Thủy
tổ của dòng họ Phạm thôn Cổ Tung, xã Nam Hùng là Phạm Huyền Đức. Ông xuất thân
trong một dòng họ có truyền thống hiếu học, nhiều người đỗ đạt tại xóm Vạn
Chài, làng Dủi Quan, tổng Đạo Chân (nay thuộc xóm Vạn Đình, thôn Kim Đôi, xã
Kim Chân, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). Nhận thấy vùng đất Sơn Nam (nay là thôn
Ngưu Trì, xã Nam Cường, huyện Nam Trực) là nơi địa thế tốt, có nhiều điều kiện
để phát triển lâu dài, tổ Phạm Huyền Đức đã rời quê hương cùng ông Phùng Phúc
Quý (người tỉnh Sơn Tây) chiêu mộ dân đinh, khai khẩn, mở mang xây dựng làng xã
rồi định cư luôn ở đây, hình thành nên
dòng họ Phạm.
Tổ
Phạm Huyền Đức kết duyên với tổ bà họ Bùi, người xã Cổ Tung (nay là thôn Cổ
Tung, xã Nam Hùng, huyện Nam Trực) và sinh được hai người con trai: con trưởng
là Phạm Phúc Thọ, con thứ là Phạm Khắc Tùng. Khi đã trưởng thành, người con
trưởng ở lại quê cha, người con thứ đưa gia đình xuống định cư tại quê ngoại và
hình thành nên dòng họ Phạm ở thôn Cổ Tung, xã Nam Hùng, huyện Nam Trực ngày
nay. Đến đời vị tổ thứ 3 là Hoàng giáp Phạm Khắc Thận, ông kết duyên với tổ bà
Nguyễn Thị Đồn, người ở tổng Trường Yên (nay là xã Trường Yên, huyện Hoa Lư,
tỉnh Ninh Bình), sinh được một người con trai đặt tên là Phạm Diệu Pháp tự
Huyền Trung. Sau khi tổ Phạm Khắc Thận mất, tổ bà đã đưa con về quê ngoại sinh
sống, từ đó phát triển và hình thành nên dòng họ Nguyễn gốc Phạm ở thôn Minh
Hoa, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Đến nay dòng họ này đã truyền
được 17 đời với khoảng hơn 1.000 suất đinh. Theo thống kê của dòng họ, tính tới
thời điểm hiện tại, dòng họ Phạm tại thôn Cổ Tung xã Nam Hùng đã truyền được 19
đời với 163 suất đinh và gần 270 nhân khẩu, sinh sống ở nhiều nơi, tập trung
chủ yếu trên địa bàn các tỉnh: Nam Định, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Lâm Đồng. Nối
tiếp truyền thống ông cha, các thế hệ con cháu dòng họ Phạm trên khắp mọi miền
Tổ quốc đã và đang cống hiến trí tuệ, sức lực trên nhiều lĩnh vực góp phần xây
dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển, giàu mạnh.
Ngai, bài vị thờ Hoàng giáp Phạm
Khắc Thận
Từ đường họ Phạm thờ Hoàng giáp Phạm
Khắc Thận và các vị tổ kế thành. Căn cứ một số nguồn tư liệu như: Các nhà khoa bảng Việt Nam của tác giả Ngô
Đức Thọ; Các vị Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa qua các triều đại phong kiến
Việt Nam của tác giả Trần Hồng Đức; Thần tích Việt Nam của tác giả Lê Xuân
Quang; Phạm tộc gia phả ký, soạn năm Khải Định 3 (1918) cùng nội dung sắc
phong, câu đối, đại tự lưu giữ tại từ đường thì thân thế và sự nghiệp của Hoàng
giáp Phạm Khắc Thận được ghi chép như sau: Hoàng giáp Phạm Khắc Thận sinh năm
Tân Dậu (1441), thân phụ là tổ Phạm Khắc Tùng con trai thứ của Thủy tổ Phạm
Huyền Đức, thân mẫu họ Phạm tên hiệu là Từ Trang - người xã Cổ Tung (nay là
thôn Cố Tung, xã Nam Hùng). Ngay từ lúc còn nhỏ, Phạm Khắc Thận đã tỏ rõ là một
cậu bé thông minh, chăm chỉ. Khi lên 7 tuổi, cha mẹ đưa ông về quê ngoại (xã Cổ
Tung) sinh sống. Tuy nhà nghèo nhưng thấy con ham mê đèn sách, chăm chỉ học
hành nên cha mẹ quyết tâm nuôi ông ăn học. Nhữmg năm đầu đi học Phạm Khắc Thận theo
học tại trường làng. Đến khi trưởng thành ông theo học thầy Vũ Tuấn Chiêu,
người làng Xuân Lôi, xã Cổ Ra (nay là xóm Xuân Lôi, thôn Cổ Ra, xã Nam Hùng,
huyện Nam Trực). Trong số học sinh theo học lớp của thầy Chiêu thì Phạm Khắc Thận
là cậu học trò nghèo nhất, cơm ăn, áo mặc, sách vở, giấy bút đều thiếu thốn,
nhiều khi phải trèo lên cây để học bài dưới ánh trăng và bắt đom đóm cho vào lọ
để thắp sáng làm đèn học. Vì có cùng cảnh ngộ mồ côi cha từ nhỏ như thầy, nên
ông được thầy ưu ái cho ở tại nhà mình để thuận lợi cho việc học hành.
