image banner
ĐẢNG BỘ,CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NAM TRỰC QUYẾT TÂM XÂY DỰNG HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO


image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đền, chùa Bái Hạ xã Nghĩa An
Lượt xem: 2578

Đền, chùa Bái Hạ xã Nghĩa An là di tích thờ Phật, thờ Triệu Việt Vương, người có công đánh đuổi giặc Lương giành độc lập cho dân tộc vào thế kỷ thứ 6. Đền, chùa Bái Trạch Hạ được xếp hạng di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh năm 2006.

Theo các nguồn sử liệu và nội dung bản thần phả “ Triệu Việt Vương“ do Cử nhân Trần Huy Cơ (sao năm Cảnh Thịnh thứ tư 1796) cùng truyền thuyết tại địa phương thì Triệu Việt Vương tên thật là Triệu Quang Phục con ông Triệu Túc người huyện Chu Diên phủ Tam Đới (Vĩnh Phúc). Một hôm vợ ông Triệu Túc là Lý Thị, mơ thấy mình cưỡi rồng vàng bay lên trời. Khi về nửa đường, gặp một người đầu đội mũ, tay cầm quả đào cưỡi trên con kỳ lân đỏ chỉ vào bà nói rằng: “nhờ gia đình làm nhiều điều phúc đức cho nên nhận được tiên đồng, sau này giữ nước yên dân. Hiềm vì quả phúc còn ít nên con bà không thể ở được lâu”.

Tỉnh dậy, bà kể giấc mơ với chồng, một năm sau bà có mang, ngày mồng 6 tháng 3 sinh một bé trai khôi ngô tuấn tú liền đặt tên là Triệu Quang Phục. Hai năm sau, ông bà sinh thêm một bé gái đặt tên là Đào Nương. Đến lúc trưởng thành, hai anh em đều thông minh hiếu học, có sức khỏe hơn người lại tinh thông về võ thuật. Là người có chí lớn, năm 15 tuổi Triệu Quang Phục đã tụ tập được hơn 100 người rèn luyện võ nghệ cung kiếm. Năm 18 tuổi, thấy Lý Bí là người có chí khí nên Triệu Quang Phục xin theo và được Lý Bí giao cho chức Tả tướng quân, Phạm Tu là Hữu tướng quân. Cuộc nổi dậy của Lý Bí đã khiến cho Thứ sử Tiêu Tư khiếp sợ bỏ chạy về nước.

       Tượng Triệu Việt Vương  tại cung cấm đền

Tháng giêng năm 544, Lý Bí tự xưng là Lý Nam Đế, lấy hiệu là Thiên Đức, đặt tên nước là Vạn Xuân, dựng điện Vạn Thọ làm nơi triều nội. Lý Nam Đế giao cho Triệu Quang Phục làm Tiết độ sứ ở trấn Sơn Nam. Năm Ất Sửu (545), nhà Lương sai Trần Bá Tiên làm tướng tiên phong, Dương Sàn làm Tư Mã sang đánh nước ta. Lý Nam Đế cho vời Triệu Quang Phục về để bàn kế sách chống giặc. Vua phong cho ông làm đại tướng quân đóng ở hồ Điển Triệt (nay thuộc huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc). Tháng giêng năm Bính Dần (546) bọn Bá Tiên tiến đánh lấy thành Gia Ninh, Lý Nam Đế chạy vào đất người Lão ở Tân Xương. Thừa cơ một đêm nước sông Gia Ninh lên mạnh, Bá Tiên đem quân vào đánh úp Lý Nam Đế. Vì đối phó không kịp, Lý Nam Đế phải rút chạy vào động Khuất Lão nay là huyện Tam Nông, Phú Thọ) rồi mất ở đó, toàn bộ binh quyền giao cho Triệu Quang Phục.

