image banner
ĐẢNG BỘ,CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NAM TRỰC QUYẾT TÂM XÂY DỰNG HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO


image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Chùa Cổ Tung, xã Nam Hùng
Lượt xem: 4764

Chùa Cổ Tung nằm trên địa bàn xóm Giữa, thôn Cổ Tung, xã Nam Hùng. Chùa ngoài thờ phật, còn là nơi nhân dân địa phương thờ tự và tri ân công đức Thiền sư Bùi Huệ Tộ (1566 - 1641) và Tam vị Thánh tổ: Từ Đạo Hạnh, Dương Không Lộ, Nguyễn Giác Hải.

Bùi Huệ Tộ sinh ngày 10 tháng Giêng năm 1566, đời vua Lê Anh Tông, tại thôn Ông Tô, xã Chân Đàm (sau đổi là xã Chân Nguyên, Trực Chính), nay là thôn Nhất, thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Thiền sư Bùi Huệ Tộ là một vị chân tu đã tiếp thu và truyền bá trong nhân dân những tư tưởng tích cực của đạo Phật về tinh thần nhập thế, tính độc lập, tự chủ và nhân văn của Phật giáo Thiền tông thời Trần. Ông đã hướng con đường tu hành và truyền đạo của mình theo con đường dân tộc gắn với đạo pháp. Cùng với việc truyền đạo, Thiền sư còn có công xây dựng và trụ trì ở 18 ngôi chùa trên địa bàn huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định và tỉnh Ninh Bình. Ở những ngôi chùa này, Thiền sư đã giành nhiều tâm huyết vận động nhân dân địa phương tin đạo sửa sang cảnh chùa. Ông còn bỏ tiền để mua ruộng, chuộc nhà và đồ đạc cho dân nghèo đã bán trước đó, giúp họ làm ăn, sinh sống.

Cuốn Kệ Đức thánh tổ, niên hiệu Khải Định 3 (1918)

Đến lúc tuổi già, Thiền sư trở về quê hương thôn Nhất dựng am thờ Phật, chân linh tiên tổ họ Bùi, thân phụ, thân mẫu của ngài. Ông cho dựng chùa Linh Quang ở Cổ Tung để trụ trì, rước thần vị Tam vị Thánh tổ: Từ Đạo Hạnh, Dương Không Lộ, Nguyễn Giác Hải thờ tại đây. Trước chùa, Thiền sư cho đào ao trồng sen thả cá, bên hữu chùa xây dựng vườn hoa “Tiên Ngự” rộng 4 mẫu:  “Ao sen cá lượn thung thăng

             Vườn hoa Tiên Ngự gió trăng để hầu”.     (Kệ Thánh tổ)

Thiền sư lại dùng hơn 2 mẫu đất ở phía Đông Nam chùa Linh Quang để làm nhà cho người nghèo khổ cư trú, khi làm ăn khá giả dời đi, nhà cửa để lại cho người nghèo khác đến. Ngài cho dựng quán Thừa Lương 3 gian bằng gỗ lim, mua 5 mẫu đất cách vườn Tiên Ngự khoảng 400m để làm nơi chôn cất cho những người vô gia cư, người nghèo khổ, tục gọi là “Mả Gạo”. Phía Tây quán Thừa Lương còn có một bãi cỏ, Thiền sư thường xem trẻ mục đồng đánh vật và cho tiền chúng, tục gọi là “Cồn Tiền”.

Ngày 10 tháng Giêng năm Tân Tỵ (1641), niên hiệu Dương Hòa, đời vua Lê Thần Tông, khi đã 76 tuổi, ngài cho xếp củi ở đầu làng Cổ Tung, rồi tự thiêu trước sự chứng kiến của người dân địa phương đối với một vị chân tu. Chỗ Thiền sư tự thiêu tục gọi là gò “Thánh Hóa”.