Khám tượng thờ Hoàng giáp Phạm Khắc Thận
Sau
những năm tháng khổ cực miệt mài đèn sách, Phạm Khắc Thận về xã Ngưu Trì là nơi
sinh, xin ghi tên để ứng thi. Bấy giờ trong xã có người họ Vũ nắm quyền đã
không ghi tên ông vào danh sách đi thi. Vì thế ông trở về quê mẹ ở xã Cổ Tùng
(nay là thôn Cổ Tung, xã Nam Hùng) để đăng ký dự thi và ông đã đỗ Đệ nhị giáp Tiến
sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Quý Sửu niên hiệu Hồng Đức 24 (1493) đời vua Lê
Thánh Tông. Sau khi đỗ Hoàng giáp, ông được bổ chức “Hàn lâm Hiệu lý ”. Năm Đinh Tỵ (1497), ông được cử làm phó sứ sang
nhà Minh để cầu phong. Đi sứ về ông được thăng đến chức “Lễ bộ Tả thị lang, tước Xuân Lâm tử”. Một thời gian sau ông xin từ
quan về trí sĩ tại quê nhà. Nhưng bấy giờ, ở vùng giáp biên giới nước ta có bọn
giặc biển vào quấy nhiễu (từ ven biển An Bang đến Hải Dương). Chúng thường đem
binh thuyền đánh úp các đồn trại, thành thị miền duyên hải, có khi tiến sâu vào
sông Bạch Đằng, cướp bóc và giết hại dân lành. Trước tình cảnh đó, triều đình
nhà Lê đã sai Đô đốc Bảo Lộc bá Lê Tử Văn và tướng Vũ Cảnh mang quân vào kinh
lý miền Nam biên giới. Sai Hoàng giáp Phạm Khắc Thận mang quân đi tuần bị miền
Hải Đông). Vâng mệnh nhà vua, Phạm Khắc Thận đem quân đi dẹp giặc rồi tử trận
luôn tại đó vào ngày mồng 2 tháng 9 năm Kỷ Tỵ (1509). Tiếc thương ông nhà vua
đã truy phong ông làm Lễ Bộ Thượng thư, tước Xuân Lâm bá, cho tên thụy là Cương
Nghị và phong làm Phúc thần. Ngoài ra, ông còn được nhân dân làng Cổ Tung
lập đền thờ, suy tôn là thành hoàng. Hiện phần mộ của ông được an táng ở làng
Cổ Tung. Lăng mộ ông được xây trên mảnh ruộng hơn một sào, về phía Nam trước
làng bên cạnh đường Vàng. Với những công lao to lớn ấy triều vua Khải Định năm
thứ 2 (1917) và năm thứ 9 (1924) đã gia phong cho ông là: “Dực bảo trung hưng linh phù tôn thần” và “Quang ý Trung đẳng thần”. Đạo sắc phong dưới thời Nguyễn, ngày 18
tháng 3 niên hiệu Khải Định 2 (1917) có nội dung chép (dịch) như sau: “Sắc xã Cổ Tung, huyện Nam Trực, tỉnh Nam
Định phụng thờ tôn thần Bản cảnh Thành hoàng Phạm tướng công, Thượng thư Bộ Lễ
triều Lê, tước Xuân Lâm bá, linh thiêng ứng nghiệm rõ rệt. Nay Trẫm được kế
thừa mệnh lớn, tưởng nhớ sâu xa sự tốt đẹp của thần, phong tặng rõ ràng là tôn
thần Dực bào trung hưng linh phù (linh thiêng phò giúp nền chính trị thịnh
trị), chuẩn cho phụng thờ thần, thần sẽ che chở bảo vệ dân ta” Hoàng giáp
Phạm Khắc Thận là người học rộng tài cao, hết lòng giúp nước, cứu dân, quyết
chiến giữa trận tiền. Tên tuổi của ông được gắn liền vào lịch sử chống ngoại
xâm oanh liệt, góp phần tô đẹp thêm trang sử vẻ vang mấy ngàn năm dựng nước và
giữ nước của dân tộc Việt Nam. Hiện nay, khám và tượng thờ Hoàng giáp Phạm Khắc
Thận được đặt trang trọng tại gian chính giữa của tòa hậu đường. Hai gian bên
là nơi thờ các vị tổ kế thành.
