tiểu sử, hành trạng và nhiều công lao đối với triều Lý và nhân dân.

Tam quan chùa Đại Bi

Tư liệu có niên đại sớm nhất ghi chép nhiều về Thánh Từ Đạo Hạnh là Thiền uyển tập anh. Đây là một cuốn sách ghi lại thế thứ các dòng phái thiền ở Việt Nam vào cuối thời Bắc thuộc cho đến thời Đinh, Lê, Lý và một số thiền sư đầu Triều Trần, tức là vào khoảng cuối thế kỷ VI đến đầu thế kỷ XIII, là tài liệu cổ nhất về lịch sử Phật giáo Việt Nam hiện có. Thiền uyển tập anh có truyện về Từ Đạo Hạnh, ghi chép nhiều chi tiết quan trọng như: Gia thế, cha mẹ, tính tình, quê quán, thi đỗ khoa Bạch Liên. Thánh ẩn cư trong hang đá núi Phật tích, ngày ngày chuyên trì tụng Đại Bi Tâm Đà La Ni đủ mười vạn tám nghìn lần. Thiền uyển tập anh cho biết Thánh mất năm Hội Tường Đại Khánh thứ 3 (1112), đầu thai làm con Sùng Hiền Hầu, được lập là Thái Tử. Đến năm Thiên Phù Khánh Thọ thứ nhất (1127) mùa đông tháng 12, vua Lý Nhân Tông băng. Hoàng thái tử lên ngôi hoàng đế, năm ấy 21 tuổi, vua ở ngôi 11 năm, thụy hiệu là Thần Tông. Sách còn cho biết tương truyền Thần Tông là hậu thân của sư.

Đại Việt sử lược thời Trần có chép một số chi tiết về thiền sư Từ Đạo Hạnh: Tháng Mười hai (tháng Chạp) năm Long Thụy Thái Bình thứ tư (1057) dựng chùa Thiên Phúc. Tháng 11 năm Hội Tường Đại Khánh thứ 3 (1112), ghi các sự kiện kỳ dị liên quan đến Giác Hoàng ở Thanh Hoá được vua đón về cung, làm thuật thác sinh bị Đạo Hạnh yểm bùa, sau đó Thánh bị hạ gục, nhờ Sùng Hiền tâu vua nên được tha, tháng 6 năm Hội Tường Đại Khánh thứ 7 (1116): Sư Đạo Hạnh hoá. Năm Bính Thìn, niên hiệu Thiên Chương Bảo tự năm thứ 4 (1136): Vua Thần Tông bị bệnh, chữa thuốc không thuyên chuyển, được nhà sư Minh Không chữa khỏi.

An Nam chí lược của Lê Tắc thời Trần, quyển 15, mục “nhân vật” có thêm chi tiết: “Một hôm vào núi Phật tích, thấy một hòn đá có dấu bàn chân phải, ấn chân vào so thử, in như hệt, về nhà từ biệt mẹ, vào núi cất am tu hành... Xác của sư nay vẫn còn”.

Trong Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính còn cho rằng Từ Đạo Hạnh, Khổng Lộ, Mẫn Giác, Lư Ấn đều là bậc danh nho mà thâm thuý về Phật học.

Việt điện u linh cho biết thêm Đạo Hạnh cùng với Minh Không và Giác Hải cùng đi đến nước Sỉ Man học phép thuật và kết làm anh em. Đạo Hạnh được nhường làm anh cả, rồi đến Minh Không, Giác Hải là em thứ ba, Minh Không, Giác Hải về ở chùa Giao Thuỷ, Đạo Hạnh thì lên tu luyện ở chùa Thiên Phúc thuộc huyện Thạch Thất, Sơn Tây. Đạo Hạnh hoá vào ngày mồng 7 tháng 3 năm Hội Tường đại khánh thứ 3 (1112). Về sau, Đạo Hạnh thác sinh là vua Lý Thần Tông, mắc bệnh hoá hổ, được Minh Không chữa khỏi.

