image banner
ĐẢNG BỘ,CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NAM TRỰC QUYẾT TÂM XÂY DỰNG HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO


image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
ĐỀN, CHÙA ĐẠO QUỸ, XÃ NAM TIẾN
Lượt xem: 3451
Đền, chùa Đạo Qũy, xã Nam Tiến thờ Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, thờ Phật và các vị thủy tổ có công khai sáng mảnh đất Đạo Qũy

Tượng thờ Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn
Thôn Đạo Quỹ ngày nay, được các vị tổ họ Trần, họ Tạ, họ Vũ, họ Phạm, họ Lê, họ Nguyễn...về khai hoang lập ấp, trong đó họ Trần (hiện còn rất ít người) có nguồn gốc từ Tức Mặc là quê hương nhà Trần. Do vậy, khi đến vùng đất mới để sinh cơ lập nghiệp đã lập đền thờ tưởng niệm Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn để tỏ lòng tri ân của người dân Đạo Quỹ đối với một vị anh hùng dân tộc đã đóng góp tài năng, trí tuệ trong ba lần cùng nhân dân Đại Việt tổ chức cuộc chiến mang tính toàn dân, toàn diện đánh bại đế quốc Nguyên - Mông. Tại đền hiện còn câu đối, sắc phong ghi lại việc phụng thờ như sau:
Câu đối
“Thần phúc tư dân như sơn phụ
Cổ truyền linh miếu vượng tây càn”
Tạm dịch:
“Phúc thần ban phúc cho dân, to lớn tầy non dân đội đức
Truyền lại từ xưa ngôi miếu, vượng phương tây bắc miếu xây nên.”
Sắc phong
(1) Phong cho Hưng Đạo đại vương Thượng đẳng thần xã Đạo Qũy huyện Nam Chân tỉnh Nam Định, ngày 24 tháng 11 năm Tự Đức thứ 33 ( 1880).
(2) Phong cho Hưng Đạo đại vương xã Đạo Qũy huyện Nam Chân, ngày 1 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 2 ( 1887).