   

Tượng thờ Thiền sư Bùi Huệ Tộ, thời Nguyễn thế kỷ 19

Sau khi “hỏa trung hóa phật”, Thiền sư Bùi Huệ Tộ được Phật giáo suy tôn là bồ tát, Đạo giáo suy tôn là Thánh tổ và những nơi ngài đến trụ trì đều được nhân dân tôn thờ làm phúc thần. Nhân dân làng Cổ Tung xây Linh Quang bảo tháp ở phía sau chùa dùng bình đựng xá lỵ ngài đặt trong bông sen đang nở trên đỉnh tháp.

Ngai bài vị thờ Thiền sư Bùi Huệ Tộ, thời Hậu Lê thế kỷ 18

Thiền sư Bùi Huệ Tộ cho xây dựng chùa Cổ Tung vào thế kỷ 17.  Sau khi dựng xong chùa, ngài đã rước thần vị Tam vị Thánh tổ: Từ Đạo Hạnh, Dương Không Lộ, Nguyễn Giác Hải về thờ tự tại chùa. Tượng Tam vị Thánh tổ được đặt trang trọng tại gian bên phải tòa thượng điện của chùa.

Đức Thánh tổ Từ Đạo Hạnh tên thật là Từ Lộ, chưa rõ năm sinh và quê quán, chỉ biết ngài là con ông Từ Vinh, làm Tăng quan Đô án triều Lý, trú quân ở Yên Lãng, tức làng Láng (Từ Liêm, Hà Nội). Ở đây hiện còn ngôi chùa thờ Thiền sư, tục gọi là chùa Láng. Ngài là nhà sư thuộc thế hệ thứ 12 dòng Thiền Nam phương, môn phái Tỳ Ni Đa Lưu chi nhưng nặng về khuynh hướng của phái Mật tông. Ngài lên ở ẩn núi Từ Sơn, ngày ngày tụng niệm kinh Đại Bi tâm đà la ni một vạn tám nghìn lần. Vì vậy, truyền thuyết về ngài có nhiều huyền bí, huyền hoặc như: bắt rắn, cầu mưa, sai người thần, múa gậy phép…Thiền sư Từ Đạo Hạnh còn được xem là một vị tiền bối của nghệ thuật hát chèo. Có giả thuyết cho rằng, bài “giáo trò”, mở đầu cho các buổi diễn chèo cổ (trình làng, trình chạ, thượng hạ tây đông) được truyền đến ngày nay là do ngài sáng tác.

Theo sách Thiền uyển tập anhÁn cổ tích Đại Bi thiền uyển thực lục thì sau khi cha Từ Đạo Hạnh là Từ Vinh bị con vua Lý Nhân Tông và pháp sư Đại Điên hãm hại, Thiền sư đã cùng mẹ là Tăng Thị Loan về lánh nạn ở xã Chân Đàm, huyện Tây Chân (nay là thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) lập ra chùa Đại Bi để thờ Phật và tu hành. Tại đây, ngài đã kết bạn với hai vị cao tăng là Dương Không Lộ (sau lập chùa Thần Quang, tức chùa Keo Hành Thiện, Xuân Hồng, Xuân Trường) và Nguyễn Giác Hải (sau lập chùa Viên Quang, tức chùa Nghĩa Xá, xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường), đều quê ở Hải Thanh, Giao Thủy (Nam Định). Ba vị đồng hành vượt biển sang Tây trúc tu đạo, được Phật truyền “Tâm ấn lục trí thần thông”, tức học được phép lạ. Sách Việt điện u linh cho biết, sau khi về nước, Từ Đạo Hạnh dừng chân ở Sài Sơn (Quốc Oai, Hà Hội) dựng chùa Thầy và tu ở đây.

