Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII
Sáng 16/4/2025, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ
Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực
hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 BCH Trung ương Đảng khóa XIII.
Các
đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự hội nghị.
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức
trực tiếp từ điểm cầu Trung ương ở Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội; kết hợp
trực tuyến đến 21 nghìn điểm cầu tại các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc
Trung ương; các ban, bộ, ngành, đơn vị sự nghiệp Trung ương và các điểm cầu cấp
huyện, cấp xã trong toàn quốc, với hơn 1,5 triệu người tham dự.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự, phát biểu chỉ đạo
Hội nghị tại điểm cầu Trung ương. Cùng dự ở điểm cầu Trung ương có các đồng chí
Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh
Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú;
các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung
ương Đảng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng; các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương
Đảng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn
thể ở Trung ương…
Các đại
biểu dự hội nghị tại phòng họp số 3 UBND huyện Nam Trực
Tham dự hội nghị tại điểm
cầu phòng họp số 3 UBND huyện Nam Trực có các đồng chí Thường trực Huyện ủy; Ủy
viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Lãnh đạo HĐND, UBND huyện; các đồng chí Ủy viên
Ban chấp hành Đảng bộ huyện; các đồng chí Nguyên Thường trực Huyện ủy, Nguyên
Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy đã nghỉ hưu trên địa bàn huyện; các đồng chí
Trưởng, phó ban, phòng, đoàn thể thuộc Huyện ủy, UBND huyện; Ủy viên UBKT Huyện
ủy; Đội thống kê số 8, Trưởng phòng Kho bạc Nhà nước khu
vực IV - phòng giao dịch số 9; cán bộ, đảng viên của cơ quan Huyện ủy, Chính
quyền huyện; các đồng chí Báo cáo viên cấp huyện.
Thủ
tướng Phạm Minh Chính truyền đạt chuyên đề về các dự thảo Văn kiện trình Đại
hội XIV của Đảng
Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe ba
chuyên đề. Trong đó, Chuyên đề “Về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIV của
Đảng: Những điểm mới trong tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công
cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam;
những điểm mới trong dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi
hành điều lệ Đảng trình Đại hội XIV của Đảng; những điểm mới trong dự thảo Báo
cáo chính trị; những điểm mới trong dự thảo báo cáo 05 năm thực hiện chiến lược
phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển
kinh tế - xã hội 5 năm 2026-2030” do Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ
Phạm Minh Chính truyền đạt.
Chuyên đề “Về sửa đổi hiến pháp và pháp
luật; phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp
nhiệm kỳ 2026-2031” do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn
truyền đạt.
Chuyên đề “Về tiếp tục sắp xếp tổ chức
bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; sửa đổi, bổ sung các quy định
thi hành Điều lệ Đảng; Chỉ thị sửa đổi Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 và
Kết luận số 118-KL/TW, ngày 18/1/2025 của Bộ Chính trị khóa XIII về đại hội
Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030” do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương
Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng truyền đạt.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí
thư Tô Lâm khẳng định, về cơ bản chủ trương đã rõ, phương án, kế hoạch, lộ
trình triển khai đã cụ thể. Đây là điểm mới trong tổ chức quán triệt, triển
khai các nghị quyết của Đảng theo hướng rõ người, rõ việc, rõ cách làm, rõ
trách nhiệm, rõ thời gian hoàn thành, sau Hội nghị là bắt tay thực hiện được
ngay. Tổng Bí thư nhấn mạnh, sau Hội nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương xác
định được những công việc cần làm trong thời gian tới. Từng cán bộ, đảng viên
cũng đã hình dung ra được trách nhiệm cá nhân trong “cuộc cách mạng” chung của
đất nước. Các cấp ủy, tổ chức đảng có trách nhiệm tiếp tục nghiên cứu, quán
triệt đầy đủ, thấu đáo, kỹ lưỡng các nội dung của Nghị quyết và xây dựng kế
hoạch, chương trình hành động cụ thể để thực hiện.
Trước yêu cầu cùng lúc phải triển khai
một khối lượng công việc rất lớn, phạm vi rộng, thời gian ngắn, chất lượng cao,
nhiều việc chưa có tiền lệ và để thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức
thực hiện, Tổng Bí thư yêu cầu, phải xác định quyết tâm chính trị cao nhất
trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11, xác định
đây là một “cuộc cách mạng” về sắp xếp bộ máy tổ chức, sắp xếp đơn vị hành
chính và cải cách, đổi mới để phát triển đất nước. Các cấp ủy, tổ chức đảng,
người đứng đầu các cấp phải sâu sát, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, quán
triệt cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nhận thức đầy đủ, sâu sắc tầm quan trọng
đặc biệt của chủ trương này, tạo được sự thống nhất nhận thức, tư tưởng trong
toàn Đảng và lan tỏa ra toàn xã hội, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục
tiêu, định hướng mà Trung ương đã đề ra. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ
quan triển khai quyết liệt các công việc trên tinh thần “đúng vai, thuộc bài”,
phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng, chặt chẽ từ Trung ương đến các địa phương và giữa
các địa phương với nhau, không được có tư tưởng “quyền anh, quyền tôi”, địa
phương này, địa phương kia, tất cả vì lợi ích chung của đất nước, vì nhân dân.