Ngai và bài vị thờ Hậu Lê
Hiện nay tại đền Đạo Quỹ còn lưu lại nhiều bài thơ, câu đối ca ngợi công đức của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Đáng lưu ý có đôi câu đối sau đây: 
“Thần Vũ lôi oanh Hồ địa Bắc, 
Thành văn nhật lệ Việt thiên Nam”. 
Tạm dịch:
( Võ công tựa sấm ran, vỡ mật giặc Hồ từ đất Bắc, 
Văn trị như trời sáng, vang lừng đất Việt dưới trời Nam). 
“Thần phúc tư dân như sơn phụ
Cổ truyền linh miếu vượng tây càn”
Tạm dịch:
“Phúc thần ban phúc cho dân, to lớn tầy non dân đội đức
Truyền lại từ xưa ngôi miếu, vượng phương tây bắc miếu xây nên.”
Đền Đạo Quỹ thờ bốn vị thủy tổ khai sáng quê hương là họ Tạ, Phạm, Trần, Vũ và hai họ kế tiếp là Lê và Nguyễn. Buổi đầu về khai hoang lập nghiệp các vị tổ phải vượt qua muôn vàn khó khăn để khơi sâu mương máng, cải tạo ruộng đồng, chuyển đất làm nền, tạo thổ cư. Khi làng xóm ổn định, các vị tổ đã xây dựng đền, chùa đáp ứng yêu cầu tinh thần cho dân. Đền chùa xưa đã phải làm nhiều lần. Bước sang thế kỷ 18 làng còn nghèo nên các công trình vẫn phải làm bằng gỗ tạp và lợp rạ. Sang thế kỷ 20 dân làng đã xây dựng lại công trình ở vị trí rộng rãi hơn. Cuối thể kỷ 19 mới xây dựng công trình mái cong bằng gỗ lim có niên hiệu Duy Tân và sửa sang hai toà chính. Dưới thời Bảo Đại, địa phương làm ăn khấm khá nên nhân dân mới tu tạo như ngày nay, Qua việc tu sửa đến chùa mà văn bia Cảnh Hưng thứ 6 (1745) và văn bia thời Bảo Đại đã ghi lại sự việc, chứng tỏ cuộc sống nhân dân ở đây cũng gặp nhiều khó khăn, phải bươn trải qua nhiều quá trình gian nan mới thiết lập được làng xã. Nhân dân địa phương đã thấy được công lao của các vị tổ nên không chỉ tôn thờ tại đền mà các ngày kỷ niệm còn đọc văn tế nói tới công lao, đề thơ ghi tại đền để cho con cháu hiểu rõ sự nghiệp của tổ tiên, từ đó phát huy, xây dựng quê hương. Dưới đây là bài thơ nhấn trên tường của cụ Nhất Thiềng:
Lê sơ Trần mạt tứ gia huấn, 
Chí thử an cư lịch kỷ xuân.
Tự tố tự thần duyên cố hữu, 
Khai cơ lập nghiệp khuyến đương cân. 
Phạm Trần Tạ Vũ hữu ta công, 
Thế thế nghì lưu tự sự long. 
Phi cổ vô kim hà bất thị, 
Giáo nhân vấn tổ yếu tuân tòng. 
(Cuối Trần bốn họ tới nơi đây, 
Lập nghiệp khai cơ ở đất này.
Thờ tổ thờ thần theo nếp cổ, 
Mặc dù mưa nắng chớ quên thay.
Phạm, Trần, Tạ, Vũ biết bao công, 
Đời phải tiếp đời vấn tổ tông. 
Không gốc ngọn sao tươi tốt được,
Giúp nhau ghi nhớ tổ tiên cùng). 
Cụ Tạ Công Thành (gọi chệch là Thiềng) sinh ra và lớn lên vào thế kỷ 19, là người thi đỗ nhất trường đã cảm tác đề thơ về các vị tổ. Cụ còn đề thơ tán dương công đức của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Ý thơ của cụ là ý nguyện, tâm tư của dân làng Đạo Quỹ đối với các tiền nhân.

Nhang án đặt tại tòa tiền đường
Đền và chùa Đạo Quỹ nằm sát bên nhau và đều do các cụ tổ lập làng xưa kia cùng nhân dân trước đây và hiện nay có đóng góp công xây dựng để thờ Phật, thờ người anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, thờ các tổ lập làng, nên trong lễ hội, đều có sự liên quan với nhau. Vì vậy các ngày tuần, tiết , sóc, vọng nhân dân đều có hương dâng cho cả đền và chùa. Riêng dịp kỷ niệm Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn thì làng thường tổ chức hai ngày là 18, 19 tháng 8 âm lịch. Đây là hội chính nên con cháu, các hội đồng hương thường kéo về dự hội khá đông vui. Ngoài việc tế lễ, dâng hương, các dòng họ còn tổ chức rước các tổ ở từ đường trong thôn ra đền. Làng còn tổ chức cho các giáp thi cỗ, thi lợn, thi làm bánh dày, bánh chưng sao cho vừa ngon, vừa sạch để có lễ vật cúng thánh, cúng phật, cúng tổ. Việc thi trên đây ngoài yếu tố tâm linh, cũng còn là phương pháp khuyến khích việc cấy lúa nếp thuần chủng, việc chăn nuôi hợp vệ sinh mà hiệu quả cao, việc nâng cao tay nghề chế biến món ăn tạo cho cuộc sống dân thôn ngày một được sung túc. Dịp này làng còn tổ chức thi đánh cờ, thi leo cầu phao, tổ chức múa lân, đấu vật tạo không khí vui chơi lành mạnh, đồng thời ôn lại tinh thần thượng võ của dân tộc. Đêm đêm, tại đền còn tổ chức hát chèo khiến bà con gần xa về dự hội rất phấn khởi. Hội làng Đạo Quỹ tuy gọn, nhẹ nhưng đầy đủ ý nghĩa, mang đậm màu sắc dân tộc, nên cần được nghiên cứu và phát huy. 
Đền và chùa Đạo Quỹ nằm chung trên một thửa đất cao, rộng rãi bên cạnh làng, cảnh quan nơi đây khá hấp dẫn. Phía trước đền có hai cây cổ thụ không chỉ có bộ gốc, cành lá to cao xum xuê, mà còn có vị trí cân đối ở hai bên mặt tiền đã làm cho toàn cảnh khu quần thể đền chùa nơi đây thêm đẹp, đượm vẻ u tịnh cổ kính.