Sắc phong cho bản cảnh Thành hoàng Phạm tướng công
Niên hiệu Khải Định 2 (1917)
Những
hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng hàng năm diễn ra tại di tích là dịp để
con cháu dòng họ họp mặt tôn vinh, tưởng nhớ công lao của tổ tiên. Bên cạnh đó,
các lễ nghi trong mỗi dịp lễ tổ còn góp một phần quan trọng vào việc bảo tồn
các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần, tạo nên sự đoàn kết
cho con cháu trong dòng họ. Theo truyền ngôn trong dòng họ thì trước đây
tại ngôi Từ đường diễn ra nhiều ngày lễ, ngày giỗ nhằm tôn vinh, tưởng nhớ công
lao của Hoàng giáp Phạm Khắc Thận và các vị tổ của dòng họ. Trải qua thời gian,
đến nay những nghi thức tế, lễ tại từ đường đã có nhiều thay đổi. Hiện nay, tại
từ đường hàng năm diễn ra hai kỳ lễ chính được tổ chức vào tháng 3 và tháng 9
âm lịch. Lễ kỵ Hoàng giáp Phạm Khắc Thận ngày mùng 2 tháng 9, được cử hành
trang trọng trong ba ngày, bắt đầu từ ngày 30 tháng 8 và kết thúc vào ngày mùng
2 tháng 9. Ngày 30, con cháu dòng họ sắm sửa lễ vật tập trung về từ đường đồng
thời tiến hành các công việc quét dọn, bao sái đồ thờ tự, trang hoàng nơi diễn
ra buổi lễ. Sáng ngày mùng 1, các đội tế với phẩm phục theo quy định tiến vào
sân hành lễ, thực hiện nghi lễ tế cáo và rước lễ vật dâng lên tiên tổ với tấm
lòng thành kính. Sau khi lễ xong, tiến hành mở của Từ đường, con cháu trong
dòng họ bắt đầu dâng hương cúng tổ. Buổi tối hội khuyến học, khuyến tài của
dòng họ tổ chức tuyên dương, trao phần thưởng cho con cháu đã có thành tích
xuất sắc trong học tập. Tiếp diễn là hoạt động bình “Văn chầu tổ ”. Buổi sáng ngày mùng 2 tháng 9, đúng ngày chính kỵ,
các tư gia trong thôn cử hành nghi thức dâng hương, dâng rượu, dâng trà. Sau
khi nghi thức dâng hương kết thúc, đại diện dòng họ đọc chúc văn ôn lại công
lao của Hoàng giáp Phạm Khắc Thận đối với quê hương, đất nước, cầu mong tiên tổ
độ trì cho con cháu một năm mưa thuận gió hòa, người người khỏe mạnh, công danh
sự nghiệp hiển vinh. Lễ xong con cháu dòng họ và nhân dân trong thôn cùng nhau
thụ lộc trong không khí vui vẻ, thắm tình đoàn kết. Lễ kỵ tổ được tiến hành vào
ngày mùng 1 tháng 3, vào ngày này, toàn bộ con cháu trong dòng họ tập trung về
từ đường mang theo lễ vật, thực hiện các nghi thức dâng hương lễ tổ. Nhìn
chung, những sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng tại Từ đường họ Phạm đã phản ánh được
lòng biết ơn của con cháu đối với ông và các vị tổ của dòng họ, những người đã
sinh thành và tạo dựng cuộc sống tốt đẹp cho con cháu ngày nay. Đó là nét đẹp
văn hoá truyền thống cần được bảo tồn và phát huy.
Tòa tiền đường
Theo
truyền ngôn của các bậc cao niên trong dòng họ, thì Từ đường họ Phạm, là công
trình tín ngưỡng được xây dựng cách đây khoảng 500 năm sau khi Hoàng giáp Phạm
Khắc Thận qua đời. Ngôi từ đường ban đầu được xây dựng bằng chất liệu gạch, gỗ
lim, quay về hướng đông, kết cấu kiến trúc theo kiểu chữ “đinh”, với diện tích khuôn viên khoảng hơn một sào Bắc Bộ, cách từ
đường hiện nay khoảng 100m về hướng Đông Bắc. Năm 1960, từ đường bị dỡ bỏ hoàn
toàn do lâu ngày dột nát không được trùng tu, sửa chữa. Đồ thờ tự được chuyển
về nhà Trưởng tộc Phạm Văn Doanh. Đến năm 1995, con cháu dòng họ đã đóng góp
công sức, tiền của phục dựng lại ngôi từ đường tại vị trí hiện nay vẫn theo
phong cách kiến trúc truyền thống. Trải qua năm tháng, tác động của thiên
nhiêm, chiến trang để bảo vệ công trình thờ tự và tiện lợi cho việc tế lễ, con
cháu dòng họ đã nhiều lần tiến hành trùng tu, tôn tạo từ đường. Từ đường họ
Phạm toạ lạc trên một khu đất rộng, cao
ráo, kiến trúc theo kiểu chữ “đinh"
gồm: Tiền đường và Hậu đường. Mặc dù đã trải qua nhiều lần trùng tu, Từ đường
họ Phạm là công trình tín ngưỡng bền vững, bảo lưu được phong cách kiến trúc
truyền thống. Từ những giá trị tiêu biểu
về lịch sử và văn hóa, từ đường họ Phạm, thôn Cổ Tung, xã Nam Hùng đã được xếp
hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh năm 2019.