Sách Lĩnh Nam chích quái truyện Từ Đạo Hạnh được chép cùng với Nguyễn Minh Không, nội dung gần giống như trong Thiền uyển tập anhViệt điện u linh. Tuy nhiên, trong cuốn này chép Đạo Hạnh là thầy Minh Không, học được đạo giáo, trải hơn 10 năm. Có ghi chi tiết Từ Đạo Hạnh tiên đoán trước hậu thân của mình mắc bạo bệnh và nhờ Minh Không cứu giúp; về sau, vua Lý Thần Tông là hậu thân của Từ Đạo Hạnh mắc bệnh hoá hổ, được Nguyễn Minh Không chữa khỏi.

Sách Đại Việt sử kí tiền biên có đoạn chép về Lý Thần Tông, là hậu thân của Từ Đạo Hạnh: “Thần Tông hoàng đế, vua tên huý là Dương Hoán, là cháu vua Thánh Tông, con của Sùng Hiền Hầu, Nhân Tông không có con nối dõi, nuôi ở trong cung, lập làm  Hoàng Thái Tử. Nhân Tông băng, bèn lên ngôi báu, ở ngôi 11 năm, thọ 23 tuổi”. Tân Hợi năm thứ 4 (1131) (Tống Thiệu Hưng năm thứ 1)... dựng nhà cho Thái sư Minh Không… Bính Thìn năm thứ 4 (1136) (Tống Thiệu Hưng năm thứ 6)... phong sư Minh Không là Quốc sư. Khi ấy vua bị bệnh nặng, thầy thuốc chữa không hiệu nghiệm, nhà sư Minh Không chữa khỏi, phong làm Quốc sư, cho hưởng vài trăm hộ. Phần sau, sách chép có nội dung giống Thiền uyển tập anh, Lĩnh Nam chích quái. Tuy nhiên, Đại Việt sử kí tiền biên chép Đạo Hạnh vào tu ở Tinh Xá, chùa Hương Tích, đi đường gặp Nguyễn Minh Không kết bạn cùng đi, đến chùa Vân Mộng, sư chùa ấy dạy cho quyết thần thông, được 3 năm từ giã trở về.

Văn chuông chùa Thiên Phúc (Thiên Phúc tự hồng chung minh văn) do Đại sa môn Thích Huệ Hưng soạn vào ngày 9 tháng Tám năm thứ 9 niên hiệu Long Phù Nguyên Hoá, tức ngày 5 tháng Chín năm 1109. Bài văn chuông cho biết Thánh: “Tuổi nhỏ thanh tú khác thường, lớn lên thiên tư kỳ lạ”.

Với những chi tiết đặc biệt trong tiểu sử, Thánh Từ Đạo Hạnh bước vào đời sống dân gian và qua từng giai đoạn lịch sử, cuộc đời ông lại có thêm nhiều chi tiết mới mà càng về sau, càng mang màu sắc linh dị, huyền thoại. Văn chuông chùa Thiên Phúc cho biết thêm: “Gặp thời đại hạn, đốt một ngón tay mà mưa xuống tràn trề; học người xưa không ăn, ngồi đó nhiều năm mà mặt không sắc đói. Dân mắc dịch bệnh, bưng nước vảy mà dứt hết ốm đau; việc chưa manh nha, dự đoán trước mà trúng như bùa phép... Sư ở lại chưa mươi ngày đã có sự cảm ứng. Hổ hoang tới phục, Rồng núi tự thuần. Các chi tiết như đốt ngón tay cầu mưa, tu trì theo lối khổ hạnh, vảy nước chữa bệnh, dã thú quy phục, dự đoán tương lai đều là các chi tiết li kì mang màu sắc Mật giáo. Trùng hợp với chi tiết này, có sách chép thêm: “Ẩn cư trong hang núi đá Phật Tích, ngày ngày chuyên chú trì tụng Đại Bi Tâm Đà La Ni. Một hôm sư thấy thần nhân đến bảo Đệ tử là Tứ trấn thiên vương, cảm công đức của sư trì tụng kinh Đại Bi nên xin đến hầu để sư sai phái”. Từ Đạo Hạnh được bà cụ dạy cho mọi phép thiêng, lại trao cho phép rút đất và thần chú Đà La Ni.