Năm 547, Triệu Quang Phục đem quân về đóng ở đầm Dạ Trạch (nay thuộc huyện Khoái Châu, Hưng Yên). Đây là vùng đầm lầy, lau sậy mọc um tùm, ở giữa có gò đất cao để đóng quân. Ông cho quân lính vừa sản xuất lương thực vừa tiếp tục kháng chiến. Đêm đêm nghĩa quân kéo ra đánh các đồn địch làm lực lượng của chúng bị tiêu hao. Trong thời gian 1 năm Triệu Quang Phục cho quân đánh mãi mà quân giặc không lui. Quang Phục bèn lập đàn cầu đảo được một vị thần cưỡi rồng vàng bay xuống đưa cho một móng rồng. Từ đó, Quang Phục cắm móng rồng vào đầu mâu khi ra trận đánh đâu được đấy.

Đến khi đất nước có biến loạn, vua nhà Lương cho gọi Bá Tiên về nước, Triệu Quang Phục đem quân đuổi theo đánh bại Dương Sàn quân Lương thua chạy về Bắc quốc. Triệu Quang Phục tiến vào thành Long Biên xưng hiệu là Triệu Việt Vương.

Trước khi ốm nặng, Lý Nam Đế đã cho anh ruột là Lý Thiên Bảo và Lý Phật Tử đánh vào Cửu Chân (Thanh Hoá). Thiên Bảo rút lên vùng núi Dã Năng lập nước riêng tự xưng là Đào Lang Vương. Sau khi Thiên Bảo chết vì không có con nối dõi nên binh quyền về tay Lý Phật Tử. Năm Đinh Sửu (577), Lý Phật Tử đem quân đánh lại Triệu Quang Phục để giành ngôi vua cho nhà Tiền Lý. Hai bên đánh nhau mãi không phân thắng bại, Lý Phật Tử phải giảng hoà lấy đất ở thành Ô Diên (nay là xã Hạ Mô, Từ Liêm, Hà Nội). Triệu Việt Vương đóng ở thành Vũ Ninh. Để tỏ lòng hoà hiếu Triệu Việt Vương đã gả con gái cho con trai Lý Phật Tử là Nhã Lang. Năm Tân Mão, Lý Phật Tử phản trắc bất ngờ đem quân đánh úp, vì không kịp phòng bị Triệu Việt Vương đã thua chạy về cửa biển Đại Nha (nay là thôn Độc Bộ xã Yên Nhân huyện Ý Yên) thì cùng đường phải nhảy xuống biển tuẫn tiết. Theo nội dung bản thần phả: Trên đường rút chạy về Độc Bộ, Triệu Việt Vương về đây dùng chân nghỉ tại một đêm, nên sau khi Triệu Việt Vương tuấn tiết, nhân dân lập đền thờ để tri ân công đức. Tương truyền tại nơi Triệu Việt Vương dừng chân nghỉ lại là một khu đất rộng sau này được đặt tên là cánh đồng cửa Vàng (cánh đồng của nhà vua).

Đền, chùa Bái Trạch hạ được xây dựng liền kề với nhau trong cùng một khuôn viên rộng 2.290 m², mặt quay về hướng Nam. Trên mặt bằng tổng thể chung hiện nay gồm các thành phần kiến trúc chính: Nghi môn, tam quan, sân đền, sân chùa, nhà giải vũ, nhà tổ và công trình kiến trúc đền, chùa. Bao quanh những hạng mục kiến trúc đó là hệ thống tường bao xây bổ trụ cao, có ô thoáng khép kín bảo vệ công trình. Hiện nay tổng thể công trình kiến trúc của đền chùa Bái Trạch hạ được xây dựng nằm ẩn hoà trong mọt khung cảnh thiên nhiên với nhiều cây cổ thụ đã tạo nên khung cảnh linh thiêng .