 Đức thành tổ Dương Không Lộ, húy là Minh Nghiêm, hiệu là Không Lộ, sinh ngày 14 tháng 9 năm Bính Thìn (1016), niên hiệu Thuận Thiên thứ 7, đời vua Lý Thái Tổ, hóa ngày mồng 3 tháng 6 năm Giáp Tuất (1094), quê cha ở làng Giao Thủy, phủ Hải Thanh (Nam Định), quê mẹ ở phủ Ninh Giang (Hải Dương). Khi ngài trưởng thành lấy việc câu cá, đánh cá làm vui. Đến năm Giáp Thân (1044) ngài 29 tuổi, bỏ nghề đánh cá, theo học đạo Thiền. Lúc đầu ngài thụ nghiệp Noãn cư sĩ ở hương Bảo Tài, thường đọc kinh Già la ni môn, mặc áo cỏ, ăn chay, dường như quên hẳn thân mình, đoạn tuyệt mọi phiền não trên đời. Năm Đinh Dậu (1057), ngài 42 tuổi theo học Thiền sư Thảo Đường là người rất có đạo hạnh, tinh thông kinh điển, được vua Lý phong là Quốc sư. Sư Thảo Đường thường bảo: “Anh này cốt cách phi phàm, ngày sau hẳn nối được pháp tự”. Năm kỷ Hợi (1059), ngài 44 tuổi, ở chùa Hà Trạch kết bạn cùng Nguyễn Giác Hải và Từ Đạo Hạnh, rồi đi tu ở chùa Diên Phúc, sau đổi là chùa Viên Quang, lại càng tinh thông đạo Thiền, phàm tam tạng, lục giới đều đạt tới chỗ sâu xa, huyền diệu. Năm Canh Tý (1060), ngài 45 tuổi, cùng đức Đạo Hạnh và đức Giác Hải sang nước Kim Sở Nam (tức nước nhà Phật) cẩu phép lạ. Năm Tân Sửu (1061), ngài xây dựng chùa Nghiêm Quang và trụ trì ở đó (sau đổi là chùa Thần Quang). Đức Thánh tổ Dương Không Lộ là nhân vật lịch sử có công lớn đối với vương triều Lý, ngài nhiều lần chữa khỏi bệnh cho vua. Được vua lý tôn phong làm Quốc sư kiêm đại pháp sư, thường được mời vào triều để bàn luận đạo pháp và làm việc giúp dân, giúp nước. Nhân dân ở nhiều vùng còn truyền tụng, thờ phụng Thiền sư về công lao đánh giặc, giết thủy quái, là người dạy dân nghề đánh cá, trồng lúa, đúc đồng, đan lát. Trên địa bàn tỉnh Nam Định, Đức Thánh tổ Dương Không Lộ được thờ tự ở nhiều nơi, tiêu biểu là chùa Keo Hành Thiện (Xuân Hồng, Xuân Trường).

 Đức Thánh tổ Nguyễn Giác Hải quê ở Hải Thanh (cùng quê với Dương Không Lộ). Ngài sinh vào niên hiệu Thuận Thiên thứ 15 (1024), đời vua Lý Thái Tổ, năm mất không rõ. Lúc sinh thời, ngài làm nghề chài lưới, coi thuyền là nhà, lênh đênh sông nước, ngao du khắp đó đây. Năm 25 tuổi, ngài bỏ nghề đánh cá, cắt tóc đi tu, cùng với Thiền sư Dương Không Lộ đến thụ nghiệp Thiền sư Hà Trạch, rồi làm pháp tự (người kế thừa tâm pháp) của Không Lộ. Sau này, cả hai ngài về tu ở chùa Diên Phúc. Nguyễn Giác Hải là một nhà sư có nhiều phép thuật kỳ diệu. Ngài và đức Dương Không Lộ đã dùng pháp thuật chữa khỏi bệnh cho vua Lý. Danh tiếng của ngài lừng lẫy. Tăng đồ và dân chúng trong nước ai cũng kính phục, còn vua Lý đối đãi với ngài như bậc sư phụ. Mỗi khi nhà vua đến hành cung Hải Thanh đều đến chỗ ngài chơi. Một hôm, vua bảo ngài rằng: Hòa thượng có thể cho trẫm xem phép “ứng chân thần túc” (phép biến hóa…) được không? Ngài liền dùng phép “bát biến” nhảy lên trên không, cách đất vài trượng, rồi lại từ từ xuống. Vua và quần thần đều chắp tay khen ngợi.