Các cấp ủy, tổ chức đảng triển khai các
công việc trên tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng", nhưng phải thận trọng,
chắc chắn, bài bản, không nóng vội, chủ quan; có thứ tự ưu tiên, làm việc nào
chắc việc đó, làm việc này phải tính đến việc khác liên quan và phải thực hiện
đúng các quy trình thủ tục theo quy định, không làm tắt, làm ẩu, làm qua loa,
đại khái bất cứ công việc nào. Bám sát các mốc thời gian trong kế hoạch, bảo
đảm các công việc được thực hiện đúng tiến độ thời gian quy định, nhất là các
mốc thời gian quan trọng. Khuyến khích các địa phương, cơ quan, đơn vị hoàn
thành sớm các công việc trước mốc thời gian quy định trên tinh thần “ổn định
sớm để phát triển". Tăng cường thông tin, tuyên truyền tạo sự đồng thuận
trong xã hội, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân, tôn trọng, lắng nghe
ý kiến của nhân dân, các quy trình, thủ tục lấy ý kiến nhân dân phải được thực
hiện theo đúng quy định, nhất là những nội dung liên quan đến sửa đổi, bổ sung
Hiến pháp, sáp nhập các tỉnh, sáp nhập các xã.
Đối với chủ trương sắp xếp, tổ chức lại
đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp, Tổng Bí thư nhấn
mạnh, triển khai thực hiện chủ trương này sẽ tác động nhất định đến tâm tư,
tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đây là điều dễ hiểu bởi mỗi con
người Việt Nam chúng ta đều in sâu trong ký ức những hình ảnh về quê quán, nơi
chôn rau cắt rốn của mình. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển mới của đất
nước, chúng ta phải thay đổi về tư duy, tầm nhìn; thống nhất về nhận thức, tư
tưởng; phải vượt lên chính mình, hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của
đất nước; vượt qua những băn khoăn, lo lắng, tâm lý, thói quen bình thường;
vượt qua những tâm lý, tâm trạng vùng miền để hướng tới tư duy, tầm nhìn rộng
lớn hơn: “đất nước là quê hương”.
Tổng Bí thư đề nghị cần tiếp tục quán
triệt sâu sắc, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, sáp nhập tỉnh, không tổ
chức cấp huyện, sáp nhập xã không chỉ đơn thuần là vấn đề điều chỉnh tổ chức bộ
máy, địa giới hành chính mà còn là vấn đề điều chỉnh không gian kinh tế, điều
chỉnh sự phân công, phân cấp, phân bổ nguồn lực cho phát triển. Tổng Bí thư lưu
ý khắc phục cả 2 khuynh hướng: Sáp nhập các xã, phường quá rộng như một “cấp
huyện thu nhỏ” dẫn đến không quán xuyến được địa bàn, không chủ động phục vụ
được nhân dân, dẫn đến biến chủ trương không tổ chức cấp huyện thành không tổ
chức cấp xã. Sáp nhập các xã, phường quá nhỏ, dẫn đến hạn chế về không gian, dư
địa phát triển, đầu mối nhiều hơn dẫn đến cồng kềnh, kém hiệu quả. Ban Thường
vụ các tỉnh phải bàn bạc, tính toán rất kỹ, trên tinh thần tầm nhìn lâu dài, vì
nước, vì dân để có phương án bố trí, sắp xếp hợp lý nhất.
Về công tác cán bộ, Tổng Bí thư đề nghị
các cấp ủy, tổ chức đảng cần thực hiện nghiêm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh
đạo xây dựng tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, quản lý đội ngũ cán bộ và biên
chế của hệ thống chính trị; phải hết sức công tâm, khách quan trong bố trí cán
bộ; thực hiện đầy đủ các quy định, hướng dẫn về công tác cán bộ bảo đảm công
khai, minh bạch, tăng cường kiểm soát quyền lực, gắn quyền lực với trách nhiệm
cá nhân. Không để xảy ra tình trạng mất đoàn kết, lợi ích nhóm, chạy chức, chạy
quyền, cục bộ, bè phái, tham nhũng, lãng phí trong công tác bố trí, sắp xếp cán
bộ, sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính các cấp.