Toàn cảnh đền, chùa

Nghi môn của đền được xây dựng quay về hướng Đông với ba cổng ra vào, có dáng hai lớp mái. Trên cổ đẳng nhấn ba chữ Hán “Chiêm Khởi Kính” (Chiêm ngưỡng tỏ lòng thành kính). Nối liền với Nghi môn còn có hệ thống tường bao bảo vệ công trình

Qua nghi môn vào đến sân gạch rộng, được lát bằng gạch vuông nung đỏ là tới công trình chính. Toàn bộ ngôi đền được xây dựng trên nền đất cao ráo mặt bằng kiểu “chữ Tam” gồm tiền đường 3 gian 2 chái, trung đường 3 gian, cung cấm 1 gian 2 chái. Toà tiền đường có kích thước 5 gian, bộ khung tiền đường được liên kết bởi bốn vì kèo kiểu vì tứ hàng chân. Mỗi vì gồm 4 cột, hai cột cái, hai cột quân cao. Tất cả đều được làm hàng gỗ lim đặt theo thế thượng thư hạ thách, các chân cột được kê trên hệ thống đá tảng vuông nối gờ tròn. Để tạo nên bộ khung toà tiền đường ở đây có 3 dạng vì liên kết chủ yếu: Vì nóc (3 gian giữa), vì nách và liên kết hiên.

Trên hệ thống 4 cây bẩy hiên tại tiền đường đều được chạm khắc sinh động các đề tài: Lá lật, lá lật hóa long, mai hóa long bằng các đường chạm sắc nét, mềm mại. Trên các con rường và xà nách đều chạm khắc họa tiết long, ly, quy, phượng, đan xen họa tiết lá lật. Mặc dù phần chạm khắc trên đều mang phong cách thời Nguyễn thế kỷ 19, song với bố cục chặt chẽ đã làm tăng thêm giá trị nghệ thuật cho công trình kiến trúc.

                 Chạm khắc rồng mây trên bẩy tiền của tòa tiền đường đền

Tòa trung đường, được xây nối mái với tiền đường thông qua hệ thống máng nước. Bộ khung công trình làm bằng gỗ lim. Nâng đỡ bộ mái là 4 bộ vì gồm 8 cột cái và 8 cột quân, cùng với đó là các cấu kiện câu đầu, xà ngang, xà dọc, bẩy tiền, bẩy hậu liên kết chặt chẽ với nhau. Các bộ vì ở toà trung đường đều làm theo kiểu Thượng mê, hạ bẩy. So với tiền đường kiến trúc của trung đường đã có phần đơn giản, cấu kiện chủ yếu là ván mê, câu đầu song vẫn bảo đảm được sự vững chắc. Hiện nay, trên các cấu kiện đó vẫn còn giữ được nhiều mảng chạm khắc mang phong cách thời Nguyễn như: Hổ phù trên vì nóc, triện tàu lá dắt tại các vì nách rất phong phú sinh động. Cung cấm: Theo dòng chữ Hán khác trên long cốt thì cung cấm của đền được xây dựng năm 1941 gồm 1 gian 2 chái. Công trình được thiết kế kiểu cổ đẳng hai tầng tám mái. Vật liệu xây dựng chủ yếu bằng vôi vữa.

Chùa được xây dựng nằm phía bên phải của đền. Kiến trúc chùa được dựng theo kiểu chữ đinh gồm Bái đường và tam bảo. Bộ khung toà bái đường làm bằng gỗ lim với 4 bộ vì kèo liên kết kiểu Kèo cầu quá giang. Tại đây các cấu kiện kiến trúc hầu hết đều được gia công theo kiểu bào trơn đóng bén. Toà tam bảo có 4 gian, được xây nối liền với tòa bái đường bằng kỹ thuật giao mái bắt vần tạo thành mặt bằng hình chữ đinh truyền thống. Bên trong tam bảo bộ khung được thiết kế kiểu tứ trụ gồm 2 cột cái, cột quân, xung quanh xây gạch khép kín. Hệ thống vì nóc tại Tam bảo được gia công kiểu chồng rường, vì nách hai gian bên ngoài làm kiểu mê cốn, 2 gian trong làm kiểu chồng rường. Tuy được thiết kế tạo dáng khác nhau trên từng vì, từng gian song tại đây tất cả các cấu kiện đều hoà nhập trong cùng một tổng thể.