 Cuộc đời và sự nghiệp của Đức Thánh tổ Nguyễn Giác Hải được vua Lý sủng thờ ban quốc tính Lý Giác Hải. Đối với lịch sử Phật giáo Việt Nam, ngài có một vị trí nhất định. Ngài là người đã tiếp thu tinh thần Phật giáo nhân loại vào hoàn cảnh xã hội Đại Việt đương thời, hòa quyện giữa đạo và đời, góp phần xây dựng quốc gia Đại Việt hưng thịnh. Sau khi Đức Thánh tổ Nguyễn Giác Hải viên tịch, ở những nơi ngài thường vân du truyền đạo, khuyến thiện, trừ ác, hưng công xây dựng, mở mang cảnh chùa, dân chúng đều đặt cung thờ ngài ở chùa làng. Tiêu biểu là việc thờ tự ngài ở chùa Viên Quang (chùa Nghĩa Xá, xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường), chùa Am, chùa Khoi (xã Nam Toàn, huyện Nam Trực). 

Thôn Cổ Tung, xã Nam Hùng là một trong 7 làng cổ của huyện Nam Trực (Nam Chân thất cổ), là những miền quê có bề dầy lịch sử, văn hoá. Nơi đây còn lưu giữ được nhiều phong tục, tập quán cùng những sinh hoạt văn hoá phong phú, tiêu biểu của vùng quê Bắc Bộ, trong đó có lễ hội truyền thống. Tại chùa Cổ Tung hàng năm diễn ra nhiều sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng liên quan đến nhân vật thờ cũng như các sự kiện của địa phương như:  Lễ kỵ ngày hoá của Thiền sư Bùi Huệ Tộ (ngày 8, 9, 10 tháng Giêng); Lễ kỳ yên (ngày 15 tháng Giêng); Lễ kỵ Thánh mẫu (ngày mồng 3 tháng 3); Lễ Phật đản (ngày mồng 8 tháng 4); Lễ kỵ Tam vị Thánh tổ (ngày 14 - 15 tháng 9 âm lịch)...Trong những ngày diễn ra lễ hội, ngoài các nghi thức tế lễ còn có nhiều sinh hoạt văn hoá, trò chơi dân gian đặc sắc như: đấu vật, đánh tổ tôm điếm, cờ người, đu quay, chọi gà, kéo co, leo cầu phao, bóng chuyền, bóng đá... Đặc biệt là tại Lễ Phật đản (ngày mồng 8 tháng 4) có tổ chức múa hát Tượng nhà quan: Để chuẩn bị cho ngày mồng 8, từ nhiều ngày trước (thường từ ngày mồng 1 đến mồng 5 tháng 4), Hội phường của làng tập trung luyện tập múa hát Tượng nhà quan và diễn các tích trò. Chiều ngày mồng 7 nhà chùa sắm sửa lễ vật dâng cúng Phật, Thánh. Buổi tối, Hội phường múa hát tượng nhà quan tổ chức lễ cung phụng Đức thánh Bùi Huệ Tộ. Chương trình diễn ra thứ tự như sau: đầu tiên là các kiểu múa đệ nhất, đệ nhì, đệ tam, múa chèo, tiếp đến là diễn các tích trò ông tràng, bà mách, ông xôi, ông muối, ông sông, ông núi, cô tiên, hoàng hậu và cuối cùng là tích dạ sát (xua đuổi tà ma).

Bộ đầu rối thời Nguyễn, thế kỷ 19

 Lễ hội truyền thống và những sinh hoạt văn hoá diễn ra tại di tích chùa Cổ Tung không chỉ mang ý nghĩa tưởng nhớ công lao của nhân vật thờ tự tại di tích mà còn mang đậm những nét văn hoá dân gian đặc sắc ở một làng quê vùng Đồng bằng châu thổ Bắc Bộ. Lễ hội đã thực sự thu hút cả cộng đồng dân làng và các làng lân cận tham gia những sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng lành mạnh, nâng cao tinh thần đoàn kết, xóa bỏ mặc cảm, giúp đỡ nhau trong cuộc sống và cùng chung sức xây dựng quê hương ngày một đổi mới, giàu mạnh.