Tổng Bí thư đặc biệt lưu ý làm tốt công
tác lựa chọn, bố trí lãnh đạo, nhất là người đứng đầu các cơ quan cấp tỉnh, cấp
xã sau khi sáp nhập; phải tính toán đồng bộ, liên thông giữa cả 4 giai đoạn: Bố
trí cán bộ sau khi hợp nhất; nhân sự Đại hội Đảng cấp tỉnh, cấp xã; nhân sự Đại
hội Đảng lần thứ XIV; nhân sự Bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp. Công tác nhân sự
đã rất quan trọng, nay lại càng quan trọng hơn trước yêu cầu mới. Việc lựa
chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo các cơ quan ở địa phương sau khi sáp nhập, hợp nhất
là trách nhiệm của Ban Thường vụ cấp ủy theo phân cấp, phải bàn bạc, thống nhất
để bố trí “đúng người, đúng việc” theo tinh thần Kết luận số 150-KL/TW của Bộ
Chính trị về hướng dẫn xây dựng nhân sự cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất,
sáp nhập và cấp xã thành lập mới.
Về văn kiện đại hội đảng các cấp, Tổng
Bí thư yêu cầu, các tỉnh ủy, thành ủy tập trung lãnh đạo tổ chức thảo luận thật
kỹ lưỡng, sâu sắc, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, định hướng lớn
nêu tại dự thảo các văn kiện Đại hội XIV của Đảng; khẩn trương xây dựng, hoàn
thiện dự thảo văn kiện của cấp mình, phải hoàn thành dự thảo trước ngày
30/6/2025 (bao gồm cả đối với các tỉnh sau khi sáp nhập). Mặc dù chưa sáp nhập
chính thức nhưng phải tư duy, suy nghĩ để vạch ra đường lối phát triển của tỉnh
mới thành lập, xã mới thành lập dựa trên cơ sở không gian, dư địa và nguồn lực
mới.
Về triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung
ương 11 cùng lúc với thực hiện các công việc lớn quan trọng của đất nước, Tổng
Bí thư nhấn mạnh, tất cả các công việc này đều rất quan trọng và đều phải thực
hiện theo đúng mục tiêu yêu cầu đề ra, không vì sắp xếp tổ chức mà lơ là nhiệm
vụ nào. Các tỉnh ủy, thành ủy cần khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế
mà 19 đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ ra, đặc biệt là khắc
phục tình trạng một bộ phận lãnh đạo, cán bộ có tâm lý chờ đợi, nghe ngóng sắp xếp
tổ chức nên hạn chế tính quyết liệt trong triển khai công việc... Trước mắt,
tập trung tổ chức tốt các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống
nhất đất nước; 80 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9, khơi dậy khí thế hào
hùng của cả dân tộc năm xưa, biến thành động lực để thực hiện tốt những nhiệm
vụ quan trọng, cấp bách, mang tính cách mạng mà toàn đảng, toàn dân, toàn quân
ta đang ra sức thực hiện ngày hôm nay.
Công việc phía trước rất bộn bề, khẩn
trương, Tổng Bí thư đề nghị các đồng chí từ Trung ương đến cơ sở phát huy cao
độ tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, tập trung lãnh đạo,
chỉ đạo với quyết tâm cao nhất để hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Hội nghị
lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã đề ra, chuẩn bị nền tảng
vững chắc tiến tới Đại hội XIV của Đảng, đưa đất nước vững vàng tiến vào kỷ
nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của dân tộc Việt Nam.
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng
Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và
Dân vận Trung ương trân trọng tiếp thu, lĩnh hội ý kiến chỉ đạo toàn diện, sâu
sắc, thấu đáo, cụ thể và rất tâm huyết của Tổng Bí thư Tô Lâm cũng như các nội
dung truyền đạt của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước được Bộ Chính trị phân
công trình bày tại hội nghị. Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn
Trọng Nghĩa đề nghị cán bộ, đảng viên nhanh chóng đưa các nghị quyết, kết luận của
Trung ương đi vào cuộc sống; yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền,
MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cần tập trung lãnh đạo, chỉ
đạo, triển khai công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng, đồng bộ, hiệu quả
nghị quyết của Hội nghị Trung ương, gắn chặt với nhiệm vụ chính trị của từng
địa phương, từng cơ quan, đơn vị; tăng cường tính định hướng, kịp thời đấu
tranh, góp phần tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động trong toàn hệ
thống chính trị và tạo ra sự đồng lòng trong xã hội, thắp lên “ngọn lửa niềm
tin” đưa chủ trương, đường lối của Đảng đi vào cuộc sống...
Phạm
Loan tổng hợp