Với lòng yêu mến ngưỡng mộ vị Thánh có nhiều công trạng, dân gian đã lắp ghép thêm vào tiểu sử của Thánh Từ Đạo Hạnh câu chuyện đầu thai, một mô típ khá phổ biến trong các truyền thuyết dân gian, Thánh đầu thai làm con của Sùng Hiền Hầu, về sau được lập làm Thái tử. Trong Lĩnh Nam chích quái bản A.750 có nhiều chi tiết linh dị, trùng hợp lạ kì lúc Thánh hoá và đầu thai: Qua giờ Ngọ, Đạo Hạnh tịch, đến giờ Mùi thì phu nhân sinh, đặt tên là Dương Hoán. Dương Hoán lên sáu tuổi, rất thông minh đĩnh ngộ, vua rất yêu dấu. Vì vua tuổi cao mà không có con, bèn nuôi Hoán ở trong cung, lập làm thái tử và lên ngôi là Lý Thần Tông, rồi Lê Thần Tông về sau này với chi tiết hoá hổ và được Thánh Nguyễn Minh Không chữa khỏi. Khi qua đời, Thánh Từ Đạo Hạnh cũng có nhiều chi tiết linh dị như Thánh biết trước nghiệp duyên chưa hết, phải thác sinh để tạm giữ ngôi vua. Ngày sau thọ chung sẽ được làm thiên tử ở cõi trời thứ ba mươi ba. Khi nào chân thân hư nát thì mới nhập niết bàn, không còn trụ trong vòng sinh diệt. Việt điện u linh cho biết thêm: Sau khi vua mất, chùa Thiên Phúc hiện lên khí thiêng lạ thường... vua Anh Tông (con vua Thần Tông) liền sai sứ lên tế, tôn phong làm“Thượng đẳng tối linh thần”. Từ đó chùa nổi tiếng linh thiêng, nhà nước và dân gian cầu đảo việc gì cũng linh ứng. Tới nay hương khói không bao giờ dứt.

Khi Đạo Hạnh hoá, xác còn ở trong động, trải qua hàng tháng vẫn thơm tho, người lấy làm lạ bèn bỏ vào trong khám để thờ. Đến thời Vĩnh Lạc (1403-1424) nhà Minh, quân Minh sang ta, đến chỗ này thấy mùi hương thơm nức, tìm đến trong khám thấy chân thân (tức xác ướp) một vị đạo nhân, nét mặt tươi như lúc còn sống, người Minh cho là Tiên mới rước sang chùa Hương Sơn làm phép hoả táng, lửa đốt đến bảy đêm ngày không cháy hết chân thân. Người Minh định bỏ, đến đêm mộng thấy người đến bảo: Chân thân ta trải qua đời Lý đến nay không nát, phép thiêng không phải ngẫu nhiên. Nay các ngươi muốn hoả táng, phải lấy gỗ rào mộ mới mà đốt thì mới được. Người Minh làm theo như thế, quả nhiên đốt được cháy, bèn nhặt lấy tro đắp thành tượng, để vào am thờ ở bên tả núi Thiên Phúc.

Trong thời Quang Thuận (1460-1469, đời vua Lê Thánh Tông), Trường Lạc hoàng hậu sai Thái úy Trinh Quốc Công lên động chùa Thiên Phúc cầu tự, khi làm lễ, có một phiến đá ngoài động bay vào. Trinh Quốc Công mang về trình hoàng hậu. Ít lâu sau, hoàng hậu mộng thấy rồng vàng vào bên sườn, rồi có mang sinh ra vua Lê Hiến Tông. Nhân thế mới dựng “Hiển Thụy” ở chùa Thiên Phúc, có khắc bia để ghi. Từ đó chùa càng nổi tiếng linh thiêng, nhà nước và nhân dân cầu đảo việc gì cũng linh ứng.