Chạm khắc thế kỷ 17, 18 vì nóc tòa tam bảo

Phần trang trí chạm khắc tại tam bảo, tập trung chủ yếu vào bộ vì thứ nhất. Với bàn tay khéo léo, các nghệ nhân đã đục chạm bong kênh họa tiết rồng ổ rất sinh động mang đậm phong cách nghệ thuật thế kỷ 17. Nhà tổ gồm 5 gian được xây dựng nằm về phía bên phải chùa, bộ khung công trình làm bằng gỗ lim, mái lợp ngói nam. Nối liền với nhà tổ còn có 7 gian nhà giải vũ, tiếp đến là tăng phòng, nhà khách tất cả được xây khép kín bảo vệ ngôi chùa phía trong. Hiện nay, công trình kiến trúc chùa Bái Trạch hạ, mặc dù được tu sửa tôn tạo nhiều lần song vẫn bảo lưu nguyên vẹn phong cách kiến trúc truyền thống.

Từ nhiều đời nay, di tích đền chùa Bái Trạch Hạ luôn được dân làng gìn giữ, bảo tồn như một bộ phận quan trọng trong cấu thành nên đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân. Di tích, không chỉ là nơi thờ cúng tri ân công đức của đức Thánh Triệu Việt Vương mà  còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của làng xóm, quê hương. Trong một năm, tại di tích thường diễn ra các kỳ lễ, hội như:

Lễ kỳ yên tổ chức trong hai ngày 13- 14 tháng 3 (âm lịch). Địa phương gọi đây là ngày lễ Cầu mát.

Lễ hội kỷ niệm ngày mất của Triệu Việt Vương tổ chức trong ba ngày từ 13 đến 15 tháng 8 (âm lịch).

Lễ yến lão còn gọi là lễ Mừng trùm được tổ chức vào ngày mồng 4 tết. Ngoài ra tại chùa Bái Trạch Hạ còn tổ chức các ngày lễ Phật đản (15/4 âm lịch), ngày Lễ Vu Lan xá tội vong nhân (15/7 âm lịch), ngày lễ cơm mới (1/10 âm lịch) và lễ tất niên (23 tháng chạp).

Thường 3 năm một lần vào ngày 14, 15 tháng 3 âm lịch, nhân dân làng Bái Trạch Hạ lại tổ chức lễ Kỳ yên. Thời gian diễn ra lễ hội diễn ra là giai đoạn chuyển mùa từ xuân sang hạ, khi tiết trời ấm áp, công việc đồng áng đã thanh nhàn. Do vậy lễ hội đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo nhân dân trong vùng. Mở đầu ngày hội, dân làng long trọng tổ chức nghi thức rước nước. Đoàn rước tập trung trước sân đền, sau đó tiến hành rước kiệu ra giữa sông Đào lấy nước. Khi ra đến Sông Đào, đội phụng nghinh kiệu bát cống xuống thuyền ra sông lấy nước và quay trở lại đền thì lễ hội truyền thống của làng Bái Trạch Hạ chính thức được bắt đầu. Trong ngày hội ngoài các nghi thức tế lễ, dân làng còn tổ chức thi làm xôi giữa các giáp trong làng. Để thực hiện thành công việc làm xôi, các giáp tổ chức thi lấy nước, chọn gạo và cuối cùng là đồ xôi. Sau khi đồ xong, mỗi giáp đơm xôi ra một mâm bồng và cử 2 người dâng lên lễ thánh. Khi lễ xong, làng cử người đơm 6 đĩa xôi của 6 giáp để ban giám khảo chấm điểm phân hạng nhất nhì, ba. Phần thưởng đơn giản chỉ là quả cau, lá trầu nhưng mang lại niềm vui cho những người thắng cuộc. Tuy vật chất giản dị, nhưng đó chính là thành quả lao động trong một năm mà người dân địa phương vất vả lao động. Thể hiện sự nâng niu, quý trọng phẩm vật mà mình làm ra. Từ đó, tỏ rõ lòng thành kính công đức với Thành hoàng làng.