Chùa Cổ Tung tọa lạc trong khuôn viên thoáng đãng, rộng hơn 4.000m2, với nhiều cây lưu niên tạo không khí mát mẻ, trong lành. Nhìn từ ngoài vào trong, di tích gồm các thành phần kiến trúc: Tam quan, sân, tòa đình trống, công trình chùa, gác chuông, nhà tổ, phủ mẫu.

Toàn cảnh chùa

Tòa đình trống có 5 gian, mái lợp ngói nam, mặt sau để trống không xây tường. Hệ thống cửa gỗ chạy suốt 5 gian, thiết kế kiểu bức bàn, chân quay đặt trên ngưỡng đá cao, phía trên khung cửa là hệ thống ván gió hình chấn song con tiện. Hai đầu hồi đình là 2 cột trụ biểu, đỉnh tạo lồng đèn đắp hoa sen, thân hình vuông, mặt trong và trước tạo viền khoét lòng nhấn câu đối chữ Hán. Kết cấu bộ khung của đình hoàn toàn bằng chất liệu gỗ, với 4 hàng chân cột tính theo mặt cắt ngang, đặt trên chân tảng đá xanh. Công trình gồm 18 bộ vì, trong đó có 6 vì nóc và 12 vì nách. 2 vì giáp đốc kết cấu kiểu kèo cầu, cột trống, tay đòn ngang; các vì còn lại kiểu chồng rường, giá chiêng. Trên hệ thống đấu kê, con rường được soi chỉ và chạm khắc hoa văn lá lật. Vì nách kết cấu kiểu kẻ ngồi. Hệ thống bẩy tiền, bẩy hậu đầu khắc chữ “thọ”, thân chạm hoa văn lá lật.

 

Khám thờ Thiền sư Bùi Huệ Tộ thời Hậu Lê, thế kỷ 18

Công trình chùa nằm song song gần như giao mái với tòa đình phía trước. Chùa có bố cục hình chữ “công”, gồm 3 tòa: Tiền đường 5 gian, thiêu hương 4 gian và thượng điện 3 gian.  

Toà tiền đường có 5 gian, mái lợp ngói nam. Hệ thống cửa chạy suốt 5 gian, mỗi gian 4 cánh gỗ chân quay kiểu thượng song hạ bàn chạm khắc hoa văn, lá lật, đặt trên ngưỡng đá. Kết cấu bộ khung chịu lực toà tiền đường nhìn theo chiều ngang có 4 hàng chân cột, gồm cột cái, cột quân và cột hiên. Hệ thống cột nâng đỡ tổng cộng 18 bộ vì, gồm 6 vì nóc, 6 vì nách và 6 vì hiên. Vì nóc có kết cấu kiểu kèo cẩu, trụ trốngquá giang. Vì nách và vì hiên thiết kế kiểu kẻ ngồi, trong đó trên cấu kiện kẻ của vì nách để trơn, vì hiên chạm khắc hoa văn lá lật. Hệ thống bẩy hiên, đầu ngoài chạm chữ “thọ”, thân chạm rồng hoálá lật.

Tòa thiêu hương: Xoay dọc, giao mái bắt vần với toà tiền đường, mái lợp ngói nam, nền lát gạch vuông đỏ. Toà thiêu hương có 4 gian. Cấu tạo bộ khung cửa tòa thiêu hương gồm 4 hàng chân cột.

 Toà thượng điện cấu tạo bởi 3 hàng chân nâng đỡ 4 bộ vì nóc và 4 bộ vì nách. Vì nóc cấu tạo kiểu kèo cầu, trụ trống, quá giang. Vì nách kiểu kẻ ngồi. Toà thượng điện xây bệ tam cấp đặt ban thờ, khám và tượng Thiền sư Bùi Huệ Tộ.