Toàn cảnh Đền Đạo Qũy
Toàn bộ công trình chính, phụ, cổng mặt tiền được thiết kế theo trục đối xứng rất cân đối, tạo sự khép kín theo kiểu nội chữ công, ngoại chữ quốc. Ba toà chính làm theo lối chủ công là tiền đường, đệ nhị và chính tẩm có những nét đồng bộ gian mái như hai toà tiền đường, đệ nhị cung. Song tòa chính tẩm lại làm theo kiểu gác lâu vươn cao hẳn lên để chiếm lĩnh không gian.
Tòa tiền đường 5 gian làm theo lối chồng rường kẻ bẩy, một phương pháp cổ truyền vừa đẹp vừa để tháo lắp khi thi công. Cũng như các bộ khung của các toà tiền đường khác, bộ khung gỗ lim như cột, xà đều được tuyển lựa gỗ một cách công phu, đục mộng, xàm đóng một cách khoa học và rất nghệ thuật nên đều bén, khít một cách kỳ lạ. Từng con rường, từng chiếc đấu, từng đầu xà còn được đục, chạm các đề tài như: hoa sen, lá lật thật cầu kỳ, đẹp mắt. Hàng bẩy tiền không chỉ có dáng cong đều đặn, lại được chạm đề tài lá lật hoá long uyển chuyển. Hàng cột hiên làm bằng đá rất công phu, lại cầu kỳ chạm nổi trên thân cột các đề tài cây tùng, cây mai, cây trúc và cây cúc hoá long một cách sinh động. Phía trên đầu cột đá là hệ thống máng, cũng bằng chất liệu đã khá công phu và đục chạm bằng hoa sen rất kỳ công. Phía trên mái mặt tiền có một đôi rồng bằng đá chầu mặt trăng, cũng là đề tài phải tốn kém nhân tài vật lực. Trên hệ thống cột đá được khắc một bài thơ nôm; ca ngợi nghệ thuật xây dựng đền Quỹ Đạo như sau: 
Nào hoa lá, nào long ly, 
Nhìn xem cảnh sắc khác gì núi non. 
Lay chẳng chuyển mài thành mòn, 
Trần gia đường bộ vẫn còn dấu thiêng. 
Phía trong tiền đường là toà đệ nhị, công trình này có 2 gian giao mái với tòa tiền đường. Trên các vì mê cốn được đục chạm hoa lá, trang trí công phu để hòa nhập với bộ khung tiền đường. Trong cùng có tòa chính tẩm. Công trình này tuy xây dựng bằng vôi gạch, nhưng thiết kế kiểu chồng diêm, tám mái, vừa có những cặp góc mềm mại uốn cong, vừa có độ vươn cao chiếm lĩnh không gian khiến ba công trình chính không chỉ hài hoà mà còn độc đáo đầy ấn tượng. Hai tòa giải vũ làm hai bên ở phía trước tiền đường, theo phong cách truyền thống đã làm bố cục thêm chặt chẽ, không chỉ cân đối, đẹp mà còn làm tôn thêm vẻ uy nghiêm cho khu đền. Phía ngoài hai tòa giải vũ, còn có hệ thống cổng chính, cổng phụ làm kiểu mái cong hai tầng cùng với tường hoa, trụ góc tạo thế khép kín, gây ấn tượng tốt đẹp đối với khách hành hương. 
Bên cạnh đền là chùa Cảnh Linh. Công trình này gồm có bốn tòa bao gồm bái đường ba gian, tam bảo hai gian, nhà tổ ba gian, nhà khách năm gian. Phía sau còn có nhà bếp tạo sự khép kín cho tổng thể khu chùa. 