Lễ hội tháng 8, kỷ niệm ngày mất của thành hoàng Triệu Việt Vương. Thời gian diễn ra lễ hội bắt đầu từ chiều ngày 13, đến hết ngày 14 tháng 8 âm lịch. Ngày thứ nhất, dân làng tổ chức rước kiệu bát cống của Thành hoàng cùng kiệu của các dòng họ xung quanh làng. Đi đầu đoàn rước, là đội đánh gậy dẹp đường với trang phục đầu vấn khăn, mặc áo dài đen, thắt lưng màu đỏ, chân quấn xà cạp, tay cầm gậy vừa múa, vừa dẹp đường. Sau đội múa gậy là đội cờ thần, tiếp đến là đội phụng nghinh các cỗ kiệu bát cống, bát biểu. Tiếp sau, là phường bát âm với các loại nhạc cụ cổ truyền. Theo cùng đoàn rước, còn có các lão ông, lão bà và đông đảo nhân dân tham gia. Ở hai bên đường rước, nhiều dòng họ, gia đình bày nhang án, đặt lễ trước cửa bái vọng Đức thánh. Khi đoàn rước quay trở lại đền là nghi thức tế lễ bắt đầu được cử hành. Song song với các nghi thức tế lễ, hội làng còn tổ chức các trò chơi dân gian khác như: hát chèo, leo cầu ngô, chọi gà, múa rối nước, kéo co, đi xe đạp chậm ... nhằm tạo nên không gian lễ hội tưng bưng náo nhiệt.

Kiệu bát cống

Đền chùa Bái Trạch Hạ là di tích có giá trị lịch sử, là nơi để dân làng tri ân đức Thánh Triệu Việt Vương. Ông là một võ tướng của triều Tiền Lý đã đứng lên đánh tan quân xâm lược nhà Lương, giành lại độc lập cho dân tộc. Ông là người có nhiều công lao đối với đất nước, vì vậy sau khi ông mất nhân dân nhiều nơi đã lập đền thờ ghi nhớ công ơn.

          Công trình kiến trúc đền, chùa Bái Trạch Hạ được xây dựng trong một không gian thoáng đãng, tổng thể kiến trúc hoàn chỉnh với nhiều gian, nhiều tòa lớn nhỏ. Mặc dù đã trùng tu tôn tạo nhiều lần song các giá trị kiến trúc gần như được bảo tồn nguyên vẹn. Đặc biệt, tại di tích còn lưu giữ được nhiều mảng chạm khắc thời hậu Lê thế kỷ 17,18 cùng nhiều đồ thờ tự, tượng pháp có giá trị về lịch sử - văn hóa. Nơi lưu giữ và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân trong vùng.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, di tích còn là địa điểm ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương. Mặc dù bị kìm kẹp trong sự khủng bố gắt gạo của địch song luôn là cơ sở an toàn cho cán bộ Đảng viên về hoạt động và chỉ đạo phong trào. Điều đó càng tô đậm thêm truyền thống đoàn kết của nhân dân và góp phần không nhỏ vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc.

                                        Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo huyện Nam Trực

image advertisement

anh tin bai

anh tin bai



image advertisement
image advertisement


anh tin bai
anh tin bai







image advertisement
image advertisement

 anh tin bai

image advertisement



Video Sự Kiện
  • Giao lưu nghệ thuật quần chúng huyện Nam Trực 2024
  • Tuần lễ Văn Hoá - Giáo Dục huyện Nam Trực - Nam Định lần thứ XII - Năm 2023
  • Các điển hình Dân vận khéo năm 2023 huyện Nam Trực
  • Hạ nhiệt mùa hè cùng ngành điện
1 2 3