Như vậy, phần lớn tư liệu Hán Nôm, thần tích thần sắc, truyền thuyết truyền miệng, văn bia, câu đối, văn chầu, bài hạnh, thư tịch... có ghi chép Thánh Từ Đạo Hạnh. Các tư liệu dân gian, tiểu sử, sự sinh, mất, hành trạng sự nghiệp của Thánh Từ Đạo Hạnh có nhiều điểm thống nhất với những đặc điểm chính: Thiền sư họ Từ, huý là Lộ; Cha là Từ, huý Vinh... quê ở làng Láng, làm chức Tăng Quan Đô Sát. Tuổi nhỏ có nhiều điểm khác thường, có cốt khí tiên phật, hào hiệp phóng khoáng, có chí lớn, phàm việc làm lời nói không ai đoán trước được. Ông kết bạn thân với nho sĩ Phí Sinh, đạo sĩ Lê Toàn Nghĩa và người kép hát là Vi Ất (có tài liệu nói là Phí Ất). Ban đêm ông miệt mài đọc sách, ban ngày đá cầu, thổi sáo, đánh bạc vui chơi. Cha ông bị Diên Thành hầu nhờ Đại Điên dùng phép thuật giết chết. Thánh đi trả thù không thành, tìm đường sang Tây Trúc học phép thuật, đường đi đến nước Kim Xỉ gian nan, bèn bỏ về núi Phật Tích tu luyện, đọc chú Đà La Ni mười vạn tám ngàn lần, hoàn thành đạo pháp, tìm Đại Điên trả thù. Từ đó rửa sạch oán thù, sư đi khắp nơi trong chốn tùng lâm tìm thầy ấn chứng. Thánh đã gặp Thiền sư Trí Huyền và Thiền sư Sùng Phạm để học hỏi, mở rộng kiến văn. Sau đó sư đầu thai làm con Sùng Hiền Hầu, về sau là vua Lý Thần Tông.

Trong hệ thống thần linh dân gian người Việt, Thánh Từ Đạo Hạnh được xem như là nhân thần, các nguồn tài liệu, thư tịch cho biết càng về sau Thánh càng có nhiều điểm thần bí, linh dị, khác hẳn người thường. Quá trình tu luyện, học đạo, hành đạo của thánh có nhiều phép thuật, có nhiều công lao hộ quốc an dân được tôn làm anh cả với hình tượng đầy phép thuật và quyền uy, thể hiện dưới hình tượng “vi phật - vi tiên - vi vương” với hai lần đầu thai làm vua, tương truyền là hậu thân của vua Lý Thần Tông và Lê Thần Tông.

Qua các thư tịch, tư liệu cổ còn cho biết Thánh Từ Đạo Hạnh là bậc cao tăng đắc pháp, có nhiều tài phép và thuật lạ, có công lao to lớn trong việc xây dựng, mở rộng quy mô cũng như tầm ảnh hưởng của chùa Thiên Phúc (Chùa Thầy), biến nơi đây thành một miền đất Phật, một trung tâm của Phật giáo đương thời. Ở xứ Đoài, Hà Nội và vùng lân cận có nhiều chùa kết hợp thờ Phật với thờ Thánh Từ Đạo Hạnh. Ở xứ Nam, bao gồm Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình là vùng đồng bằng mới khai phá, phổ biến ở nhiều chùa phối thờ Phật với thờ Thánh Dương Không Lộ, Nguyễn Minh Không. Tuy nhiên chùa Đại Bi (Đại Bi tự), Nam Giang, Nam Trực, Nam Định là một di tích hiếm hoi ở vùng hạ lưu châu thổ sông Hồng thờ Thánh Từ Đạo Hạnh. Tương truyền, sau khi cha bị Diên Thành hầu mượn tay pháp sự Đại Điên hại chết, Thánh Từ Đạo Hạnh đã đưa mẹ là bà Tăng Thị Loan về đây lánh nạn và dựng chùa tu hành.