Gác chuông nằm phía sau chùa, cách toà thượng điện khoảng 4m. Công trình có 3 tầng, xây bằng chất liệu gạch vữa. Tầng 1, ba mặt mở 3 cửa vòm cuốn. Tầng 2, mặt trước và mặt sau cũng dạng cuốn vòm nhưng đặt chấn song sắt. Các mặt còn lại đều xây 3 cửa giả kiểu thượng song hạ bản, phía trên cửa bốn ô nhấn nổi hoa văn. Mái tầng 2 tạo hình ngói ống, đầu đao cong đắp tản mây và dây lá. Hành lang tầng 2 xây lan can, 4 góc là 4 trụ vuông trên đắp hình búp sen. Trên tầng 2 treo chuông đồng. Tầng 3 gác chuông thu nhỏ, bốn mái giống như mái tầng 2, các đao góc đắp nổi hình đầu chim phượng, đỉnh gác chuông đắp nối đôi rồng chầu mặt trời.

Chùa Cổ Tung là công trình tín ngưỡng, tôn giáo thờ Phật và Thiền Sư Bùi Huệ Tộ (1566 - 1641). Thiền sư Bùi Huệ Tộ là một vị chân tu đã tiếp thu và truyền bá trong nhân dân những tư tưởng tích cực của đạo Phật về tinh thần nhập thế, tính độc lập, tự chủ và nhân văn của Phật giáo Thiền tông thời Trần và thờ Tam vị Thánh tổ: Từ Đạo Hạnh, Dương Không Lộ, Nguyễn Giác Hải.

 

Sắc phong ban cho Thiền sư Bùi Huệ Tộ, niên hiệu

Khải Định 9 (1924)

Trong hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ xâm lược, chùa Cổ Tung không chỉ là cơ sở cách mạng tin cậy, mà còn là địa điểm ghi nhận nhiều đóng góp quan trọng của địa phương trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà.

Chùa Cổ Tung là công trình kiến trúc do Thiền sư Bùi Huệ Tộ xây dựng ở thế kỷ 17. Tuy trải qua nhiều lần tu sửa, tôn tạo, nhưng đến nay công trình vẫn bảo lưu được nhiều giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ. Ngoài bố cục mặt bằng chữ “công” truyền thống, chùa Cổ Tung còn giữ được khá nguyên vẹn các hạng mục công trình, đặc biệt là bộ khung bằng chất liệu gỗ, với các mảng chạm khắc phong phú, sinh động mang đậm phong cách nghệ thuật truyền thống dân tộc. Bên cạnh đó, di tích chùa Cổ Tung còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật và đồ thờ tự có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học. Ngoài giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, chùa Cổ Tung còn bảo tồn, lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng, tiêu biểu là lễ hội truyền thống tưởng nhớ công lao của Thiền sư Bùi Huệ Tộ diễn ra vào ngày mồng 8, 9,10 tháng Giêng. Trong lễ hội, không chỉ các nghi lễ được thực hành mà nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa và trò chơi dân gian truyền thống được tái hiện, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Đây chính là môi trường để lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong xu hướng hội nhập, phát triển hiện nay.

Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử và văn hóa, chùa Cổ Tung xã Nam Hùng đã được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh năm 2019.

image advertisement

anh tin bai

anh tin bai



image advertisement
image advertisement


anh tin bai
anh tin bai







image advertisement
image advertisement

 anh tin bai

image advertisement



Video Sự Kiện
  • Giao lưu nghệ thuật quần chúng huyện Nam Trực 2024
  • Tuần lễ Văn Hoá - Giáo Dục huyện Nam Trực - Nam Định lần thứ XII - Năm 2023
  • Các điển hình Dân vận khéo năm 2023 huyện Nam Trực
  • Hạ nhiệt mùa hè cùng ngành điện
1 2 3