Kiệu thời Nguyễn
Bái đường, tam bảo tuy xây dựng bằng chất liệu vôi, gạch song cũng được thiết kế theo phong cách truyền thống. Mái lợp ngói nam, có bờ băng trên nóc và hồi nên đã hoà nhập khu chùa với cảnh quan chung của quần thể di tích. Nhà tổ ba gian làm bằng gỗ lim, theo lối chồng rường mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê. Công trình này đã đại tu và thay đổi một số cấu kiện của bộ khung. Nhưng qua các hàng cột gỗ lim, qua hệ thống con rường, cũng với hệ thống trụ, câu đầu ở các vì cũng đủ chứng minh ý thức của ban hưng công chùa đối với hạng mục kiến trúc cổ, mà ông cha đã xây dựng. Ngoài hiên nhà tổ còn có hệ thống hà diệp chạy giữa hai hàng xà phía trên đầu cột, tạo nên sự kín đáo cho phân giáp mái của công trình. Điều đáng lưu tâm là trên hà diệp đã được thể hiện các đề tài điêu khắc của thế kỷ 17. Nghệ nhân chạm mây tản, lá hoả vừa uyển chuyển như bay, vừa khéo sắp xếp, bóc tách nên lớp nọ, lớp kia hoà quyện vào nhau mà không hề chồng chéo. Cả ba tấm hà điệp là ba đề tài mây lá rất hấp dẫn, tinh tế nghệ thuật. Những lần tu sửa tiếp theo, ban hưng công nên có sự gia công, phục chế các đề tài, các cấu kiện mang màu sắc văn hoá cổ truyền để cho công trình được bảo lưu một cách hoàn mĩ, tạo cảm xúc tốt đẹp cho khách hành hương, tạo ấn tượng cho các thế hệ hiện tại và tương lai về công trình cổ mà tổ tiên làng Đạo Quỹ đã tốn nhiều công sức, tiền của xây dựng. Gần nhà tổ là khu nhà khách năm gian, công trình này cũng được làm theo phong cách truyền thống, tuy nhiên sự gia công không được thể hiện đầy đủ, nghệ thuật như nhà tổ. Phía sau còn có ba gian nhà bếp cũng được xây tường, lợp ngói gọn gàng theo kiểu dáng truyền thống. Chùa Cảnh Linh thôn Đạo Quỹ còn có hệ thống mộ tổ, tường bao, sân trước, sân sau làm cho công trình vừa được khép kín vừa sạch sẽ. Khu chùa với các hạng mục công trình đã góp phần cùng đền Đạo Quỹ tạo cho cảnh quan nơi đây thêm phong phú, để lại ấn tượng tốt đối với bà con quê hương và với khách hành hương.
Đền, chùa Đạo Quỹ thờ phật, thờ Trần Hưng Đạo là vị anh hùng dân tộc và bốn vị thủy tổ khai sáng quê hương là họ Tạ, Phạm, Trần, Vũ và hai họ kế tiếp là Lê và Nguyễn. Đền, chùa Đạo Quỹ là công trình kiến trúc cổ có giá trị về kiến trúc. Nơi đây còn lưu giữ được nhiều đồ thờ, bia, chuông, tượng pháp mang tính nghệ thuật cao. Từ giá trị lịch sử và kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu. Đền, chùa Đạo Quỹ được xếp hạng di tích Lịch sử - Văn hoá cấp tỉnh năm 2003.


image advertisement

anh tin bai

anh tin bai



image advertisement
image advertisement


anh tin bai
anh tin bai







image advertisement
image advertisement

 anh tin bai

image advertisement



Video Sự Kiện
  • Tuần lễ Văn Hoá - Giáo Dục huyện Nam Trực - Nam Định lần thứ XII - Năm 2023
  • Các điển hình Dân vận khéo năm 2023 huyện Nam Trực
  • Hạ nhiệt mùa hè cùng ngành điện
  • Nam Trực - Điểm sáng trong phát triển sự nghiệp Thể dục - Thể thao
1 2 3