Gác chuông chùa Đại Bi

Theo dân gian, chùa Bi được xây dựng từ thời Lý, tuy nhiên qua dấu vết khảo cổ học, các tư liệu Hán Nôm, phong cách kiến trúc cho thấy chùa Bi được xây dựng vào thế kỷ XVII, thời Hậu Lê. Tổng thể, chùa Đại Bi có kiến trúc, phong cách thờ tự theo kiểu “Nội công ngoại quốc”, còn gọi là dạng chùa trăm gian. Chùa quay hướng Nam, hướng của Bát Nhã, trí tuệ trên một thế đất đẹp, bằng phẳng nằm giữa thôn Giáp Ba. Theo phong thủy, đó là thế đất đẹp hình đầu rồng, hai bên có hai giếng nhỏ nhân dân hay gọi là mắt rồng. Cụm kiến trúc đầu tiên là Tam quan, nghi môn trong đó Tam quan không được xây ở chính trục thần đạo mà chếch về phía Tây. Sau Tam quan là cụm kiến trúc chùa chính gồm: Tiền đường Tam bảo ngoại Thờ Tam thánh, Tượng cửu long, Thất phật. Tam bảo nội ở giữa, bên phải là cung Thánh (cung cấm), bên trái là Tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay, tượng Quan âm toạ sơn. Tam bảo gồm tượng Tam thế. Cung thánh là một công trình kiến trúc bằng gỗ, chạm khắc tinh xảo hình chiếc kiệu mang đậm phong cách Hậu Lê, trong có khám thờ sơn son thiếp vàng. Trong cùng thờ bà Tăng Thị Loan (mẹ Thiền sư). Phía sau chùa thờ Phật là gác chuông hai tầng tám mái mang ý nghĩa dịch học, biểu hiện tư tưởng vũ trụ luận của người phương Đông với nhiều mảng chạm khắc tinh xảo. Cùng với Tam quan, chùa Phật là các công trình kiến trúc tiêu biểu. Cuối cùng là nhà Tổ. Bọc kín cụm chùa là hệ thống hành lang giải vũ mỗi dãy 20 gian kiểu tường hồi bít đốc cùng với phủ Mẫu tạo cho chùa có kiến trúc tiêu biểu của dạng chùa thờ Thánh Từ Đạo Hạnh.

Mái Đao gác chuông chùa Đại Bi

Chùa Đại Bi còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật, cổ thư rất có giá trị, tiêu biểu nhất là 10 tấm bia trong đó Văn bia cổ nhất khắc năm Kỉ Mùi (1679) đời Lê Hy Tông; 10 đạo sắc phong; Quả chuông lớn cao 2m đúc năm Minh Mạng thứ 18 (1838).

Hát rối chầu Thánh trong lễ hội chùa Đại Bi

Lễ hội ở chùa Bi nổi tiếng cả một vùng như hội chùa Thầy, hội chùa Láng (Hà Nội) phụng thờ Thánh Từ Đạo Hạnh. Tại các ngôi chùa này không chỉ diễn ra các lễ nghi của Phật giáo mà còn tổ chức lễ hội để phụng thờ Thánh Từ Đạo Hạnh. Việc phụng thờ Thánh ở nhiều nơi khác không chỉ do các nhà tu hành, các nhà sư tiến hành mà còn do các thầy chùa, có nơi còn gọi là ông Thống, bà Tự - là những người dân có uy tín, đức độ... được cộng đồng chọn, cử, tiến hành. Theo truyền thống, lễ hội chùa Đại Bi được bắt đầu từ ngày 21 đến ngày 24 tháng Giêng âm lịch hàng năm, trong đó có nhiều nghi lễ nhà Phật hoà nhập với tín ngưỡng dân gian. Theo lịch trình ngày 21: Lễ phát tấu, theo nghi lễ nhà Phật, ngày 22: rước kiệu của các thôn Vân Chàng, Giáp Tư, Giáp Ba lên sân chùa. Sau lễ tế của các thôn, tổ chức các trò chơi dân gian chọi gà, đấu vật, đánh đu, cờ người. Tối có múa rối đầu gỗ (ổi lỗi) diễn xướng thần tích của Thánh, lẽ sống nhân sinh, đạo lý của con người... đến ngày 24 hết hội, có lễ tạ Thánh. Ngoài ra, chùa Bi còn hội chợ Viềng, họp một phiên duy nhất vào ngày 8 tháng Giêng ở ngay bãi đất trống trước cổng chùa, người dân mua - bán cây giống, cây cảnh, đồ cổ, đồ cũ mang đậm dấu ấn một hội nông nghiệp, tạo thành một cặp chợ - chùa độc đáo.

Cho đến nay, vai trò, ảnh hưởng của Thánh trong đời sống nhân dân địa phương vẫn rất quan trọng, biểu hiện ở lễ hội phụng thờ Thánh, các lệ, tục, hèm của cuộc sống người dân. Ngay ở chùa Đại Bi có thể nhận thấy vai trò của Thánh hết sức quan trọng trong đời sống người dân, thể hiện ở kiến trúc của chùa. Tam quan chùa cùng với nghi môn được xây dựng trên cùng trục ngang, không đối xứng. Tam quan luôn đóng kín, chỉ mở trong những ngày hội chùa; lối đi chính là nghi môn cho thấy dấu vết của đền thờ Thánh đậm nét hơn chùa thờ Phật. Tam quan không xây ở chính giữa mà chếch về phía Tây, thẳng với cung thờ Thánh Từ Đạo Hạnh, cho thấy đó mới là trục thần đạo của chùa, thể hiện vai trò tối linh của Thánh, các công trình khác xây dựng đối xứng qua trục thần đạo. Biểu hiện rõ nét nhất Thánh là vị thần tối linh qua lễ hội phụng thờ Thánh. Theo tư liệu điền dã của chúng tôi, việc thờ Thánh quan trọng hơn thờ Phật, hay nói cách khác, lễ Thánh là chính. Người dân các thôn Vân Chàng, Giáp Tư, Giáp Ba và vùng lân cận khi lên chùa thường gọi là lễ Thánh, lễ vật dâng Thánh là chính, bao gồm cả lễ mặn còn lễ dâng Phật thông thường là hương đăng, trà, oản quả như các ngôi chùa khác. Người dân đi lễ không chỉ tập trung vào dịp lễ hội mà quanh năm.

Như vậy, tín ngưỡng thờ Thánh Từ Đạo Hạnh là biểu hiện đặc sắc của văn hoá Việt Nam, cùng với các vị Thánh/Thiền sư khác tạo nên một hiện tượng đặc biệt trong tín ngưỡng, tôn giáo, văn hoá Việt Nam, hình thành nên một dạng chùa độc đáo, chùa trăm gian, thuần Việt, nở rộ vào thế kỷ XVII và tồn tại đến tận ngày nay, thể hiện sức sống trường tồn của dân tộc Việt.

Phòng Văn hoá và Thông tin

Nguồn: Tạp chí  Văn hoá Thể thao và Du lịch  tỉnh Nam Định số 1 năm 2014

image advertisement

anh tin bai

anh tin bai



image advertisement
image advertisement


anh tin bai
anh tin bai







image advertisement
image advertisement

 anh tin bai

image advertisement



Video Sự Kiện
  • Tuần lễ Văn Hoá - Giáo Dục huyện Nam Trực - Nam Định lần thứ XII - Năm 2023
  • Các điển hình Dân vận khéo năm 2023 huyện Nam Trực
  • Hạ nhiệt mùa hè cùng ngành điện
  • Nam Trực - Điểm sáng trong phát triển sự nghiệp Thể dục - Thể thao
1 2 3